Ngân hàng Thế giới đánh giá khung pháp lý về quản lý dự án hạ tầng quy mô lớn

Thứ hai, 16/11/2020 10:56
(ĐCSVN) - Một báo cáo mới của Ngân hàng Thế giới đánh giá mức độ hiệu quả của chính phủ các quốc gia đang phát triển trong việc thiết lập cơ chế quản lý trong quá trình chuẩn bị, mua sắm và quản lý các dự án hạ tầng quy mô lớn.
leftcenterrightdel
Ảnh minh hoạ (Ảnh: Đặng Hiếu) 

Báo cáo này cho thấy chất lượng khung pháp lý của nhiều quốc gia đã tiến bộ có chất lượng cao hơn, góp phần đảm bảo các dự án hạ tầng cung cấp dịch vụ tốt với chi phí hợp lý. Tuy nhiên nhiều quốc gia vẫn còn đang tụt hậu. Báo cáo đưa ra đánh giá cho từng quốc gia với các chỉ số thúc đẩy hành động, qua đó hỗ trợ cải cách dựa trên bằng chứng để cải thiện môi trường, tạo thuận lợi cho các dự án hạ tầng chất lượng cao.

Được xây dựng trên nền tảng loạt báo cáo trước đó, báo cáo so sánh đối chiếu phát triển hạ tầng 2020 đánh giá khuôn khổ pháp lý quan hệ đối tác công tư (PPP) ở 140 nền kinh tế. Ngoài ra, báo cáo cũng đánh giá thí điểm về áp dụng phương thức đầu tư công truyền thống để phát triển hạ tầng trong 40 nền kinh tế.

Các khuôn khổ pháp lý phù hợp, hiệu quả và năng lực thể chế đóng vai trò rất quan trọng nhằm đảm bảo các dự án đầu tư hạ tầng được triển khai một cách chiến lược và hiệu quả. Một khuôn khổ pháp lý thuận lợi cũng giúp giảm chi phí và rủi ro trong quá trình thực hiện từng dự án, mang lại cho khu vực tư nhân một môi trường an toàn và ổn định hơn để đầu tư. Điều này đặc biệt quan trọng khi có sự chung tay của các bên - nhà nước và tư nhân - để lấp đầy khoảng trống về vốn đầu tư cho hạ tầng còn đang thiếu hụt nghiêm trọng - vấn đề hầu hết các quốc gia đang phát triển phải đối mặt.

 Tuy cần phải huy động tất cả các loại hình tài chính để đáp ứng nhu cầu của người dân đối với các dịch vụ hạ tầng cơ bản, báo cáo lưu ý rằng hầu hết các quốc gia đang phát triển vẫn chủ yếu dựa vào các phương thức mua sắm truyền thống và không áp dụng đầy đủ những phương thức đổi mới hơn, ví dụ như đối thoại cạnh tranh, có thể phù hợp hơn với các đặc điểm của một dự án PPP. Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh rằng, mặc dù đầu tư công truyền thống đóng vai trò quan trọng, chủ đạo trong đầu tư hạ tầng, chính phủ các nước  nên xem xét thêm các hình thức PPP trong bối cảnh thích hợp để tăng cường nguồn lực và chuyên môn góp phần đảm bảo các dịch vụ hạ tầng được tiếp cận rộng rãi.

Do đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến việc phát triển và sử dụng hạ tầng trên toàn thế giới, ông Imad Fakhoury, Giám đốc Toàn cầu về Tài chính Hạ tầng, PPP & Bảo lãnh của Ngân hàng Thế giới đã chỉ ra mối liên kết quan trọng với báo cáo: “Phát hiện chính của báo cáo không có gì đáng ngạc nhiên: vẫn còn nhiều cơ hội để cải thiện quản lý trong cả hình thức đầu tư PPP và đầu tư công truyền thống. Mặc dù nhiều quốc gia gần đây đã cải cách khung pháp lý, nhưng chúng ta vẫn cần tiến bộ hơn nữa”. Ông Fakhoury cho biết thêm, “Khi các chính phủ đang phải đối mặt với dư địa tài khóa bị suy giảm nghiêm trọng, thì thời điểm này là đúng lúc. Kinh nghiệm từ các cuộc khủng hoảng trong quá khứ cho thấy nhiều quốc gia sẽ sử dụng chi tiêu cho hạ tầng như một biện pháp kích thích kinh tế trong mùa dịch COVID-19. Việc đầu tư này - ngoài việc mang lại tăng trưởng kinh tế - cần phải minh bạch hơn và hướng vào các lĩnh vực mục tiêu về bền vững trong các khía cạnh lợi ích và bao trùm xã hội, bao gồm bình đẳng giới, tạo việc làm, cũng như khí hậu và môi trường. Đại dịch toàn cầu đã làm sáng tỏ nhu cầu về một thế hệ đầu tư mới giúp các quốc gia tiến gần hơn đến việc đạt được các mục tiêu phát triển của mình một cách hiệu quả, không lãng phí nguồn lực”.

Các khía cạnh pháp lý ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng của chính phủ trong việc ứng phó với các cuộc khủng hoảng như đại dịch bao gồm việc áp dụng các thông lệ tốt quốc tế đối với việc sửa đổi và đàm phán lại hợp đồng để tránh các hành vi cơ hội, quy định về các trường hợp cụ thể như các điều khoản bất khả kháng, cơ chế giải quyết tranh chấp, giải quyết các căn cứ và hậu quả của việc chấm dứt hợp đồng, và việc sử dụng các hệ thống giám sát hiện đại để theo dõi tiến độ và giải quyết các quan ngại. Thêm vào đó, việc điều chỉnh hợp lý các khía cạnh khác của chu trình phát triển dự án hạ tầng - chẳng hạn như quá trình lập kế hoạch, xếp thứ tự ưu tiên và dự toán ngân sách; đánh giá tác động xã hội và môi trường một cách đầy đủ; và đánh giá giá trị đồng tiền đầu tư của các phương án mua sắm - cũng sẽ hỗ trợ việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy hạ tầng bền vững trong bất kỳ giai đoạn phục hồi nào.

Một số phát hiện cơ bản nhất của báo cáo bao gồm: Chưa đến 25% các quốc gia được đánh giá yêu cầu dự án có một chiến lược mua sắm, chỉ 4% yêu cầu thực hiện tham vấn ban đầu với khu vực tư nhân; quá trình chuẩn bị dự án dường như tuân thủ các thực tiễn tốt quốc tế ngay cả khi không có quy định bắt buộc; các nền kinh tế có thu nhập thấp có khoảng cách điểm số giữa pháp lý và thực tiễn là lớn nhất trong giai đoạn mua sắm, điều này cho thấy họ phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc thực hiện các yêu cầu pháp lý; hơn một nửa số nền kinh tế được khảo sát áp dụng 14 thông lệ tốt quốc tế về quản lý hợp đồng; tuy nhiên hiếm công bố thông tin về hiệu quả thực hiện.

Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực