Tháng 9, công nghiệp cả nước tăng trưởng khá

Thứ năm, 08/10/2015 15:48

(ĐCSVN)Theo Bộ Công Thương, so với tháng 9 năm 2014, chỉ số sản xuất công nghiệp toàn ngành tháng 9 năm 2015 tăng 10,1%. Tính chung 9 tháng, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,8% (cao hơn mức tăng 6,7% của cùng kỳ 9 tháng năm 2014 so với năm 2013 và mức tăng 5,4% của cùng kỳ 9 tháng năm 2013 so với năm 2012).

  

 Ảnh minh họa (Nguồn: K.D)

Về tăng trưởng của nhóm ngành, các ngành công nghiệp đều có mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm trước. Ngành chế biến, chế tạo tăng 10,2%; ngành khai khoáng tăng 8,2%; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 11,4% .

Một sản phẩm công nghiệp có tốc độ tăng trưởng 9 tháng năm 2015 cao hơn tốc độ tăng trưởng toàn ngành gồm: điện sản xuất tăng 12,3%; thép cán tăng 20,1%; điện thoại di động tăng 50,4%; tivi tăng 45,5%; ôtô tăng 55,3%; giày, dép da tăng 24,1%... Một số sản phẩm tăng trưởng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ như: than sạch tăng 5,1%; thuốc lá bao các loại tăng 3,4%; phân đạm ure tăng 1,5%; vải dệt từ sợi tổng hợp hoặc sợi nhân tạo giảm 5,4%...

Riêng về tiêu thụ sản phẩm, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng năm 2015 tăng trưởng khá, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2014. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng đầu năm 2015 tăng 13,2% so với cùng kỳ, cao hơn so với mức tăng của cùng kỳ năm trước (năm 2014 tăng 8,9% so với năm 2013).

Đánh giá chung về sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2014, đại diện lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, tăng trưởng sản xuất công nghiệp 9 tháng năm 2015 cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2013 và năm 2014 (năm 2013 và năm 2014 tăng trưởng lần lượt là: 5,4% và 6,7%). Bên cạnh đó, thông qua mức tăng trưởng hàng tháng của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và tăng trưởng của ngành sản xuất và phân phối điện, có thể thấy sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng phát triển.

Nhóm ngành dệt, da giày, sản xuất sản phẩm điện tử (điện thoại di động), máy vi tính và sản phẩm quang học, sản xuất xe có động cơ…có sự tăng trưởng cao, tuy nhiên giá trị gia tăng của sản phẩm chưa cải thiện nhiều, chủ yếu vẫn thực hiện theo hình thức gia công, lắp ráp; tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị chưa đạt yêu cầu phát triển, nguyên liệu đầu vào cho sản xuất vẫn phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu là chủ yếu.

Bộ Công Thương đánh giá, các doanh nghiệp vẫn chưa chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước; kim ngạch nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất gia công, lắp ráp vẫn duy trì ở mức cao như máy móc thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; linh kiện điện thoại; nguyên phụ kiện dệt may, da giày. Vì vậy, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và trong ngắn hạn là ảnh hưởng từ sự suy giảm kinh tế của Trung Quốc, các doanh nghiệp song song với việc tiếp tục củng cố vị trí tại các thị trường xuất khẩu truyền thống và mở rộng thêm các thị trường tiềm năng, cần chủ động hơn nữa về nguồn lực (lao động và nguồn vốn…), đầu tư thiết bị công nghệ phát triển công nghiệp hỗ trợ, từng bước chủ động cung ứng nguyên phụ liệu.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực