Tín dụng chính sách xã hội thúc đẩy xây dựng nông thôn mới tại các địa phương

Thứ hai, 28/12/2020 17:51
(ĐCSVN) - Thời gian qua, tín dụng chính sách xã hội đã có nhiều đóng góp cho quá trình xây dựng nông thôn mới tại các địa phương, qua đó, giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo có nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, từng bước nâng cao thu nhập và thoát nghèo bền vững.
 Với nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã giúp các hộ dân đầu tư sản xuất kinh doanh, từng bước thoát nghèo. (Ảnh: BT)

Nhằm góp phần thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) Việt Nam đã bám sát các Nghị quyết, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp và đạt được nhiều kết quả nổi bật.

Báo cáo mới đây của NHCSXH Việt Nam cho biết, tính đến ngày 30/6/2020, tổng dư nợ đạt 219.565 tỷ đồng, tăng 47.776 tỷ đồng so với đầu năm 2018, với hơn 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Trong giai đoạn 2018-2020 đã có hơn 5,4 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ NHCSXH.

Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hỗ trợ kịp thời vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho gần 783.000 lao động, trong đó hơn 15.000 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp trên 103.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng hơn 3,4 triệu công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng gần 66.000 căn nhà ở cho các đối tượng chính sách.

Riêng đối với địa bàn các xã đang xây dựng nông thôn mới, đặc biệt các xã đặc biệt khó khăn, NHCSXH coi việc tăng cường nguồn vốn, nâng cao hiệu quả vốn tín dụng chính sách góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân là nhiệm vụ hàng đầu. Trong giai đoạn 2018-2020, tổng doanh số cho vay tại các xã xây dựng nông thôn mới đạt 154.345 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ hơn 87%/tổng doanh số cho vay các chương trình tín dụng chính sách. Tổng dư nợ tại các xã xây dựng nông thôn mới đến nay đạt 190.582 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 86,8%/tổng dư nợ, với gần 5,7 triệu khách hàng còn dư nợ.

NHCSXH Việt Nam cho biết, tín dụng chính sách xã hội được thiết kế với một chuỗi các sản phẩm tín dụng nhằm phục vụ người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo nguyên tắc ưu tiên hộ nghèo đến hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, đã tạo thành một hệ thống chính sách đồng bộ, bao trùm các nhóm đối tượng thụ hưởng, hỗ trợ đa chiều cho người dân không chỉ giảm nghèo mà còn thoát nghèo bền vững, ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen theo Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, góp phần tích cực thực hiện hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng, củng cố lòng tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước, đặc biệt tạo sự chuyển biến mạnh mẽ tại khu vực nông thôn, vùng nghèo, vùng dân tộc thiểu số, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Đặc biệt, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, NHCSXH đã kịp thời triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, chỉ đạo NHCSXH các địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Áp dụng chính sách gia hạn nợ, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, tạm dừng trên 6.000 phiên giao dịch xã tương ứng với gần 4 triệu khách hàng với tổng số lãi tạm dừng chưa thu 862 tỷ đồng. NHCSXH đã kịp thời cho vay bổ sung tạo điều kiện hỗ trợ cho các đối tượng thụ hưởng khôi phục sản xuất, kinh doanh tại các vùng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đặc biệt là tại các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả tín dụng chính sách, góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn tiếp theo, NHCSXH Việt Nam cho biết, sẽ chủ động báo cáo với các Bộ, ngành liên quan trình Chính phủ, Quốc hội bố trí nguồn lực để tổ chức triển khai tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội đã ban hành, nhất là các chính sách phục vụ công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, các chính sách đối với dân tộc thiểu số, miền núi, huyện nghèo, xã nghèo, xã biên giới, xã an toàn khu; xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn,… Bảo đảm người nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do NHCSXH cung cấp.

Bên cạnh đó, tiếp tục tham mưu cho các Ban, Bộ, ngành Trung ương và cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tập trung thực hiện tốt công tác huy động vốn, tăng cường bổ sung nguồn vốn ủy thác địa phương sang NHCSXH để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.

Đi cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các cấp đối với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Thông tin tuyên truyền bằng nhiều hình thức về chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước thông qua các chương trình tín dụng, chính sách do NHCSXH thực hiện tại địa bàn các huyện nghèo, các xã xây dựng nông thôn mới để người dân biết và tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách, nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng vốn vay, trách nhiệm trả nợ tiền vay khi đến hạn.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Ngân hàng sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Trong đó, đặc biệt coi trọng chất lượng tín dụng, công tác ủy thác của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, chất lượng hoạt động của các Tổ tiết kiệm và vay vốn, hoạt động giao dịch xã.

Để thực hiện các nhiệm vụ trên, NHCSXH kiến nghị Chính phủ và các Bộ, ngành cho phép tiếp tục thực hiện chương trình tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo và chương trình tín dụng thực hiện chiến lược Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Nâng thời hạn cho vay tối đa của chương trình tín dụng hộ mới thoát nghèo lên 10 năm.

Ngoài ra, mở rộng đối tượng vay vốn chương trình tín dụng học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Xây dựng chính sách dành riêng đối với chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đồng thời nâng mức cho vay tối đa chương trình nước sạch và vệ sinh nông thôn đối với mỗi loại công trình từ 10 triệu đồng lên 20 triệu đồng/công trình/hộ; nâng mức cho vay đối với hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn lên tối đa 100 triệu đồng/hộ./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực