Sức khỏe tinh thần thời khủng hoảng – đòn bẩy giúp doanh nghiệp vượt khó vươn lên

Chủ nhật, 21/11/2021 11:02
(ĐCSVN) – Lãnh đạo khỏe, doanh nghiệp khỏe; sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm, chủ động đón đầu thách thức; thay đổi tâm thức của chính người lao động trong doanh nghiệp… là những nội dung được đề cập và trao đổi, thảo luận một cách sôi nổi tại Tọa đàm trực tuyến trên nền tảng zoom “Lãnh đạo và Sức khỏe tinh thần thời khủng hoảng”.

Chiến lược thích ứng và sứ mệnh kinh doanh tạo tác động trước khủng hoảng

Đây là Tọa đàm thứ 2 trong chuỗi hoạt động của Én Xanh 2021 được diễn ra chiều 20/11 trên zoom và phát sóng trực tiếp trên Fanpage của CSIP.

 Các diễn giả chia sẻ tại Tọa đàm (Ảnh chụp màn hình)

Theo Ban tổ chức, Tọa đàm nhằm chia sẻ các góc nhìn nhằm giúp các lãnh đạo doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xã hội (DNXH) hiểu sâu sắc hơn về bối cảnh của thế giới và Việt Nam hiện nay, cũng như ý niệm về sức khỏe nói chung và sức mạnh tinh thần nói riêng; một số bệnh tinh thần thường gặp của lãnh đạo và đội ngũ khi gặp khó khăn, khủng hoảng; sức khỏe tinh thần của lãnh đạo; sức mạnh tinh thần của đội ngũ; sức khỏe tinh thần của doanh nghiệp; cách thức lãnh đạo giữ sức khỏe tinh thần cho mình và biết cách kiến tạo sức mạnh tinh thần của đội ngũ, nhất là trong thời kỳ biến động, khủng hoảng.

Diễn giả chính, nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung, Chủ tịch Học viện Quản lý PACE, Hiệu trưởng Trường Doanh Nhân PACE; Viện trưởng Viện Giáo dục IRED và Phó Chủ tịch Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh đã chia sẻ nhiều thông tin bổ ích và thiết thực về lãnh đạo và sức khỏe tinh thần của doanh nghiệp trong thời kỳ khủng hoảng. Trong chia sẻ của mình, ông Giản Tư Trung đã khẳng định “lãnh đạo khỏe, doanh nghiệp khỏe” và chất lượng tinh thần có tính chất quyết định khá then chốt đến hiệu suất sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là tác động cổ vũ và khơi dậy quyết tâm của từng người lao động trong doanh nghiệp, cùng chung tay chung sức vượt khó vươn lên trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đầy phức tạp như vừa qua.

Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung, diễn giả chính của Tọa đàm (Ảnh chụp màn hình)

Nhà hoạt động giáo dục Giản Tư Trung cũng nhấn mạnh tính tiên phong đi đầu, dám làm, dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu và mượn câu hát “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai” (Một rừng cây, một đời người) như một lời động viên, chia sẻ với các thủ lĩnh doanh nghiệp nhất là DNXH hiện nay.

Theo thống kê chưa đầy đủ, dù gặp khó vì COVID-19 nhưng đa số các DNXH vẫn duy trì ổn định hoạt động sản xuất – kinh doanh, thậm chí khá nhiều trong số đó vẫn có tăng trưởng. Bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng giám đốc Công ty Quế hồi Việt Nam (Vinasamex) chia sẻ, bí quyết thành công của công ty trong thời kỳ khó khăn vừa qua của doanh nghiệp là đã từng bước tập trung thay đổi tâm thức trong chính người lao động của công ty. “Cá nhân tôi, là một người đứng đầu của công ty, trước hết cũng tự chăm sóc, nâng cao sức khỏe của bản thân theo chiều hướng tích cực, sau đó, lan tỏa và triển khai các chương trình chăm sóc sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần cho toàn bộ người lao động của công ty. Đồng thời, cũng luôn nhắc nhở nhân viên rằng, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, thay vì đi tìm kiếm, nhòm ngó xem đối thủ làm gì rồi bắt chước, chúng ta tự củng cố lại hệ thống, không ngừng cải tiến, đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật khắt khe nhất từ các đối tác cả trong và ngoài nước” – nữ Tổng giám đốc tâm sự.

Tọa đàm còn được nghe các trao đổi thiết thực và nhiều bài học kinh nghiệm quý báu về duy trì, củng cố và tăng cường sức khỏe tinh thần của doanh nghiệp từ bà Đinh Thị Hảo, Giám đốc Công ty CP Du lịch Đà Bắc CBT; bà Hồ Phương Anh, Sáng lập, Giám đốc Công ty Tinh dầu Tràm Viên Minh; ông Huỳnh Hạnh Phúc, Sáng lập, Giám đốc Green Connect, Chủ tịch Teach for Vietnam; ông Vũ Anh Tú, đồng sáng lập DNXH Hành trình các giác quan (Journey of senses)…

 Thành viên Ban tổ chức của Tọa đàm (Ảnh chụp màn hình)

Có thể thấy, trong bối cảnh xã hội hiện đại, cùng với xu hướng hội nhập và cạnh tranh không ngừng gia tăng, vấn đề sức khỏe tinh thần ngày càng trở nên quan trọng và quyết định sự thành công thậm chí tồn vong của doanh nghiệp, nhất là ở những giai đoạn khủng hoảng. Dịch bệnh COVID-19 và những tác hại của dịch bệnh đã làm thay đổi nhiều quan niệm, trong đó có quan niệm về sức khỏe tinh thần của doanh nghiệp. Thực tế, giá trị bền vững ở cả 3 khía cạnh kinh tế, xã hội và nguồn nhân lực là kim chỉ nam để doanh nghiệp theo đuổi dù trong trạng thái ổn định hay bối cảnh khủng hoảng. Luôn đặt lợi ích của nhân viên lên trên lợi nhuận trước mắt. Không cắt giảm lực lượng lao động, doanh nghiệp luôn đảm bảo công việc, thu nhập cho tập thể nhân viên từ lúc đại dịch xảy ra cho đến nay. Thấu hiểu những khó khăn của nhân viên trong giai đoạn dịch bệnh. Đó cũng chính là cách thức mà đa số các DNXH đã áp dụng trong suốt giai đoạn dịch bệnh COVID-19 vừa qua.

Bối cảnh bình thường mới sau đại dịch đòi hỏi cả doanh nghiệp và người lao động phải có sự chuẩn bị kĩ càng để phục hồi và phát triển, trong đó, nhận thức được nguồn nhân lực bền vững sẽ là một trong những lợi thế giúp DNXH phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn sau đại dịch, hầu hết các đại biểu tham dự Tọa đàm đều chung quan điểm cần nuôi dưỡng đội ngũ lãnh đạo cũng như lực lượng lao động đảm bảo sức khỏe cả thể chất và tinh thần./.

 

 

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực