Quản trị chất lượng từ gốc là yếu tố “then chốt” giúp nông sản dễ tiêu thụ hơn

Thứ hai, 17/01/2022 12:08
(ĐCSVN) - Hiện nay, nhiều loại nông sản có sản lượng lớn đang vào vụ thu hoạch, tuy nhiên, với những khó khăn trong công tác xuất khẩu đang đòi hỏi cần tìm được ngay thị trường “đầu ra”. Từ thực tế này cũng cho thấy, việc sản xuất các sản phẩm đảm bảo yêu cầu chất lượng, các tiêu chuẩn là điều quan trọng để cho nông sản dễ dàng được tiêu thụ.
 Ảnh minh họa (Nguồn: B.T)

Áp lực tiêu thụ nông sản đang vào mùa thu hoạch

Hiện nay nhiều nông sản, đặc biệt rau quả các loại ở các địa phương đang bước vào cao điểm thu hoạch chính vụ, và cần đẩy nhanh tiêu thụ để giải toả, giảm thiểu thiệt hại.

Theo ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, trong 3 tháng đầu năm, thanh long, mít, bưởi, chuối, xoài… là những loại cây ăn quả chịu áp lực tiêu thụ lớn nhất. Riêng sản lượng cây ăn quả ở Đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 50% tổng sản lượng phía Nam.

Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Thuận cho biết, hiện nay, thanh long và điều là hai loại nông sản có sản lượng lớn nhất tỉnh Bình Thuận. Đối với điều, diện tích hơn 17.000 ha, công tác chế biến, xuất khẩu tương đối ổn định, chưa có nhiều khó khăn. Trái lại, thanh long đang gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Để đưa thanh long vào tiêu thụ ở các nhà máy chế biến cũng gặp nhiều trở ngại do chế biến chưa phải là thế mạnh của tỉnh.

Theo ông Tấn, hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 110 cơ sở chế biến thanh long, tuy nhiên chủ yếu là các cơ sở có quy mô nhỏ lẻ, công nghệ hạn chế. Các mặt hàng chế biến chủ yếu là thanh long sấy khô, dẻo, kẹo, nước ép… Năng lực chế biến đạt khoảng 25%/năm tổng sản lượng (tương đương 600- 700.000 tấn).

Với thực tế đó, Bình Thuận đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn cho các hợp tác xã, hộ sản xuất. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là mối liên kết giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp, hợp tác xã và người sản xuất còn lỏng lẻo nên hiệu quả đạt được chưa cao.

Trên cơ sở đó, ông Tấn bày tỏ mong muốn, các doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ Bình Thuận trong công tác xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, đồng hành với người nông dân trong xây dựng chuỗi liên kết bền vững. Về phía tỉnh Bình Thuận, sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp tham gia liên kết với hợp tác xã, người sản xuất trong tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ có chính sách để phát triển các vùng nguyên liệu, sẵn sàng đảm bảo mọi tiêu chuẩn, yêu cầu về chất lượng của các doanh nghiệp chế biến.

Tại tỉnh Gia Lai, ông Đoàn Ngọc Có - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, toàn tỉnh hiện có 800.000ha đất sản xuất nông nghiệp, diện tích gieo trồng hàng năm hơn 500.000 ha. Đến thời điểm này, Gia Lai đã thu hoạch tương đối. Sản lượng rau quả hàng năm của tỉnh hơn 10.200 tấn, thị trường chủ yếu ở miền Trung, Tây Nguyên, Nam bộ.

Trong đó, nông sản của tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi việc ùn tắc ở cửa khẩu với Trung Quốc là dưa hấu. Theo ông Có, giá dưa hấu bình quân tại ruộng là 2.000-3.000đ/kg. Gia Lai có khoảng 1.600 tấn dưa hấu bị ảnh hưởng do không xuất được sang Trung Quốc. Để tháo gỡ khó khăn này, Sở đã phải sớm phối hợp với các sàn thương mại điện tử, siêu thị vào cuộc tháo gỡ khó khăn.

Bên cạnh đó, với nông sản chủ lực khác của tỉnh là thanh long, từ nay đến tết dự kiến hơn 3.000 tấn, chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Trong tình hình hiện tại, Gia Lai đã chủ động liên kết với các siêu thị để tiêu thụ.

Quản trị chất lượng sản phẩm từ gốc là yếu tố “then chốt”

Trước tình hình trên, ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, vừa qua, Cục Trồng trọt đã liên tục cập nhật, theo dõi sản lượng các loại cây ăn quả. Ông Tùng đề nghị các tỉnh phía Nam theo dõi, để chủ động liên kết tiêu thụ, tìm đầu ra cho sản phẩm.

Cục Trồng trọt đề nghị các tỉnh phía Nam chủ động dự báo sản lượng, chất lượng, đồng thời đánh giá, cấp mã số vùng trồng, mã số đóng gói; xây dựng kế hoạch tiêu thụ, kết nối doanh nghiệp liên kết sản xuất; đẩy mạnh công nghệ chế biến, nhất là chế biến sâu.

“Để tránh rơi vào tình trạng chữa cháy như thời gian qua, sau khi trái cây đã thu hoạch, các cơ quan quản lý Nhà nước phải phối hợp chặt chẽ địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân lên kế hoạch trước ít nhất 3 tháng”, ông Tùng nhấn mạnh.

Ông Vũ Thế Tùng, đại diện Sàn thương mại điện tử Alibaba tại Việt Nam cho biết, theo thống kê, hiện nay, trên sàn thương mại điện tử Alibaba, các mặt hàng nông nghiệp, nông sản cũng như mặt hàng thực phẩm chế biến là 2 nhóm danh mục mặt hàng được người tiêu dùng, những công ty nhập khẩu thế giới tìm tới các nhà bán hàng, các đơn vị xuất khẩu Việt Nam nhiều nhất. Từ đó cho thấy, công cuộc chuyển đổi số nói chung và việc áp dụng thương mại điện tử vào trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh nói riêng sẽ giúp đa dạng danh mục khách hàng.

Để gỡ khó cho vấn đề tiêu thụ nông sản, ông Vũ Thế Tùng cho rằng, áp dụng các sàn thương mại điện tử là giải pháp tối ưu hóa nhất về chi phí để các doanh nghiệp Việt Nam bước những bước đầu tiên trong việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm và tương tác với người mua, để giải quyết vấn đề về đầu ra cho nông sản.

Theo ông Nguyễn Công Luận, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco), hiện nay chúng ta vẫn đang tập trung giải quyết phần “ngọn” của vấn đề trong sản xuất, xuất khẩu nông sản trong khi phần “gốc” là cần giải quyết được vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

“Để làm được điều đó, chúng ta cần đào tạo, tuyên tuyền, thay đổi nhận thức cho người nông dân. Khi người nông dân sản xuất được những sản phẩm đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn theo yêu cầu của các thị trường thì các doanh nghiệp mới có thể tiêu thụ sản phẩm được thuận lợi” – ông Nguyễn Công Luận cho hay.

Ông Luận cũng cho rằng, hiện nay Việt Nam chưa đi theo xu hướng của thế giới là GlobalGAP mà lại tập trung theo tiêu chí của VietGAP, trong khi các bạn hàng không quá quan tâm đến tiêu chí này. Do đó, điều này cần được tính toán lại.

Bàn về vấn đề đầu ra cho nông sản hiện nay, ông Nguyễn Quốc Toản – Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT cho rằng, quản trị chất lượng sản phẩm từ gốc là yếu tố then chốt. Nếu làm được, hàng hóa bị ùn tắc trong xuất khẩu có thể lập tức đưa trở lại nhà máy chế biến.

Bên cạnh đó, cần kết nối tiêu thụ nông sản bằng nhiều con đường, tiến tới tạo lập ra một hệ sinh thái tiêu thụ nông sản, ngay từ khi bắt đầu vụ gieo trồng. Đồng thời, trước mỗi mùa vụ, các hiệp hội ngành hàng, nhà sản xuất, đơn vị logistics… phải ngồi lại, đưa chiến lược rõ ràng, dựa trên những nền tảng số. Cùng với đó, cần liên kết chặt chẽ các đơn vị trong chuỗi giá trị, từ người nông dân, chính quyền địa phương. Những mô hình đã được triển khai tốt về liên kết trong chuỗi giá trị cần được tuyên truyền, nhân rộng tại nhiều địa phương.

 “Chuẩn hóa là con đường duy nhất để đương đầu với những khó khăn, ngặt nghèo hiện tại. Những doanh nghiệp có kinh nghiệm trên thương trường cần giữ kết nối, chia sẻ kinh nghiệm để đưa rau, quả Việt Nam tới xa hơn trên trường thế giới” - ông Toản nhấn mạnh./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực