Với vai trò người đứng đầu cơ quan tham mưu tổng hợp về chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cơ chế, chính sách quản lý kinh tế, phát triển doanh nghiệp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Việt Nam cùng vươn lên, có những sản phẩm chất lượng, chiếm lĩnh thị trường trong nước, vươn ra quốc tế, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Nhân sự kiện Hội nghị của gần 1.000 doanh nghiệp ngành tôm với một chủ đề có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển bền vững của đất nước “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” diễn ra tối 12/12, Bộ trưởng khẳng định, được Bộ Chính trị phát động từ năm 2009, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam và sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
“Đây là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đối với mỗi người tiêu dùng Việt Nam về trách nhiệm ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ do người Việt Nam làm ra, qua đó tạo động lực cho doanh nghiệp Việt Nam vươn lên về chất lượng, cải tiến công nghệ, xây dựng thương hiệu đủ sức cạnh tranh trên cả thị trường trong nước và quốc tế“.
|
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng (Ảnh: MPI) |
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong suốt chiều dài lịch sử, tinh thần yêu nước và lòng tự tôn, tự hào dân tộc luôn là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng phát triển của đất nước. Việc lựa chọn tiêu dùng các sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam, của người Việt Nam sản xuất, chính là biểu hiện cụ thể, sinh động của tinh thần ấy trong đời sống hàng ngày.
Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam” mang lại nhiều lợi ích, trong đó, có thể kể đến 3 lợi ích căn bản sau:
Thứ nhất, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế đất nước: Việc tiêu thụ hàng Việt Nam đồng nghĩa với việc thúc đẩy sản xuất trong nước, tạo công ăn việc làm cho người lao động và gia tăng nguồn thu ngân sách. Đây chính là cách mà mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp, bằng hành động cụ thể của mình, đóng góp trực tiếp vào sự nghiệp phát triển của đất nước. Khi chúng ta mua sản phẩm được tạo ra bởi doanh nghiệp Việt, của người Việt, sản xuất trên đất nước Việt Nam, chúng ta đang góp phần nâng cao giá trị gia tăng tại Việt Nam, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong nước và hơn thế nữa là góp phần xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, bền vững.
Mỗi sản phẩm Việt Nam được người Việt ưu tiên lựa chọn sẽ là một viên gạch nhỏ góp phần xây nên một doanh nghiệp mạnh, một thương hiệu vững bền, một đất nước thịnh vượng.
Thứ hai, khích lệ tinh thần sáng tạo và trách nhiệm của doanh nghiệp Việt Nam: Sự ủng hộ của người tiêu dùng là động lực to lớn để các doanh nghiệp Việt cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó tạo ra những thương hiệu có tính cạnh tranh cao, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế.
Thứ ba, góp phần gìn giữ bản sắc, truyền bá văn hóa, tạo dựng và nuôi dưỡng lòng tự hào dân tộc: Hàng hóa Việt Nam không chỉ mang giá trị vật chất mà còn chứa đựng văn hóa, thể hiện bản sắc và phẩm chất người Việt. Việc sử dụng hàng Việt không chỉ là một hành động kinh tế, mà còn là một hành động thể hiện lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm với quốc gia, dân tộc và nâng cao tính cộng đồng, là cách để chúng ta bảo vệ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp trong nước đã vươn lên mạnh mẽ, mở rộng thị phần và khẳng định vị trí trên thị trường. Những thương hiệu như VinFast trong ngành xe điện, Hòa Phát trong ngành thép, Viettel trong lĩnh vực viễn thông, Vinamilk, TH trong ngành sữa, GrowMax trong ngành tôm,… và nhiều sản phẩm nông nghiệp Việt Nam đã vươn lên đóng góp cho ổn định và tăng trưởng kinh tế, cũng như xuất khẩu, hình thành các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị và đã trở thành niềm tự hào quốc gia, không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn được ưa chuộng trên thị trường quốc tế.
|
Tự hào hàng Việt (Ảnh: PV) |
Đề cập tới câu chuyện của ngành tôm, Bộ trưởng nêu rõ, trong gần 3 thập kỷ qua, nghề nuôi tôm của Việt Nam đã chuyển mình theo phương thức từ nuôi quảng canh, đến bán thâm canh, rồi thâm canh và siêu thâm canh công nghệ cao. Hiện nay, tôm luôn được xem là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của nền nông nghiệp đất nước, với kim ngạch xuất khẩu dự kiến trong năm 2024 đạt khoảng 5 tỷ USD. Gần 3 thập kỷ qua các doanh nghiệp Việt Nam đã từng bước chủ động các khâu trong chuỗi giá trị ngành tôm như: sản xuất tôm giống, thuốc điều trị bệnh tôm, vùng nuôi tôm thương phẩm và chế biến tôm xuất khẩu. Trong đó, lĩnh vực là thức ăn tôm - vật tư chiếm 50% giá thành sản xuất thì gần 3 thập kỷ qua, Việt Nam ta vẫn phải phụ thuộc hoàn toàn vào các doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, sự ra đời của thương hiệu thức ăn tôm đầu tiên của người Việt GrowMax vào tháng 6/2020 cùng với sự khẳng định về chất lượng đã được hầu hết khách hàng nuôi tôm trên cả nước và khách hàng quốc tế công nhận là một minh chứng rõ ràng cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đã làm chủ được công nghệ trong toàn bộ chuỗi giá trị ngành tôm. Mặc dù mới ra đời được gần 5 năm, nhưng GrowMax đã quy tụ được đội ngũ hùng hậu các chuyên gia, kỹ sư lành nghề, phát triển một cách mạnh mẽ và đạt những thành tựu đáng tự hào, đưa GrowMax vượt qua 18 thương hiệu quốc tế lâu năm khác để vươn lên vị trí thứ 2 toàn quốc cả về sản lượng và thị phần.
Bộ trường cũng kêu gọi, để tiếp sức đưa hàng Việt Nam chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thị trường thế giới, mỗi người Việt Nam hãy trở thành những “đại sứ hàng Việt”, ưu tiên sử dụng và quảng bá sản phẩm Việt Nam. Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, hãy tiếp tục nỗ lực không ngừng để nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến chất lượng sản phẩm; đầu tư vào công nghệ, đổi mới sáng tạo đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, cạnh tranh sòng phẳng với hàng hóa nước ngoài. Bên cạnh đó, cần tăng cường kết nối giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp và người tiêu dùng, tạo nên hệ sinh thái cùng phát triển, cùng hưởng lợi. Ví dụ như GrowMax, đã tiên phong tạo ra rất nhiều vùng nuôi tôm thương phẩm siêu thâm canh công nghệ cao, là nơi thực nghiệm ứng dụng các sản phẩm, các mô hình, quy trình nuôi tôm hiệu quả với các điều kiện tự nhiên khác nhau và đã chuyển giao công nghệ cho hàng ngàn khách hàng nuôi tôm, góp phần quan trọng vào sự phát triển của các doanh nghiệp tôm Việt Nam, điều mà các doanh nghiệp nước ngoài không làm được.
“Thiết nghĩ, các doanh nghiệp cũng cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào kênh phân phối, quảng bá sản phẩm để hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng, từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa, những địa bàn khó khăn; thực hiện các chính sách giảm giá thành, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”- Bộ trưởng chia sẻ.
Bộ trưởng khuyến nghị, về phía Nhà nước, cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước phát triển bền vững; và với tư cách người tiêu dùng lớn nhất, cần tăng cường sử dụng hàng hóa nội địa khi thực hiện mua sắm công. “Để “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” không phải là một khẩu hiệu, không chỉ là một phong trào, mà ngày càng trở thành thực tiễn kinh tế - xã hội sinh động, là một nét văn hóa, là ý thức tự hào và trách nhiệm của mỗi người dân, chúng ta hãy cùng nhau hành động đưa hàng Việt Nam trở thành lựa chọn số một của người Việt Nam, góp phần đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển, thịnh vượng”- Bộ trưởng nói.