Ngành Thuế: bước chuyển vượt bậc từ nỗ lực cải cách hành chính

Thứ ba, 20/10/2020 14:08
(ĐCSVN) – Trong những năm qua, lãnh đạo Tổng cục Thuế luôn xem công tác chỉ đạo, điều hành chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để thực hiện thắng lợi công tác quản lý thuế. Các hoạt động cải cách thủ tục hành chính luôn được cụ thể hóa bằng các quy trình, quy định, là căn cứ để công chức xử lý công việc được phân công rút ngắn thời gian tạo thuận lợi cho người nộp thuế.
Việc cải cách thủ tục hành chính đã tạo thuận lợi, giảm thời gian, chi phí cho người nộp thuế (Ảnh: TL) 

Chú trọng cải cách thể chế

Căn cứ Chiến lược Cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Từ năm 2011 đến nay, Tổng cục Thuế đã chủ động nghiên cứu, đánh giá sơ kết, tổng kết triển khai các luật thuế như: Luật thuế giá trị gia tưng (GTGT), Luật thuế thu nhập doanh ngiệp (TNDN), Luật Quản lý thuế,… và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL)về thuế, quản lý thuế theo đúng trình tự, thủ tục quy định để kịp thời ban hành, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản QPPL.

Theo đó, hệ thống pháp luật về thuế và quản lý thuế đã được hoàn thiện đảm bảo tính đồng bộ, chất lượng, theo đúng lộ trình, vừa bảo đảm yêu cầu về hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, vừa đáp ứng yêu cầu cải cách hệ thống thuế theo hướng mở rộng các đối tượng chịu thuế, bao quát các nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN), đổi mới và hiện đại hóa cơ chế quản lý thuế, tạo điều kiện cho tái cấu trúc quy trình quản lý thuế; đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) và thúc đẩy phát triển sản xuất, tăng khả năng cạnh tranh của dịch vụ, hàng hóa sản xuất trong nước, khuyến khích sản xuất trong nước, khuyến khích xuất khẩu, đầu tư, đổi mới công nghệ, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Cụ thể, từ năm 2011 đến hết năm 2019, Tổng cục Thuế đã chủ trì trình Bộ Tài chính, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội ban hành 1 Luật, 1 Nghị quyết của Quốc hội; 4 Nghị định của Chính phủ, 2 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 110 Thông tư, Thông tư liên tịch.

Một trong những kết quả nổi bật trong giai đoạn này là Tổng cục Thuế đã chủ trì trình cấp có thẩm quyền ban hành Luật Quản lý thuế năm 2019 (thay thế Luật Quản lý thuế năm 2006 đã được sửa đổi, bổ sung ba lần vào các năm 2012, 2014, 2016) là văn bản pháp lý quan trọng, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý thuế toàn diện, thống nhất, tiếp cận tới những chuẩn mực, thông lệ quốc tế nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế; qua đó nâng cao hiệu quả của công tác quản lý thuế, chống thất thu, gian lận thuế; đồng thời cũng góp phần tích cực phòng chống tham nhũng, tiêu cực. 

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đã chủ trì trình Quốc hội ban hành Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế.

Hiện nay, Tổng cục Thuế đang khẩn trương hoàn thiện để trình các cấp có thẩm quyền để kịp thời ban hành những văn bản quy định chi tiết Luật Quản lý thuế năm 2019 để đảm bảo tính đầy đủ, đồng bộ khi đưa Luật vào thực tiễn đời sống.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính

Để triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC, Tổng cục Thuế cho biết đã chủ động để xuất các phương án đơn giản hóa các TTHC thuế

Kết quả, đã thống nhất mã số đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế thành 01 mã số doanh nghiệp duy nhất và thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông, từ đó rút ngắn được thời gian cấp mã số thuế từ 30 ngày xuống còn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký thuế đầy đủ của người nộp thuế; Các quy định về việc cấp mã số thuế, hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký thuế đã được hệ thống hóa theo từng trường hợp cụ thể.

Đối với thủ tục khai thuế cơ quan thuế đã đơn giản hóa các mẫu biểu, tờ khai thuế của tất cả các sắc thuế đảm bảo rõ ràng, minh bạch, loại bỏ những nội dung không cần thiết và trùng lắp giữa các mẫu kê khai; giảm tần suất kê khai thuế giúp giảm các chi phí về thời gian và tài chính cho doanh nghiệp trong việc lập tờ khai, phụ lục, in ấn bộ hồ sơ, nộp tờ khai,...;tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc khai thuế qua mạng internet đã tiết kiệm được thời gian, chi phí nộp tờ khai của doanh nghiệp, hạn chế sự can thiệp, tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế với doanh nghiệp, đồng thời cũng giảm áp lực cho cơ quan thuế trong những ngày cao điểm tiếp nhận tờ khai thuế và giảm tải việc nhập liệu, lưu trữ hồ sơ của người nộp thuế.

Đối với thủ tục nộp thuế: Tổng cục Thuế đã phối hợp với các Ngân hàng triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử. Nộp thuế điện tử là một bước tiến mới của toàn ngành thuế sau quá trình triển khai phương tức kê khai thuế qua mạng nhằm giúp các doanh nghiệp tiết giảm chi phí, công sức, tăng hiệu quả và giảm rủi ro khi thực hiện các nghĩa vụ thuế.

Đối với thủ tục hoàn thuế đã đơn giản hóa hồ sơ hoàn thuế; rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ hoàn thuế đối với trường hợp “kiểm tra trước, hoàn thuế sau” từ 60 ngày xuống còn 40 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ và trường hợp “hoàn thuế trước, kiểm tra sau” từ 15 ngày xuống còn 06 ngày làm việc.

Đối với thủ tục miễn, giảm thuế: người nộp thuế tự xác định điều kiện, mức, thời gian miễn thuế, giảm thuế theo quy định của Luật và được thể hiện số tiền thuế miễn, giảm trên tờ khai quyết toán thuế hàng năm mà không phải làm thủ tục đề nghị miễn, giảm thuế và cơ quan thuế cũng không ra quyết định miễn, giảm thuế như trước đây.

Cơ quan Thuế cho biết, việc rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC đã bám sát mục tiêu, yêu cầu về cải cách TTHC tại các Nghị quyết, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, theo đó, Tổng cục Thuế đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị trong toàn ngành thực hiện nghiêm các quy định, quy trình về kiểm soát TTHC. Theo đó trong giai đoạn trước năm 2014, Tổng cục Thuế đã hoàn thành việc thực thi đơn giản hóa 222 TTHC thông qua việc Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền các Thông tư và trình cấp có thẩm quyền để ban hành Luật, Nghị định. Tính đến thời điểm 31/12/2014, số lượng TTHC được thay thế, sửa đổi, bổ sung là 458 TTHC và bãi bỏ 99 TTHC. Đến ngày 31/12/2015, số TTHC trong lĩnh vực thuế còn 385 TTHC. Năm 2016, Tổng cục Thuế đã ban hành Quyết định 1500/QĐ-BTC về việc công bố TTHC được chuẩn hóa trong lĩnh vực quản lý thuế, theo đó, công bố 300 TTHC được chuẩn hóa trong lĩnh vực quản lý thuế và bãi bỏ 26 Quyết định công bố TTHC đã ban hành từ giai đoạn 2009-2016. Đến ngày 31/12/2016, số TTHC trong lĩnh vực thuế còn 300 TTHC, trong đó: ban hành mới 07 thủ tục, bãi bỏ 92 thủ tục.

Từ năm 2017 đến hết năm 2019, Tổng cục Thuế đã chủ trì và phối hợp với các đơn vị chủ trì trình Bộ Tài chính ban hành 6 Quyết định công bố TTHC, bãi bỏ 4 TTHC; sửa đổi, bổ sung 5 TTHC và ban hành mới 6 TTHC.

Đến nay, số lượng TTHC trong lĩnh vực thuế là 304 TTHC, trong đó có 6 TTHC về hóa đơn điện tử. Trên cơ sở Quyết định công bố TTHC, Tổng cục Thuế đã thực hiện việc công khai và cập nhật đầy đủ và kịp thời lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo đúng quy định.

Đáng chú ý, việc công khai các TTHC trong lĩnh vực thuế đã và đang được thực hiện đa dạng dưới nhiều hình thức như đăng tải tại các trang thông tin điện tử của Tổng cục Thuế, Cục Thuế các tỉnh, thành phố, các Chi cục Thuế; Đồng thời, niêm yết các TTHC thuộc cấp Tổng cục Thuế tại trụ sở Văn phòng Tổng cục Thuế; các TTHC cũng được công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia, công khai tại trụ sở cơ quan để người nộp thuế tra cứu thực hiện và đóng góp ý kiến cũng như yêu cầu mọi cán bộ, công chức thuế khi tiếp nhận và giải quyết TTHC thuế của người nộp thuế phải thực hiện đúng quy định.

Việc cắt giảm, đơn giản hoá TTHC cũng như triển khai cơ chế một cửa trong tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC của Tổng cục Thuế đã mang lại những hiệu quả tích cực, đáng ghi nhận như: tiết kiệm thời gian thực hiện các TTHC cho người dân, doanh nghiệp; mọi quy trình giải quyết TTHC đều được công khai, minh bạch đảm bảo cho mọi cá nhân, tổ chức có thể tiếp cận, đồng thời có thể kiểm tra, giám sát được hoạt động của cơ quan nhà nước; TTHC được quy định cụ thể từng bước thực hiện, giảm bớt các bước trung gian, không cần thiết, tăng tính phối hợp, kế thừa kết quả giải quyết của các cơ quan nhà nước; được ứng dụng xây dựng và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao nhằm hạn chế tối đa việc tiếp xúc, gặp gỡ giữa cá nhân, tổ chức với cán bộ trực tiếp xử lý hồ sơ TTHC.

Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, bảo đảm yêu cầu, chất lượng, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch nhằm giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí của các cá nhân, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế trong việc tuân thủ TTHC trong lĩnh vực thuế, trong thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ tiếp tục tập trung xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Luật Quản lý thuế; kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật theo các nội dung được quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời xử lý hoặc kiến nghị xử lý nếu có vấn đề, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật thuế; nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, chấp hành pháp luật; chú trọng công tác theo dõi thi hành pháp luật; thực hiện đầy đủ các hoạt động về theo dõi thi hành pháp luật; thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật.

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực