Tận dụng thách thức, biến “nguy thành cơ” từng bước phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng

Thứ ba, 23/11/2021 16:42
(ĐCSVN) – Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam có cả thuận lợi và khó khăn, thậm chí nhiều lúc, thách thức và nguy cơ nhiều hơn thuận lợi và thời cơ, đòi hỏi Chính phủ nói riêng và cả hệ thống chính trị nói chung phải tranh thủ để “biến nguy thành cơ”, từng bước phục hồi sản xuất – kinh doanh và lấy lại đà tăng trưởng.

Mặc dù Việt Nam đang là điểm hấp dẫn hàng đầu đối với các nhà đầu tư, kinh doanh quốc tế và thực sự là đang có làn sóng dịch chuyển các chuỗi cung ứng sang Việt Nam, nhưng đó là triển vọng về trung và dài hạn. Cũng phải nói rằng, sự ổn định về chính trị xã hội, khả năng kiềm chế dịch bệnh, khả năng chống chịu cao của nền kinh tế, nhất là những cơ hội mở cửa thị trường rất lớn của Việt Nam thông qua việc triển khai các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, đang mở ra không gian lớn về thị trường cho nền kinh tế Việt Nam. Đấy là điểm vô cùng hấp dẫn cho nhà đầu tư nước ngoài.

 Chuyển đổi số là một kênh hiệu quả giúp biến "nguy thành cơ" trong phát triển
(Ảnh minh họa: PV)

Bên cạnh đó, các hiệp định thương mại không chỉ tác động vào không gian thị trường mà còn tác động vào chính cải cách thể chế ở nước ta. Khi chấp nhận những luật chơi hàng đầu trên thế giới về phát triển bền vững, sự minh bạch về mở cửa thị trường thì có nghĩa là phải trở thành một trong những môi trường kinh doanh, đầu tư hấp dẫn nhất. Cho nên, có thể nói cơ hội về thị trường trong nước của Việt Nam cũng lớn với những lợi thế về địa kinh tế, địa chính trị vô cùng lớn, với một nền kinh tế mà tầng lớp tiêu dùng trung lưu đang bùng nổ, một nền kinh tế đang phát triển rất nhanh.

Tin tưởng rằng, xu hướng chuyển dịch các chuỗi cung ứng mà Việt Nam là một trong những tâm điểm trong chuỗi cung ứng đó sẽ vẫn là cơ hội lớn với nước ta. Đặc biệt, với những nỗ lực của Chính phủ, của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện chiến lược phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế song hành, với tinh thần của Thủ tướng, của Chính phủ là phải kết hợp hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, tăng cường sự chủ động, áp dụng những hình thức rất linh hoạt để phát triển kinh tế trong thời kỳ bình thường mới và cũng phải sống chung với dịch, Việt Nam sẽ kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi hoạt động kinh tế, lấy lại được sức hấp dẫn về đầu tư nước ngoài cũng như đà tăng trưởng.

Thực tế cho thấy, suốt thời gian qua, Chính phủ đang tập trung rất nhiều về cải cách thể chế và coi đó là nhiệm vụ trung tâm. Nghị quyết đầu tiên của Chính phủ sau kiện toàn cũng nhấn mạnh đến cải cách thể chế, trong đó tập trung vào 2 điều quan trọng nhất: Rà soát, xóa bỏ những chồng chéo pháp luật và tăng cường kỷ luật thực thi. Rồi phân công, phân cấp, cá biệt hóa trách nhiệm cá nhân được khẳng định rất rõ, tăng cường sự phối hợp nhưng vẫn phải cá thể hóa trách nhiệm cá nhân. Chính phủ không làm thay cho các bộ, ngành, địa phương.

Một chủ trương quan trọng khác cũng có trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và được Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh là phải có cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo, dám đột phá vì sự phát triển của đất nước. Có thể coi đó là khiên bảo vệ những người dũng cảm trong cải cách, trong việc chịu trách nhiệm, chấp nhận những rủi ro trong quá trình điều hành và phát triển kinh tế-xã hội.

Hơn nữa, bản thân Chính phủ cũng đề cao tính thực tiễn. Vừa qua, Thủ tướng đã yêu cầu các tổ chức, ngay cả những tổ chức nghiên cứu, tham mưu, không phải chỉ mời các nhà khoa học tham dự mà phải mời cả những người làm công tác thực tiễn để mang hơi thở cuộc sống vào những quyết sách của Chính phủ, của Quốc hội. Tinh thần, như Thủ tướng nhấn mạnh, trong việc đối diện với những yêu cầu của người dân và doanh nghiệp, là các cơ quan của Chính phủ “không được nói không, không được nói khó, không được nói có mà không làm”.

Về phía cộng đồng doanh nghiệp, họ mong mỏi và kiến nghị chính là thực hiện thành công một Chính phủ hành động. Phải kiên quyết thực hiện được mục tiêu kép trong phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế-xã hội. Đây là điều kiện tiên quyết cho sự ổn định về kinh tế, chính trị xã hội, tạo nền tảng cho khả năng chống chịu và sự phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh dịch bệnh cũng như trong tương lai.

Phương châm sống chung với dịch phải được thể hiện trong mọi thiết kế chính sách cũng như trong mô hình quản trị nhà nước, quản trị doanh nghiệp. Các biện pháp cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính cần mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Đồng thời, Chính phủ cũng cần tích cực mở rộng phạm vi, kéo dài thời gian thực hiện các biện pháp trợ giúp các doanh nghiệp trong bối cảnh COVID-19, làm thế nào thực hiện được những giải pháp này.

Đặc biệt, những quy định của Nhà nước cũng cần linh hoạt hơn trong điều kiện dịch bệnh, để bảo đảm doanh nghiệp có thể xây dựng được mô hình kinh doanh linh hoạt và có khả năng chống chịu. Bên cạnh có một vaccine y tế, cần có một vaccine về thể chế và cấu trúc của doanh nghiệp, cần phải có một hệ thống chính sách hợp lý của Nhà nước yểm trợ cho việc hình thành một mô hình, tăng cường khả năng chống chịu.

Nhìn xa hơn, không phải chỉ có trong thời điểm COVID-19 mà trong tương lai chúng ta cũng phải đương đầu với nhiều biến đổi như: Biến đổi khí hậu, diễn biến của môi trường kinh doanh, môi trường quốc tế… Cho nên tăng cường khả năng chống chịu của doanh nghiệp là rất quan trọng để tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế. Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đang có niềm tin rất lớn vào sự điều hành của Chính phủ và sự vào cuộc của hệ thống chính trị.

Xác định song song hai nhiệm vụ, vừa phát triển kinh tế, vừa phòng chống dịch, bản thân Việt Nam phải tạo miễn dịch cộng đồng, đẩy mạnh độ phủ sóng vaccine trong cả nước. Diễn biến dịch bệnh phức tạp và giãn cách kéo dài từ làn sóng thứ tư đã khiến Chính phủ có một sự thay đổi về chiến lược trong việc thực hiện mục tiêu kép, chống dịch hiện nay, từ việc khoanh vùng dập dịch là phương thức chủ yếu trong chống dịch sang phương thức tăng cường vaccine để tạo ra miễn dịch cộng đồng./.

HA.NV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực