Quý 3/2015, tăng trưởng kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực

Thứ ba, 20/10/2015 17:37

(ĐCSVN) - Tăng trưởng kinh tế Việt Nam phục hồi tích cực nhờ động lực từ khu vực công nghiệp, trong khi nông nghiệp và dịch vụ ít chuyển biến. Giá năng lượng thấp và đầu ra gạo xuất khẩu thu hẹp, CPI 9 tháng 2015 chỉ tăng 0,4%, lạm phát lõi khả qua hơn ở mức 1,87%.

Đây là những nhận định được nêu trong Báo cáo Kinh tế vĩ mô quý 3/2015 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) với các số liệu được chốt tính đến ngày 16/10/2015.

Lưu ý lạm phát tăng trở lại và thách thức sau gia nhập TPP

Theo Báo cáo này, thâm hụt thương mại có chiều hướng thu hẹp dần sau khi bất ngờ tăng cao trong Quý 1/2015. Cán cân tương đối cân bằng ở Quý 3 khi thâm hụt nhẹ ở mức 700 triệu USD. Giá dầu thô suy giảm gây sức ép lên thu ngân sách, thu nội địa được đẩy mạnh để bù đắp, đặc biệt là nguồn thu từ sử dụng đất. Tiêu dùng có xu hướng tăng nhanh nhờ mặt bằng giá thuận lợi trong khi tổng mức đầu tư diễn biến ổn định. Vốn đăng ký FDI tăng cao và xu thế này có thể được hỗ trợ mạnh mẽ hơn khi đàm phán TPP đã hoàn thành.

 

 Lưu ý các thách thức sau gia nhâp TPP (Ảnh: HNV)


Tín dụng mở rộng đang dần gây nên áp lực tăng mặt bằng lãi suất. Tăng trưởng tín dụng cuối tháng 9 tăng 10,78% so với đầu năm, dự báo cả năm có thể đạt 17%.

Thị trường bất động sản ấm lên rõ rệt, ghi nhận doanh số căn hộ bán ra cao kỷ lục trong Quý 2/2015, phân khúc cao cấp chiếm ưu thế trong khi chỉ số giá bất động sản trong xu hướng tăng nhẹ.

Do ảnh hưởng lan rộng của việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ, NHNN tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng thêm 1%, nới biên độ giao dịch lên ±3%, đồng thời tiếp tục cam kết cứng không điều chỉnh tỷ giá đến đầu 2016 và thắt chặt điều kiện mua ngoại tệ. Sức ép lên tỷ giá có thể sẽ giảm bớt trong Quý 4 nhờ dòng kiều hối và tác động tích cực của việc hoàn thành đàm phán TPP.

Thị trường tiền tệ thanh khoản tốt, lãi suất ổn định. Cung tiền được mở rộng trên thị trường mở để trung hòa ảnh hưởng từ hoạt động bán ngoại tệ dự trữ với khối lượng lớn.

Nền kinh tế ghi nhận những tín hiệu tăng trưởng tích cực trong Quý 2 và 9 tháng 2015. Tốc độ tăng trưởng sản lượng Quý 3 đạt mức 6,81%, cao nhất trong các quý 3 kể từ năm 2011. Tốc độ tăng trưởng tính chung trong 9 tháng 2015 cũng cao nhất trong giai đoạn này, đạt 6,5%. Ngược lại, khu vực nông nghiệp và dịch vụ không có nhiều biến chuyển.

Ngoài ra, thuế thu nhập cá nhân nộp vào ngân sách nhà nước trong 9 tháng 2015 tăng cao ở mức 17% so với cùng kỳ. Điều này phản ánh một phần xu hướng gia tăng số lượng việc làm và thu nhập ở khu vực chính thức.

Lạm phát thấp nhưng lưu ý khả năng tăng trở lại trong năm 2016. Chỉ số CPI tăng chậm trong 9 tháng qua, thậm chí giảm tuyệt đối trong tháng 9. Đáng chú ý theo chu kỳ hàng năm, tháng 9 là thời điểm mặt bằng giá chịu nhiều áp lực tăng ở nhóm mặt hàng giáo dục do bắt đầu năm học mới. Tuy nhiên, hai nhóm mặt hàng năng lượng và lương thực giảm giá, vốn đóng góp tổng trọng số xấp xỉ 17% trong rổ hàng hóa CPI, là tác nhân chính dẫn tới hiện tượng bất thường trong năm 2015. Cần lưu ý là xu hướng lạm phát thấp không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà đang khá phổ biến ở các thị trường mới nổi do tác động của giá hàng hóa và năng lượng. Giá năng lượng suy giảm được cho là đã tác động mạnh đến mặt bằng giá ở các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Các dự báo về giá năng lượng cho năm 2016-2017 đều thuận lợi cho việc giữ ổn định mặt bằng giá trong nước.

Cán cân thương mại thâm hụt nhẹ. Cán cân xuất nhập khẩu tương đối cân bằng trong Quý 3 với mức thâm hụt nhẹ 700 triệu USD, giảm dần so từ mức thâm hụt 2,7 và 1,2 tỷ USD của Quý 1 và 2. Tuy nhiên, đây cũng là quý thứ tư liên tiếp có thâm hụt thương mại và kết thúc giai đoạn thặng dư kéo dài 5 quý liên tiếp của năm 2013 và 2014. Nhóm tác giả của Báo cáo cho rằng sự thay đổi trong cấu trúc cán cân thương mại này một phần do tỷ giá thực cao đã không hỗ trợ tốt cho xuất khẩu, đồng thời khuyến khích tiêu dùng. Cán cân thương mại có thể sẽ xấu đi vào Quý 4 do nhu cầu nhập khẩu hàng tiêu dùng cho Tết Nguyên đán.

Báo cáo cũng lưu ý là với vị trí ngọn trong chuỗi cung cứng toàn cầu, Việt Nam chủ yếu thực hiện các khâu lắp ráp, gia công từ nguồn nguyên liệu đầu vào bán thành phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, sau đó xuất khẩu sang các thị trường tiêu thụ (Mỹ, EU, Nhật Bản…). Với việc Việt Nam gia nhập hàng loạt các FTA và chi phí lao động của Trung Quốc tăng cao, mô hình sản xuất trên sẽ tiếp tục mở rộng mạnh mẽ đi kèm với đó là sự mở rộng quy mô nhập khẩu và nhập siêu từ Trung Quốc.

Bên cạnh sức ép từ cán cân thương mại, cán cân vốn có thể sẽ tác động tiêu cực đến cán cân tổng thể trong năm 2015. Tuy nhiên, cán cân thanh toán tổng thể Quý 4 có thể có chuyển biến tích cực hơn khi thị trường ngoại hối ổn định, nguồn kiều hối gia tăng cũng như dòng vốn đầu tư nước ngoài giải ngân gia tăng sau khi đàm phán TPP kết thúc.

Tiêu dùng có dấu hiệu cải thiện mạnh mẽ trong chín tháng 2015. Chỉ số bán lẻ sau khi loại trừ yếu tố giá tăng 9,7% so với cùng kỳ, cao hơn nhiều mức tăng 6,2% và 5,4% của hai năm liền trước. Số lượng ôtô nhập…

Vì vậy, Báo cáo lưu ý về nguy cơ sau khi đàm phán TPP hoàn tất và nhiều khả năng sẽ được các nước thành viên thông qua chính thức, dòng vốn nóng có thể tăng mạnh vào thị trường nội địa và gây áp lực tăng lên tiền đồng và thu hẹp sản xuất xuất khẩu trong thời gian tới. Lưu ý, Việt Nam đang nằm ở vị thế trái ngược với các thị trường mới nổi khác trong khu vực vốn đang đối mặt với dòng vốn nóng rút ra. Do nền tảng vĩ mô kém, Việt Nam hầu như đã đứng ngoài dòng vốn nóng quy mô lớn chảy vào của các quốc gia trong khu vực giai đoạn 2010-2013. Giá tài sản ở Việt Nam ít tăng giá giai đoạn sau giai đoạn khủng hoảng, do đó có thể trở nên hấp dẫn với các nhà đầu tư ngắn hạn nước ngoài.

Nhóm tác giả của Báo cáo trên cũng cho rằng mục tiêu giữ mặt bằng lãi suất thấp sẽ gặp nhiều khó khăn trong Quý 4 và Bộ Tài chính đứng trước sức ép lớn phải nâng lợi suất trái phiếu phát hành. Các giải pháp tình thế đã được sử dụng để giải quyết nhu cầu vốn ngắn hạn của ngân sách, bao gồm phát hành trái phiếu ngoại tệ lô lớn cho Ngân hàng Vietcombank với tổng khối lượng 1 tỷ USD, đẩy mạnh phát hành tín phiếu (21 nghìn tỷ đồng) và vay tạm ứng từ NHNN (30 nghìn tỷ đồng).

Mặc dù thị trường ngoại hối diễn biến bất lợi, thị trường tiền tệ đã được kiểm soát tốt. Thanh khoản được duy trì ở mức cao và lãi suất ít biến động. Cung tiền được gia tăng qua kênh thị trường mở để bù đắp lượng VND thu về qua nghiệp vụ bán ngoại tệ.

Trong khoảng thời gian từ sự kiện ngày 11/8 đến cuối tháng 9, khoảng 118 nghìn tỷ VND được đưa ra lưu thông từ lượng tín phiếu NHNN đáo hạn để cung cấp thanh khoản cho thị trường.

Một diễn biến đáng chú ý trên thị trường tiền tệ 9 tháng qua là việc Bộ Tài chính đã đẩy mạnh phát hành tín phiếu KBNN sau khi không thành công với các kỳ hạn dài trên 5 năm, tổng khối lượng phát hành trên 20 nghìn tỷ đồng. Đây là diễn biến bất thường không xảy ra trong nhiều năm gần đây, phản ánh sự khó khăn trong việc phát hành TPCP kỳ hạn dài.

Cầu tín dụng tăng nhanh trong 9 tháng năm 2015. Tính đến tháng 9, tổng dư nợ tín dụng tăng 10,78% so với đầu năm,cao hơn nhiều so với tốc độ 7% cùng kỳ 2014. Tăng trưởng tín dụng có tốc độ cao hơn huy động đã tạo sức ép nên mặt bằng lãi suất huy động. Một số ngân hàng thương mại đã điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm tăng 0,2-0,5% lên sát mức trần 5,5% quy định tiến gửi kỳ hạn dưới 6 tháng. Có thể thấy, tăng trưởng tín dụng quá cao so với tăng trưởng GDP danh nghĩa sẽ sớm gây sức ép nên mặt bằng giá và các mức lãi suất. Nền kinh tế đang có nhiều nét tương đồng với thời điểm 2009 khi lạm phát thấp và nền kinh tế đã có những dấu hiệu hồi phục sau suy thoái nhờ các biện pháp nới lỏng tiền tệ. Kinh nghiệm quá khứ cho thấy lạm phát ở mức thấp có thể nhanh chóng đổi chiều nếu cung tiền không được kiểm soát chặt chẽ.

Còn khó khăn trong thu ngân sách và bù đắp bội chi

Thu ngân sách trong 9 tháng 2015 gặp khó khăn gay gắt do giá dầu thô giảm. Tổng thu ngân sách cuối tháng 9 chỉ đạt 70,3% so với dự toán, thấp hơn mức 81,3% cùng kỳ 2014. Thu từ thuế xuất nhập khẩu ổn định về mặt giá trị tuyệt đối và đang trong xu thế giảm theo lộ trình cam kết khi tham gia vào các FTA. Giải pháp được đưa ra là tập trung vào tăng thu nội địa, đặc biệt nguồn thu từ sử dụng đất đạt gần 40 nghìn tỷ đồng.

Ngoài khó khăn trong việc đạt mức dự toán thu ngân sách, kế hoạch phát hành 250 nghìn tỷ đồng bù đắp bội chi trong năm 2015 cũng gặp nhiều trở ngại, xuất phát từ ba nguyên nhân chính:

Thứ nhất, cầu tín dụng hồi phục cùng với các quy định mới trong Thông tư 36/2014/TT-NHNN về tỷ lệ rủi ro, tỷ lệ cấp tín dụng theo hướng nới lỏng của NHNN, đặc biệt với bất động sản đã khiến các ngân hàng phân bổ thêm cơ cấu vốn cho cấp tín dụng.

Thứ hai, Nghị quyết 78/2014/QH13 không cho phép phát hành trái phiếu kỳ hạn dưới 5 năm, khiến thiếu hụt nguồn cung phù hợp với thị trường. Lưu ý, khối lượng trái phiếu kỳ hạn dưới 5 năm hiện chiếm trên 55% tổng khối lượng trái phiếu lưu hành.

Thứ ba, lạm phát thấp, thanh khoản tốt, và trên thị trường cũng đang lưu hành một lượng lớn tài sản thanh khoản khác là tín phiếu NHNN làm giảm lợi ích của việc nắm giữ TPCP.

Thận trọng với thị trường tín dụng

Báo cáo cũng khằng định, sự hồi phục của thị trường bất động sản là tín hiệu tích cực với nền kinh tế, tuy nhiên cần thận trọng với khả năng hình thành bong bóng tài sản do chính sách tiền tệ nới lỏng quá mức.

“Chúng tôi cho rằng nền kinh tế thực đang có những dấu hiệu hồi phục tích cực, đặc biệt việc tham gia TPP và các hiệp định FTA khác sẽ tạo ra những cơ hội mới cho tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên bên cạnh đó,chúng tôi cũng nhận thấy có những rủi ro tiềm ẩn trong khu vực tài chính và các thị trường tài sản” – nhóm tác giả Báo cáo nói.

Theo đó, thứ nhất, tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu nóng, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa có thể dẫn tới nguy cơ bùng nổ lạm phát và bong bóng tài sản trong giai đoạn sau. Chúng tôi đề xuất chính sách tiền tệ cần thận trọng hơn, kiểm soát chặt chẽ cung tiền phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa.

Thứ hai, cơ chế tỷ giá thiếu linh hoạt mới mục tiêu cứng về mức điều chỉnh tỷ giá hàng năm không thành công trong việc dẫn dắt kỳ vọng thị trường, ngược lại làm suy giảm niềm tin của thị trường vào uy tín của nhà điều hành và tạo ra rủi ro chính sách lớn cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thứ ba, cần thận trọng với sự tăng trưởng của thị trường bất động sản và ngăn ngừa sự hình thành bong bóng bất động sản có tính chu kỳ. Tín dụng cho bất động sản đang có xu hướng tăng cao, các giao dịch đang tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp và mặt bằng giá có xu hướng tăng gây lo ngại về sự phát triển bền vững của thị trường.

Thứ tư, thị trường tài chính đã ổn định cần để lãi suất xác định theo tương quan thị trường. Việc duy trì trần lãi suất tiết kiệm dưới 6 tháng (5,5%/năm) dẫn đến khó khăn trong việc thu hút tiền gửi của các NHTM, đồng thời làm gia tăng tiêu dùng và đẩy dòng vốn tiết kiệm vào các thị trường tài sản có mức sinh lời kỳ vọng cao hơn. Điều này có thể là nguyên nhân gây mất cân bằng trên thị trường vốn.

Thứ năm, các quy định về kỳ hạn không thấp hơn 5 năm và đưa mức trần lãi suất phát hành của TPCP không phù hợp, đang gây méo mó thị trường, cản trở việc hình thành thị trường vốn nội địa. Việc TPKB được phát hành thay cho TPCP kỳ hạn dài là một bước lùi trong việc việc phát triển thị trường vốn, đồng thời làm suy yếu khả năng kiểm soát cung tiền và lãi suất của NHNN. Việc phát triển thị trường vốn và hình thành đường cong lãi suất cần được ưu tiên cao để phát triển thị trường tài chính. Đây là cơ sở tiên quyết để giảm chi phí vốn, thúc đẩy đầu tư tài sản cố định của khu vực tư nhân, tạo nền tảng cho tăng năng suất trong dài hạn. Bên cạnh đó, để đạt được cân bằng cán cân ngân sách trung và dài hạn, cần tiết chế chi tiêu chính phủ khi nguồn thu ngân sách ít có khả năng được cải thiện.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực