Tọa đàm trực tuyến “Ước mơ của con – Kỳ vọng của cha mẹ”

Thứ ba, 29/06/2021 08:40
(ĐCSVN) - Hưởng ứng ngày Gia đình Việt Nam 28/06, Cục Trẻ em - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững (MSD) thực hiện Toạ đàm trực tuyến “Ước mơ của con – Kỳ vọng của cha mẹ” với sự hỗ trợ của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em quốc tế (Save the Children).

Đây cũng là sự kiện cuối cùng trong chiến dịch và  chuỗi toạ đàm trực tuyến thuộc khuôn khổ Tháng Hành động Vì Trẻ em năm 2021.

Các diễn giả tại Tọa đàm (Ảnh: PV) 

Toạ đàm được thực hiện hướng tới ngày Gia đình Việt Nam năm 2021,với hi vọng chia sẻ với những người làm cha, làm mẹ những cách thức để lắng nghe, thấu hiểu những mong muốn của trẻ em, đồng thời phát huy hết những tiềm năng mà trẻ có. Toạ đàm có sự tham gia của: ông Khuất Văn Quý - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững MSD; PGS.TS Lê Văn Hảo - Chuyên gia tâm lý; anh Lê Xuân Đức - Facebook Bố con Sâu.

Được biết, trong chuỗi Hội thảo Chia sẻ kết quả Báo cáo Tiếng nói Trẻ em Việt Nam được MSD thực hiện vào tháng 4 vừa qua tại 7 tỉnh, thành phố, nhiều em học sinh đã chia sẻ về những vấn đề trong mối quan hệ gia đình rằng các em chưa thực sự được lắng nghe và tham gia về các vấn đề liên quan đến bản thân và gia đình như việc học tập, định hướng nghề nghiệp, vui chơi giải trí…

Theo ông Khuất Văn Quý, việc cha mẹ đặt kì vọng và áp lực cho con sẽ gây ra nhiều tác động tiêu cực, do đó, người lớn cần đặt bản thân vào vị trí của trẻ, hiểu suy nghĩ của trẻ, cùng trẻ thực hiện ước mơ. Người lớn cần dõi theo trẻ, hướng trẻ để làm sao trẻ đều có thể theo đuổi ước mơ, và chúng ta cũng đạt được kỳ vọng, để trẻ không cảm thấy bị bố mẹ ngó lơ suy nghĩ, ý kiến của mình.

Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Phương Linh chia sẻ thêm: “Cha mẹ thường lấy lý do “vì con" và “cha mẹ là người hiểu con nhất, thậm chí hiểu con hơn cả con" để nguỵ biện cho việc áp đặt con theo ý mình. Tôi tin rằng cha mẹ “vì lợi ích tốt nhất của con", “hiểu con" cần đồng nghĩa với việc tạo môi trường và những điều kiện, những nền tảng cho con được học tập, khám phá những điểm mạnh, những tiềm năng của bản thân, lắng nghe và tôn trọng con, cùng con thảo luận các giải pháp chứ không phải là gò ép con theo ý mình. Ngoài ra, quan niệm của cha mẹ “tôi làm thế để con thành công" cũng cần phải thay đổi, quá trình con được trải nghiệm, được rèn giũa, được đưa ra các quyết định độc lập cho tương lai của mình, và kể cả quyếtđịnh sai và biết sửa chữa, khắc phục và đứng lên từ thất bại cũng quan trọng, cũng là thành công của con.”

Từ góc độ một ông bố trẻ, anh Lê Xuân Đức chia sẻ quan điểm nuôi dạy con của mình, trong đó nhấn mạnh, cha mẹ cần hiểu thế mạnh của con là gì, con có năng khiếu, sở trường gì để định hướng cho con. Kinh  nghiệm từ hai vợ chồng anh là, thống nhất chung không áp đặt con quá mức, nhưng vẫn luôn quan sát con hàng ngày qua việc chơi cùng con và trò chuyện với con để tìm hiểu năng khiếu, tiềm năng của con, từ đó có những cách thức để khơi dậy niềm yêu thích của con. Nếu không nắm được những điều đó mà áp đặt con thì đó hoàn toàn là sai lầm. Cha mẹ cũng chỉ có thể nỗ lực hết sức để tạo cho con các điều kiện tốt nhất, tạo nền tảng cho con phát triển sau này.

Theo PGS.TS Lê Văn Hảo, việc các bậc phụ huynh không thật sự thấu hiểu con, gò ép con sống theo lý tưởng của bố mẹ, kỳ vọng quá nhiều dẫn đến gây áp lực cho con vẫn còn khá phổ biến. Lý giải điều này, ông cho biết: “Nguyên nhân sâu xa của việc này đến từ hệ ý thức Nho giáo tồn tại qua nhiều thời đại, hay là nhiều bố mẹ vẫn còn quan niệm xưa cũ như “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, và quan niệm trẻ ngoan là trẻ biết vâng lời cha mẹ. Dù cha mẹ nhân danh tình yêu để dẫn dắt, gò ép con, thì điều này thường dẫn đến những hệ quả không mong muốn vì trẻ không được là chính bản thân mình.

Trong khuôn khổ Tọa đàm, các diễn giả đã cùng sôi nổi thảo luận, chia sẻ và trả lời các câu hỏi của khán giả về những cách thức để cha mẹ có thể đồng hành, truyền động lực cho con cái cũng như thúc đẩy sự tham gia và tiếng nói của trẻ em trong gia đình. Các diễn giả đều đồng ý rằng bố mẹ hãy lắng nghe con cái nhiều hơn.

Dịp này, ông Khuất Văn Quý cho biết, về phía các cơ quan nhà nước đang có chính sách, chương trình gì để hỗ trợ các gia đình trong việc tìm được tiếng nói chung, bảo vệ quyền và sự tham gia của trẻ em, cụ thể là: “Chúng tôi đã phối hợp với Cục Trẻ em và các tổ chức xã hội để thực hiện nhiều chương trình, chính sách đảm bảo việc trẻ em được lên tiếng, bày tỏ ý kiến của mình trong gia đình. Gần đây, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã tổ chức truyền thông, sự kiện về gia đình, trong số đó đều có những nội dung liên quan đến việc trẻ em được lên tiếng về những ý kiến trong gia đình, lắng nghe trẻ em bằng trái tim, cha mẹ đồng hành và làm bạn cùng con. Bên cạnh đó, Bộ cũng có tập huấn cho các cán bộ về gia đình ở các cấp, bao gồm cả ở các địa phương, cũng như đề xuất bộ quy tắc ứng xử trong gia đình tôn trọng - bình đẳng - yêu thương./.

HA.NV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực