Phải khắc phục sản xuất nông nghiệp quy mô hộ nhỏ lẻ

Thứ sáu, 27/11/2020 14:00
(ĐCSVN) - Việt Nam có 8,6 triệu hộ nông dân với gần 70 triệu mảnh ruộng nhỏ. Nông nghiệp dựa trên nền tảng quy mô hộ nhỏ lẻ là một thách thức không nhỏ khi tổ chức lại một nền sản xuất theo hướng lớn, tập trung và là nguyên nhân cơ bản làm cho hiệu quả kinh tế thấp.

Ông Vũ XuânViệt, Điều phối Chương trình và Chiến dịch, Tổ chức Oxfam Việt Nam cho biết, với thị trường nội địa gần 100 triệu dân, nông nghiệp Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư vào nông nghiệp. Tuy nhiên, thách thức về hội nhập của nông sản Việt Nam cũng là vấn đề đáng chú ý. Mặc dù tự hào đứng thứ 15 trong những nước xuất khẩu nông sản lớn, xuất khẩu nông sản đi gần 190 nước trên toàn cầu, Việt Nam Việt Nam mới tham gia được ở khâu tạo ra giá trị ít nhất trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu với gần 80% hàng nông sản thông qua các thương hiệu nước ngoài. Mặt khác, nông nghiệp Việt Nam phải chịu một áp lực rất lớn khi một số Hiệp định Thương mại Tự do được thực hiện, thị trường nội địa cũng bị đe dọa nếu không tổ chức một giải pháp sản xuất tốt nhất.

leftcenterrightdel
Lao động nông nghiệp cũng cần được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp hơn trong quá trính phát triển sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại (Ảnh minh họa: HNV) 

Bên cạnh đó, tình hình thiên tai tại Việt Nam ngày một bất thường hơn trước những thách thức biến đổi khí hậu, thể hiện rõ nhất ở hai khía cạnh: năng suất giảm và thu hẹp diện tích đất canh tác. Riêng năm 2017, thiệt hại do thiên tai gây ra tới 60.000 tỉ đồng, chiếm 1,5% GDP, năm 2018 thiệt hại hơn 30.000 tỷ đồng. Tính đến 15/11/2020, theo ước tính của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, thiệt hại về kinh tế do các loại hình thiên tai là hơn 35.181 tỷ đồng cho thấy tổn thương đối với nền kinh tế nói chung và trong đó riêng khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn sẽ đối tượng tổn thương đầu tiên và nặng nề nhất, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID tiếp tục có những tác động trực tiếp và to lớn đối với các chuỗi giá trị nông nghiệp, gây đứt gãy các chuỗi cung ứng và tăng nguy cơ tái nghèo của những nông hộ quy mô nhỏ.

Cũng theo ông Việt, phụ nữ đặc biệt là những phụ nữ ở khu vực nông thôn và phụ nữ là chủ nhân của những nông hộ quy mô sản xuất nhỏ đang ngày càng trở nên dễ bị tổn thương trước đói nghèo, thiên tai các tác động của đại dịch COVID. Họ đứng trước rủi ro đói nghèo  cao hơn do có sự phân biệt đối xử trong lực lượng lao động, thiếu quyền sở hữu, và phải gánh trách nhiệm nặng nề liên quan tới việc đồng áng tự cung tự cấp, trách nhiệm trong gia đình và cộng đồng. Những hộ gia đình có phụ nữ làm chủ đang trở nên phổ biến hơn và đặc biệt dễ bị tổn thương hơn. Tại những vùng sâu, vùng xa, nơi phụ nữ ít được tiếp cận với các công nghệ tiên tiến, giúp tiết kiệm thời gian và với cơ sở hạ tầng xã hội hiện đại. Công việc không được trả lương chiếm rất nhiều thời gian của phụ nữ, dẫn đến sự thiếu hụt trong quỹ thời gian để đảm nhiệm những công việc được trả lương và nghỉ ngơi.

Vì lẽ đó, cần thiết phải có những chính sách và giải pháp đồng bộ để giải quyết tốt những thách thức nêu trên. Các khoản chi của chính phủ vào các dịch vụ xã hội, bao gồm y tế, nước và năng lượng để nâng cao đời sống của người dân, và đồng thời làm giảm khối lượng công việc chăm sóc không được trả công của phụ nữ và trẻ em gái để giảm đói nghèo.

Hơn nữa, các chính sách giảm nghèo cần song hành với giảm bất bình đẳng đa chiều hiện đang có nguy cơ quay trở lại trong bối cảnh đại dịch COVID. Đối với các chính sách tập trung đất đai, các nghiên cứu của tổ chức quốc tế Oxfam tại Việt Nam đã hưởng ứng và đồng hành cùng với các đối tác thành viên của Liên minh Nông nghiệp trong nhiều năm qua trong các hoạt động nghiên cứu, tham vấn và vận động chính sách, khẳng định nông hộ là đơn vị canh tác có nhiều lợi thế và mang lại hiệu quả cao nhất.

Bởi thế, ông Vũ Xuân Việt cho rằng, các chính sách khuyến khích nông hộ tích tụ, tập trung đất nông nghiệp để hình thành các hộ nông dân lớn, chuyên nghiệp, có trình độ canh tác và quản lý tốt, liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp trong thời gian tới sẽ đóng vai trò then chốt để thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và hiệu quả của thị trường đất nông nghiệp, minh bạch hóa thông tin và kết nối cung- cầu một cách thiết thực và bền vững.

HA.NV (ghi)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực