Tọa đàm trực tuyến “Cha mẹ bình dị phi thường”

Thứ tư, 14/07/2021 17:35
(ĐCSVN) - Tổ chức World Vision Việt Nam phối hợp cùng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) đã tổ chức buổi Toạ đàm trực tuyến với chủ đề "Cha mẹ bình dị phi thường: Mâu thuẫn không là Zero - Giải quyết mâu thuẫn là Hero". Đây là hoạt động thuộc chương trình thường niên “Người bình dị phi thường” của Tổ chức World Vision Việt Nam.

Nằm trong Chiến dịch “It Takes A World - Chấm dứt bạo lực trẻ em trong gia đình và trường học” do Tổ chức World Vision Việt Nam khởi xướng năm 2017, “Người bình dị phi thường” là sáng kiến khích lệ và thúc đẩy việc làm cụ thể của mọi thành phần trong xã hội để góp phần tạo nên môi trường an toàn, tích cực và tràn đầy yêu thương, nơi mọi trẻ em được phát triển một cách toàn diện. Trong năm 2021, World Vision Việt Nam phối hợp cùng Viện MSD thực hiện chuỗi toạ đàm trưc tuyến từ tháng 7 đến tháng 9 để truyền thông bảo vệ trẻ em trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

 Các diễn giả tham gia Tọa đàm (Ảnh: MSD)

Ở bất kỳ độ tuổi nào, người lớn hay trẻ em ít nhiều cũng sẽ gặp những rắc rối, mâu thuẫn xoay quanh các mối quan hệ trong cuộc sống hằng ngày. Việc giải quyết mâu thuẫn với người lớn đã là thách thức, đối với trẻ em việc này còn khó khăn hơn rất nhiều. Trong lúc này, điều trẻ cần nhất là sự lắng nghe, chia sẻ và đồng hành cùng giải quyết từ cha mẹ.  Toạ đàm “Cha mẹ bình dị phi thường: Mâu thuẫn không là Zero - Giải quyết mâu thuẫn là Hero" tập trung chia sẻ các góc nhìn và cách thức để cha mẹ, người chăm sóc hỗ trợ trẻ em đối mặt, hành xử phù hợp và giải quyết hiệu quả các mâu thuẫn trong cuộc sống. Sự kiện cũng là dịp để cha mẹ nhận thức rõ hơn về vai trò, ảnh hưởng của mình lên cách xử lý mâu thuẫn của con cái, từ đó điều chỉnh lời nói, thái độ và hành động để góp phần vun đắp cho tương lai của trẻ, nơi tình yêu thương, sự hợp tác và tôn trọng lẫn nhau luôn hiện hữu.

Toạ đàm “Cha mẹ bình dị phi thường” có sự tham gia của các diễn giả: ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng, Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch; bà Phan Thị Kim Liên, Quản lý Chương trình Bảo vệ Trẻ em, Tổ chức World Vision Việt Nam; Nhà báo, Nhà văn Hoàng Anh Tú. Tọa đàm bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng MSD điều phối.

Thảo luận tại Tọa đàm, từ góc độ cơ quan quản lý, ông Khuất Văn Quý, Phó Vụ trưởng, Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch chia sẻ: “Khi cuộc sống càng phát triển, mâu thuẫn sẽ càng phát sinh. Các thành viên trong gia đình có quyền ngang nhau và tất nhiên trẻ em cũng có sự tham gia tương đương với cha mẹ. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều cha mẹ, đặc biệt các phụ huynh ở vùng sâu vùng xa không được tiếp cận với việc giáo dục làm cha mẹ. Để có thể hỗ trợ cha mẹ giáo dục con cái và giải quyết các mâu thuẫn trong gia đình, Vụ Gia đình đã thực hiện các chương trình như Giáo dục hệ thống Gia đình, trong đó biên tập các bộ tài liệu giáo dục trẻ em dưới 6 tuổi, Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, thực hiện những nghiên cứu giáo dục trẻ em,… Bên cạnh đó, Vụ cũng phối hợp với các cơ quan khác để thực hiện các chương trình bảo vệ Trẻ em và làm cha mẹ.”

Dịp này, các diễn giả cũng đã cùng nhau chia sẻ về cách thức cha mẹ hướng dẫn con cái giải quyết những mâu thuẫn mà trẻ có thể gặp ở bên ngoài gia đình như trường lớp, bạn bè và cả trên mạng Internet. Các diễn giả đều đồng ý rằng cách bố mẹ giải quyết những mâu thuẫn trong gia đình sẽ định hướng cho trẻ cách giải quyết những mâu thuẫn khác.

Nhà báo Hoàng Anh Tú chia sẻ, cha mẹ cần để tâm đến con cái, đừng để mất sợi dây kết nối với các con. Chỉ khi thật sự để tâm, cha mẹ mới có thể nhận thấy những vấn đề con cái đang phải đối mặt, ngay cả khi chưa được nói ra, từ đó gia đình sẽ không chỉ đơn thuần là "nơi trú ẩn an toàn" nữa mà còn là nơi nuôi dưỡng tình thương yêu, trang bị kỹ năng để trẻ em phát triển toàn diện nhất. Yêu thương và tôn trọng con chính là chìa khoá của vấn đề đồng hành cùng con.

Thực tế, sự đồng hành của cha mẹ trở nên cần thiết hơn trong bối cảnh phức tạp của đại dịch COVID-19 khi việc học trực tuyến dần trở nên quen thuộc với trẻ em. Theo một nghiên cứu của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc UNICEF (2020)[1], thế giới hiện có hơn 1.5 tỷ trẻ em và thanh thiếu niên đang chịu ảnh hưởng từ việc trường học bị đóng cửa, trong đó bao gồm việc phải đối diện với nhiều nguy cơ bất đồng và bắt nạt trên mạng.

“Trẻ em ngày nay được tiếp cận với nhiều luồng thông tin từ Internet, gây ảnh hưởng đáng kể đến suy nghĩ, hành động và thái độ của trẻ, nhất là khi không có sự quan tâm, định hướng, uốn nắn kịp thời của cha mẹ và người chăm sóc trẻ. Một biểu cảm, một bình luận vô tình trên mạng xã hội đều có thể trở thành nguyên nhân gây mâu thuẫn”, bà Phan Thị Kim Liên phân tích.

Các diễn giả sau đó đã cùng tương tác bình luận và chia sẻ các bí kíp, kinh nghiệm với khán giả về cùng con xử lý các tình huống mâu thuẫn khác nhau trong gia đình, với bạn bè và cả trên môi trường mạng./.

 

HNV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực