Ngành tôm tháo gỡ khó khăn để nắm bắt cơ hội

Thứ tư, 04/08/2021 16:34
(ĐCSVN) - Trong 6 tháng đầu năm 2021, ngành tôm Việt Nam ghi nhận đạt nhiều kết quả khả quan về sản lượng nuôi trồng cũng như giá trị xuất khẩu. Dự báo các tháng cuối năm, tôm Việt Nam có nhiều cơ hội về mặt thị trường đòi hỏi ngành hàng này cần có những chỉ đạo, kế hoạch sản xuất phù hợp và khắc phục những khó khăn còn tồn tại để nắm lấy thời cơ.
 Ảnh minh họa (Nguồn: BT)

Còn nhiều thách thức đối với ngành tôm

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), trong 6 tháng đầu năm 2021, sản lượng tôm nước lợ đạt 371 nghìn tấn, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó sản lượng tôm sú đạt 113 nghìn tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 258 nghìn tấn.

Về sản xuất tôm giống, ước đạt 55 tỷ con. Trong đó, tôm thẻ chân trắng đạt 40,7 tỷ con, tôm sú 14,3 tỷ con (bằng 109% so với cùng kỳ năm 2020). Ước kim ngạch xuất khẩu tôm 6 tháng đầu năm 2021 đạt 1,5 tỷ USD. Cụ thể, tôm thẻ chân trắng đạt 1,3 tỷ USD, tôm sú đạt 200 triệu USD.

Trong 6 tháng đầu năm, kết quả sản xuất và xuất khẩu ngành tôm được đánh giá đạt nhiều kết quả khả quan. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thủy sản, ngành tôm vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ để đạt được những kết quả cao hơn. Trong đó, có thể kể đến mặt hạn chế về con giống khi tôm bố mẹ phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu và khai thác từ tự nhiên, trong khi đó, trong nước mới cung cấp được một phần, chưa chủ động được trong sản xuất.

Vào mùa cao điểm thả giống, vùng nuôi trọng điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn số lượng lớn tôm giống nhập từ các tỉnh Nam Trung Bộ không có nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch.

Thực tế hiện nay, giá thành sản xuất tôm ở nước ta vẫn còn cao hơn so với các nước trong khu vực. Nguyên nhân do thức ăn nuôi tôm vẫn đang chiếm tỷ lệ cao trong giá thành sản xuất (khoảng trên 65% giá thành nuôi tôm công nghiệp); đồng thời, chi phí con giống cao do phải nhập khẩu tôm bố mẹ. Nhiều vùng nuôi thiếu điện phải sử dụng máy nổ để bơm nước, quạt khí, phát điện (chi phí cao gấp 2 lần so với sử dụng điện) và giá cước vận chuyển vật tư, nguyên liệu cao.

Ngoài ra, tình trạng lạm dụng thuốc, hóa chất, bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu vẫn còn xảy ra ở các cơ sở nuôi và chế biến nhỏ lẻ, từ đó, ảnh hưởng xấu đến uy tín, chất lượng của sản phẩm tôm Việt Nam.

Đáng chú ý, vẫn còn nhiều cơ sở nuôi tôm nhỏ lẻ, chưa tạo thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung dẫn đến khó khăn trong kiểm soát chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Về mặt thị trường, một số nước nhập khẩu chính thủy sản của Việt Nam đã có những thay đổi trong chứng nhận an toàn thực phẩm, tiêu biểu như Hàn Quốc, sản phẩm tôm phải đáp ứng quy định về xử lý nhiệt (tôm nấu chín) mới được miễn kiểm dịch. Tuy nhiên, thời gian xử lý nhiệt theo quy định của Hàn Quốc dài, ảnh hưởng không nhỏ đến màu sắc, mùi vị của sản phẩm; thị trường Brazil quy định chế độ xử lý nhiệt khắt khe hơn rất nhiều so với hướng dẫn của Tổ chức Thú y thế giới,…

Tháo gỡ khó khăn để nắm lấy cơ hội

Theo Tổng cục Thủy sản, dự báo các tháng cuối năm 2021, nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới tăng trở lại, đặc biệt ở các thị trường lớn như: châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc. Trong khi đó, nguồn cung tôm từ một số quốc gia như Ấn Độ và một số nhà cung cấp khác sẽ giảm do chịu tác động xấu từ đại dịch COVID-19. Do vậy, ngành tôm Việt Nam tiếp tục có nhiều cơ hội do ưu đãi thuế quan của Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là Hiệp định CPTTP và EVFTA.

Trên cơ sở đánh giá tình hình, Tổng cục Thủy sản cho biết, toàn ngành phấn đấu duy trì phát triển ổn định diện tích nuôi tôm nước lợ khoảng 740 nghìn ha, trong đó 630 nghìn ha nuôi tôm sú và 110 nghìn ha nuôi tôm thẻ chân trắng. Sản lượng tôm các loại đạt 980 nghìn tấn, trong đó tôm sú 280 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 633 nghìn tấn, còn lại là tôm khác. Kim ngạch xuất khẩu tôm đạt từ 3,8-4 tỷ USD.

Để tháo gỡ những khó khăn còn tồn tại và hướng đến các mục tiêu của ngành tôm đã đề ra, ngành Thủy sản sẽ chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả sản xuất, đáp ứng với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Ưu tiên phát triển ngành tôm nước lợ theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường các vùng nuôi tôm tập trung để kịp thời đưa ra khuyến cáo và cảnh báo nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn, đồng thời phục vụ công tác chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản bền vững.

Đặc biệt, sẽ tiếp tục quản lý chặt chẽ chất lượng tôm giống, vật tư thủy sản. Tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra cơ sở sản xuất giống, thức ăn thuỷ sản, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường dùng trong nuôi trồng thủy sản. Đồng thời, tích cực phối hợp xử lý, tháo gỡ các rào cản kỹ thuật, phát triển thị trường tiêu thụ cho sản phẩm tôm Việt Nam.

Tổng cục Thủy sản đề nghị các Hội, Hiệp hội liên quan, vận động, tuyên truyền các hội viên tích cực áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất nuôi tôm. Đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả; giữ vững và phát triển thị trường đầu ra.

Đối với các địa phương, cần thực hiệt tốt kế hoạch sản xuất tôm nước lợ năm 2021; chỉ đạo thực hiệt tốt các quy định về điều kiện nuôi, đăng ký đối tượng nuôi chủ lực. Thực hiện tốt các giải pháp kỹ thuật để nuôi tôm hiệu quả, giảm thiểu tối đa thiệt hại cho người nuôi. Đồng thời, tăng cường thông tin, tuyên truyền, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nhân rộng các mô hình nuôi 2, 3 giai đoạn, nuôi sử dụng chế phẩm sinh học, nuôi tuần hoàn khép kín,... và các mô hình liên kết sản xuất hiệu quả giúp người nuôi, doanh nghiệp giảm thiệt hại và chủ động sản xuất./.

 

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực