Ngành ngân hàng nỗ lực tái cơ cấu lành mạnh hóa tình trạng tài chính

Thứ năm, 08/10/2015 15:49
(ĐCSVN) - Năm 2015 là năm cuối thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015. Vì vậy, từ đầu năm đến nay, ngành ngân hàng đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, xử lý các ngân hàng nhỏ, hoạt động yếu kém để lành mạnh hệ thống, kiểm soát nợ xấu.

 

 Ảnh minh họa (Ảnh M.P)


Nhiều tín hiệu tích cực từ việc tái cơ cấu ngành ngân hàng

Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015” được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng trình Bộ Chính trị, Chính phủ thông qua và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/03/2012. Mục tiêu chính Đề án 254 đặt ra là tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của các tổ chức tín dụng; cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng; nâng cao trật tự, kỷ cương và nguyên tắc thị trường trong hoạt động ngân hàng. Đề án 254 cũng xác định rõ kết quả cơ cấu lại đạt được trong giai đoạn 2011-2015 là tiền đề để đến năm 2020 phát triển được hệ thống các TCTD đa năng theo hướng hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả vững chắc với cấu trúc đa dạng về sở hữu, quy mô, loại hình có khả năng cạnh tranh, dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến, phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế về hoạt động ngân hàng nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu về dịch vụ tài chính, ngân hàng của nền kinh tế.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc NHNN, sau hơn 3 năm triển khai Đề án 254 trong điều kiện nhiều yếu tố không thuận lợi, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Chính phủ cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của toàn hệ thống chính trị và toàn ngành Ngân hàng, Đề án 254 đã được triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, đạt được nhiều kết quả quan trọng theo đúng mục tiêu, định hướng, lộ trình đề ra, như nhiều chuyên gia nhận xét là điểm sáng trong tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế. Về cơ bản, NHNN đã kiểm soát được và từng bước xử lý các TCTD yếu kém, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh ngân hàng; các NHTM Nhà nước duy trì vị trí chủ đạo, đóng vai trò trụ cột trong việc giữ vững sự ổn định hệ thống các TCTD, luôn đi tiên phong, dẫn dắt thị trường và trong việc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời, là lực lượng chủ yếu, tích cực tham gia cơ cấu lại các TCTD yếu kém theo chỉ định của NHNN; các TCTD tập trung củng cố, phát triển các hoạt động kinh doanh chính, đổi mới quản trị ngân hàng phù hợp hơn các thông lệ, chuẩn mực quốc tế; sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các TCTD đã được xử lý một bước quan trọng; sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD diễn ra mạnh mẽ nhằm vừa xử lý những TCTD yếu kém vừa tăng quy mô, năng lực cạnh tranh của các TCTD. Trong giai đoạn từ năm 2011 đến nay, số lượng TCTD, chi nhánh Ngân hàng nước ngoài đã giảm 17 tổ chức thông qua sáp nhập, hợp nhất, giải thể, rút giấy phép.

Được biết, nhằm triển khai một số nội dung của Đề án 254, NHNN đã xây dựng Đề án “Xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng” và Đề án “Thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam”, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013. Với tất cả nỗ lực và giải pháp của ngành ngân hàng và sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, địa phương, một khối lượng lớn nợ xấu của các TCTD đã được xử lý và chất lượng tín dụng được cải thiện.

Từ năm 2012 đến hết tháng 8/2015, hệ thống các TCTD đã xử lý được 424,14 nghìn tỷ đồng nợ xấu (tương đương 91,2% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012), trong đó xử lý nợ xấu qua Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) chiếm 41,3%, còn lại do các tổ chức tín dụng tự xử lý bằng nhiều biện pháp khác nhau như đôn đốc khách hang trả nợ, sử dụng dự phòng rủi ro, phát mại tài sản đảm bảo, chuyển nợ thành vốn góp ; đưa tỷ lệ nợ xấu từ mức 4,93% vào thời điểm tháng 9/2012 về mức 3,21% tháng 8/2015, dự kiến tỷ lệ nợ xấu vào cuối năm 2015 sẽ ở mức dưới 3% theo đúng mục tiêu đã đề ra.

Bên cạnh đó, các chuẩn mực mới về phân loại nợ đã được triển khai theo đúng lộ trình, làm cho nợ xấu trở nên minh bạch hơn và được phản ánh đầy đủ hơn. Kết quả đạt được về xử lý nợ xấu góp phần quan trọng trong việc tái cơ cấu, lành mạnh hóa tài chính của các TCTD, đặc biệt trong việc khơi thông và thúc đẩy mở rộng tín dụng cho nền kinh tế một cách an toàn, hiệu quả. Kết quả đạt được đến nay cũng ghi nhận sự cố gắng của hệ thống các TCTD, nhất là trong điều kiện không có sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước và nền kinh tế còn nhiều khó khăn.

Công ty VAMC ra đời bước đầu khẳng định đây là công cụ chính sách quan trọng để góp phần giảm nhanh nợ xấu. Mô hình hoạt động của VAMC đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD và hỗ trợ khó khăn cho khách hàng.

Cần sự phối hợp đồng bộ để giải quyết vấn đề nợ xấu

Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh, về mặt lý thuyết cũng như thực tiễn đã chỉ rõ: Nợ xấu là người đồng hành bất đắc dĩ của mọi TCTD, chúng ta không thể xóa bỏ hoàn toàn rủi ro trong quá trình hoạt động của mỗi TCTD. Tuy nhiên, nhận biết, đo lường, đánh giá, kiểm soát và hạn chế nó thì chúng ta hoàn toàn có thể làm được. Đồng thời, chúng ta cũng biết rằng nợ xấu do nhiều nguyên nhân gây nên, trong đó có những nguyên nhân như thiên tai, môi trường kinh doanh biến động xấu, thị trường hàng hóa suy giảm, thị trường bất động sản đóng băng, năng lực quản trị của đoanh nghiệp yếu… là những nguyên nhân căn bản gây nên tình trạng nợ xấu này. Bởi vậy, với mọi quốc gia, vấn đề nợ xấu của các TCTD cũng là vấn đề của chính ngành kinh tế đó. Do đó, để giải quyết tốt số nợ xấu tích tụ trong hệ thống ngân hàng thì với nỗ lực riêng của hệ thống ngân hàng là chưa đủ, cần có sự tham gia hỗ trợ tích cực hơn nữa của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, đồng thời cần phải có cơ chế chính sách phù hợp để hỗ trợ xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của hệ thống các TCTD.

Còn theo ông Lê Xuân Nghĩa Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, không chỉ hệ thống ngân hàng mà cơ quan hoạch định chính sách cần tạo những điều kiện thuận lợi hơn về mặt pháp lý và nguồn lực để VAMC, các ngân hàng thương mại giải quyết nhanh chóng nợ xấu theo những chuẩn mực về thanh toán nợ cao hơn hoặc ít nhất bằng chuẩn mực áp dụng trong khu vực Đông Nam Á.

Áp dụng các chuẩn mực theo thông lệ quốc tế mà quan trọng nhất là chuẩn mực kế toán và báo cáo tài chính cộng với chuẩn mực an toàn hệ thống.

Một số ngân hàng khác hiện nay đang nằm trong tình trạng nỗ lực tự tái cấu trúc. Chưa bao giờ các NHTM tự cảm thấy trách nhiệm của mình đối với an toàn hệ thống được đảy lên hàng đầu như hiện nay. Hầu hết họ có lo lắng thực sự chứ không phải như trước đây làm qua loa rồi báo cáo.

Muốn tái cơ cấu hệ thống NH thành công đòi hỏi phải có những cải cách pháp lý sâu rộng gắn liền với các cấu phần khác của toàn bộ chương trình tái cấu trúc nền kinh tế như tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, tái cấu trúc đầu tư công, tái cơ cấu nông nghiệp, cải cách hành chính.

Doanh nghiêp nào nợ xấu từ chính bản thân ngành nghề sản xuất của họ phân ra một loại riêng, tập trung duy trì doanh nghiệp truyền thống của doanh nghiệp, khoanh nợ BĐS lại sau đó mở ra con đường trả nợ dần trong một thời hạn nhất định.

Được biết, ngành ngân hàng đã thực hiện triển khai cơ cấu lại theo đúng mục tiêu, lộ trình, giải pháp tại Đề án được phê duyệt; từng bước củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động, bảo đảm an toàn trong quá trình cơ cấu lại và tăng trưởng, hỗ trợ vốn, dịch vụ tài chính cho nền kinh tế. Tái cơ cấu là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, để đạt được thành công cần sự chung sức của toàn hệ thống chính trị. Tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng cùng với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và tái cấu trúc đầu tư công là nền tảng cơ bản để thực hiện thành công mục tiêu tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, bảo đảm chất lượng tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo đánh gia của các chuyên gia, những kết quả đạt được trong thời gian qua về cơ cấu lại và xử lý nợ xấu của TCTD góp phần ổn định hệ thống tài chính, kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ và ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá và giảm lãi suất. Sự an toàn, ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng được duy trì và cải thiện một bước quan trọng; các thiết chế, chuẩn mực an toàn hoạt động ngân hàng được hoàn thiện theo hướng tiếp cận hơn với thông lệ, chuẩn mực quốc tế; kỷ cương, kỷ luật trong lĩnh vực ngân hàng được nâng cao; dòng vốn của nền kinh tế từng bước được khơi thông trở lại, tín dụng ngân hàng được phân bổ hợp lý cho các lĩnh vực ưu tiên phù hợp với định hướng đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Kết quả cơ cấu lại các tổ chức tín dụng có tác dụng không chỉ làm lành mạnh hệ thống ngân hàng mà còn tạo động lực cho tái cấu trúc doanh nghiệp, thị trường và đầu tư./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực