Tốc độ tăng trưởng khu vực Đông Á - Thái Bình Dương năm 2015 dự báo giảm còn 6,7%

Thứ bảy, 13/06/2015 16:07
(ĐCSVN) - Những năm gần đây, nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức, đã tác động không nhỏ tới nền kinh tế khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Năm 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực này đã giảm 0,2 điểm phần trăm, xuống còn 6,9%.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên. Theo Ngân hàng Thế giới, có một số yếu tố đã góp phần làm giảm mức độ hoạt động kinh tế của khu vực như: quá trình làm chậm tăng trưởng kinh tế được quản lý thận trọng tại Trung Quốc, các biện pháp điều chỉnh cho phù hợp với giá cả hàng hoá thấp kể cả biện pháp thắt chặt tiền tệ, các bất ổn tại Indonesia liên quan tới cuộc bầu cử, tâm lý người tiêu dùng và nhà đầu tư thấp tại Thái Lan, và yếu kém trong thực hiện ngân sách tại Philipin, tuy tác động của các yếu tố đó cũng được bù trừ phần nào bởi giá dầu giảm.

Ảnh minh hoạ (Nguồn: chinhphu.vn)

Nếu không kể Trung Quốc, nơi đang áp dụng các biện pháp giảm dần tăng trưởng xuống còn 7,4% năm 2014 vừa qua, thì hoạt động kinh tế vẫn tiếp tục giảm trong năm 2015, mặc dù các biện pháp nới lỏng chính sách đã có tác dụng làm chậm lại quá trình suy giảm. Đầu tư vẫn bị hạn chế, các chỉ số về hoạt động chế tạo cũng cho thấy yếu kém, đồng thời qui mô các chương trình kích thích kinh tế cũng thu hẹp dần. Hỗ trợ chính sách, giá dầu giảm và mức cầu toàn cầu đã bù lại phần nào tác động của suy giảm đầu tư và quá trình dịch chuyển từ công nghiệp sang dịch vụ cũng góp phần tạo việc làm và tăng mức tiêu dùng.

Trừ Trung Quốc, toàn khu vực dự tính sẽ tăng trưởng 4,7%, thấp hơn mức 5,2% năm 2013. Các yếu kém hồi đầu năm 2014 đã được bù trừ bởi sự tăng tốc mạnh mẽ trong quý cuối năm, lại được hỗ trợ thêm bởi giá dầu thấp và chính sách tiền tệ đi kèm. Thực hiện các dự án công lớn tại Malaysia và Philipin cũng góp phần làm tăng tăng trưởng. Giá dầu thấp và tăng cường xuất khẩu góp phần cải thiện cán cân thanh toán, trừ trường hợp các nước xuất khẩu hàng hoá. Tăng cầu trong nước vẫn là yếu tố chính góp phần thúc đẩy tăng trưởng trong khu vực mặc dù mức cầu bên ngoài thấp và chịu áp lực cạnh tranh do đồng tiền nhiều nước trong khu vực tăng giá.

Tăng trưởng toàn khu vực dự tính sẽ tiếp tục giảm xuống còn 6,7% năm 2015 và giữ ổn định ở mức này trong thời gian sau đó. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục giảm nhưng các nước còn lại trong khu vực sẽ tăng nhờ vào sự phục hồi kinh tế tại các nước phát triển, giá năng lượng thấp, ổn định chính trị được cải thiện, cải thiện thanh khoản trên thị trường tài chính toàn cầu, tuy chính sách tiền tệ tại Hoa Kỳ có khả năng sẽ bị thắt chặt. Tại Trung Quốc, tăng trưởng dự báo sẽ đạt 7,1% năm 2015 và 7,0% năm 2016 do áp dụng các chính sách nhằm tăng trưởng ổn định hơn.

Tăng trưởng toàn khu vực, trừ Trung Quốc, dự báo sẽ đạt 4,8% trong năm 2015 và 5,4% vào năm 2016 nhờ vào động lực từ các nền kinh tế lớn trong ASEAN. Tại Indonesia, tăng trưởng dự báo sẽ giảm xuống 4,7% năm 2015, sau đó sẽ tăng dần nhờ phục hồi đầu tư và xuất khẩu. Tại Thái Lan, GDP dự tính sẽ tăng 3,5% năm 2015, trong đó xuất khẩu tăng nhẹ. Tại Malaysia tăng trưởng sẽ giảm xuống còn 4,7% năm 2015 do giá dầu thấp làm giảm đầu tư trong ngành dầu khí trong khi đó thì tăng trưởng tín dụng cũng vẫn còn chậm.

Tuy nhiên, khả năng xảy ra rủi ro do Trung Quốc giảm tăng trưởng mạnh hơn dự tính vẫn còn, mặc dù xác xuất xảy ra là thấp. Nếu điều đó xảy ra nó sẽ kéo theo các tác động lan toả tiêu cực lên các đối tác thương mại trong khu vực và các nước xuất khẩu hàng hoá.

Do các nền kinh tế trong khu vực là nền kinh tế mở, nên chúng sẽ bị tác động mạnh nếu các đối tác thương mại bị suy giảm tăng trưởng hoặc mỗi khi tỉ giá hối đoái thay đổi lớn, kể cả khi đồng đô la Mỹ tiếp tục tăng giá. Biến động trên thị trường tài chính hoặc đột ngột siết chặt điều kiện cấp vốn sẽ là những nhân tố gây rủi ro lớn. Phục hồi kinh tế thấp hơn mong đợi tại các nước thu nhập cao, nhất là tại Hoa Kỳ, khu vực châu Âu, Nhật Bản và các nền kinh tế công nghiệp mới sẽ kìm hãm thương mại toàn cầu và thương mại khu vực cũng như kim ngạch xuất khẩu của các nước trong khu vực mà 60 - 90% lượng hàng xuất khẩu được xuất sang các nước thu nhập cao. Nếu giá nhiên liệu tiếp tục giữ ở mức thấp thì đây sẽ là yếu tố thuận lợi đối với viễn cảnh kinh tế khu vực, nhưng giá cả hàng hoá thấp đang cản trở tăng trưởng tại các nước xuất khẩu hàng hoá và các nước này phải tự điều chỉnh để thích ứng với hoàn cảnh đó.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực