Tổng kết dự án "Trang mới cuộc" đời giai đoạn 2019-2020 tại TP. Hồ Chí Minh

Thứ tư, 02/12/2020 16:23
(ĐCSVN) - Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững (MSD) phối hợp với Sở Tư pháp TP. Hồ Chí Minh và nhóm Trang mới cuộc đời tổ chức Hội thảo Tổng kết dự án "Trang mới cuộc đời” giai đoạn 2019 – 2020 và Đối thoại Thúc đẩy quyền được khai sinh cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh.

Sự kiện diễn ra ngày 1/12 và nằm trong khuôn khổ dự án “Trang mới cuộc đời (A new life page)” - Dự án Thúc đẩy quyền được khai sinh cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại TP.Hồ Chí Minh.

Từ năm 2014, Trung tâm Nghiên cứu Quản lý và Phát triển Bền vững (MSD) phối hợp với Sở Tư pháp TP.Hồ Chí Minh, Trung tâm Trợ giúp Pháp lý TP.Hồ Chí Minh và các tổ chức xã hội, mái ấm, cơ sở bảo trợ thực hiện dự án “Trang mới cuộc đời (A new life page)” - Dự án Thúc đẩy quyền được khai sinh cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại TP.Hồ Chí Minh.

Các đại biểu khách mời cùng Ban tổ chức (Ảnh: MSD) 

Các kết quả dự kiến của Dự án bao gồm: 1) Nâng cao nhận thức và năng lực của các tổ chức xã hội và cộng đồng về quyền được khai sinh của trẻ em và cách thức thực hiện quyền - phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và kiến nghị sửa đổi chính sách và quy trình tư pháp thân thiện hỗ trợ thực hiện quyền được khai sinh cho mọi trẻ em và 2) Tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn được tiếp cận, hỗ trợ có giấy khai sinh trực tiếp.

Trong giai đoạn từ 1/6/2019 đến 31/12/2020 dự án nhận sự hỗ trợ tài chính từ Quỹ Thúc đẩy Sáng kiến tư pháp (JIFF) - một hợp phần của Dự án ODA “Tăng cường pháp luật và tư pháp tại Việt Nam – EU JULE” do Liên minh châu Âu tài trợ với mục tiêu làm giấy khai sinh cho 100 trẻ em.

Sự kiện được tổ chức nhằm tổng kết hoạt động của dự án giai đoạn này và đối thoại giữa các bên liên quan về việc cải thiện chính sách, hỗ trợ làm giấy khai sinh cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại TP.Hồ Chí Minh. Sự kiện có sự tham gia của đại diện Bộ Nội vụ, Sở Tư pháp TP.Hồ Chí Minh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP.Hồ Chí Minh, Công an TP.Hồ Chí Minh, Phòng Tư pháp và Công an các quận, huyện có đông người nhập cư, đại diện các tổ chức xã hội, các gia đình đã nhận sự hỗ trợ từ dự án và các cơ quan thông tấn báo chí.

Phát biểu khai mạc, bà Trần Thị Hồng Yến, Phó Trưởng phòng Hộ tịch, Sở Tư pháp TP.Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Hơn ai hết, trẻ em là đối tượng xã hội yếu thế, dễ bị tổn thương và rất cần sự quan tâm, bao bọc, bảo vệ để được sống và phát triển. Vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đang từng bước hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật để đảm bảo hơn quyền con người, quyền công dân trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là quyền khai sinh và quyền quốc tịch của trẻ em.Dự án như Trang mới cuộc đời vô cùng ý nghĩa để giúp các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn làm giấy khai sinh, những trường hợp đặc biệt mà các cơ quan quản lý nhà nước như chúng tôi khó tiếp cận. Chúng tôi rất vui được đồng hành cùng dự án và rất cam kết trong việc tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Trang mới cuộc đời”

Sau hơn 1 năm thực hiện với sự hỗ trợ tài chính từ quỹ JIFF, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, dự án Trang mới cuộc đời đã hoàn thành 80 giấy khai sinh cho các gia đình, bao gồm cả trẻ em và cha mẹ trên địa bàn thành phố và hơn 20 trường hợp đang được thực hiện, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2020. Trong khuôn khổ dự án, MSD và các đối tác đã tổ chức 5 buổi hội thảo, vui chơi, truyền thông nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của giấy khai sinh và tư vấn làm giấy khai sinh tại cộng đồng cho hơn 1.000 người bao gồm trẻ em, cha mẹ và người thân, tiếp cận truyền thông trực tuyến tới hàng trăm nghìn người tiếp cận.Trang mới cuộc đời bắt đầu là nơi gửi gắm, địa chỉ hỗ trợ thân thiết của các gia đình có hoàn cảnh khó khăn mong muốn làm giấy khai sinh cho trẻ em.

Bên cạnh đó, dự án cũng giới thiệu cuốn Sổ tay “Chúng em có quyền có giấy khai sinh” do Trung tâm MSD phối hợp với Sở Tư pháp TP.Hồ Chí Minh, Trung tâm Trợ giúp Pháp lý TP.Hồ Chí Minh và các luật sư TP Law và các thành viên nhóm Trang mới cuộc đời biên soạn. Cuốn sổ tay bao gồm những hướng dẫn cụ thể, tạo cơ sở cho các tổ chức và cá nhân tham khảo trong quá trình hỗ trợ làm giấy khai sinh cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Bà Nguyễn Phương Linh, Giám đốc MSD chia sẻ: “Trong quá trình thực hiện dự án, chúng tôi đã gặp rất nhiều câu chuyện, những hoàn cảnh éo le, với nhiều vướng mắc, nhưng tựu trung lại, vì thiếu tấm giấy khai sinh, các em đã mất đi rất nhiều cơ hội, và không được hưởng các quyền mà các em đáng được hưởng. Hơn 140 ca có hoàn cảnh khó khăn đã được tiếp nhận, khoảng 80 tấm giấy khai sinh đã được hoàn thành, đây là con số lớn hơn bất kỳ năm nào mà MSD và Trang mới cuộc đời đã thực hiện được và con số vẫn đang tiếp tục tăng lên. Điều này chỉ có thể có được bởi chúng tôi có sự đồng hành, tạo điều kiện, hỗ trợ pháp lý của các Bộ/ Sở tư pháp TP HCM và các sở ban ngành liên quan, các thành viên Trang mới cuộc đời ngày càng tăng lên, những người nổi tiếng và cả truyền thông cùng chung tay thay đổi nhận thức của cộng đồng trong làm giấy khai sinh cho trẻ em. Cứ thêm 1 sự đồng hành, là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn lại có thêm cơ hội để có Trang mới cuộc đời, chúng tôi hiểu rằng dù chỉ là tấm giấy khai sinh vô tri ấy những có thêm 1 cuộc đời có thêm hy vọng, có cơ hội được đi học, có bảo hiểm y tế và có hành trang để bước vào đời.”

Đánh giá về kết quả dự án Trang mới cuộc đời đạt được, ông Trịnh Quang Tuấn, đại diện Ban Thư kí quỹ JIFF bày tỏ vui mừng khi được đồng hành cùng dự án Trang mới cuộc đời trong hơn 1 năm vừa qua. Dịp này, Quỹ JIFF ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của các thành viên dự án, đặc biệt là việc đã phối hợp, kết nối với các tổ chức xã hội, mái ấm để lan toả ý nghĩa và tác động của dự án đến những người thật sự cần. Mong rằng các tác động của dự án được duy trì và ngày càng có thêm những em nhỏ có được tấm giấy khai sinh thông qua dự án.

 Quang cảnh Hội thảo (Ảnh: MSD)

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều trẻ em chưa có giấy khai sinh, do đó, nhóm Trang mới cuộc đời cũng đưa ra một số khuyến nghị bao gồm: đáp ứng đủ thông tin xác minh nhân thân, chứng minh việc sinh qua các bằng chứng, cam đoan, cam kết, đề nghị Bộ/ Sở Tư pháp hướng dẫn cho các cán bộ hộ tịch phường xã thực thi hiệu quả, đúng theo quy định, không yêu cầu các gia đình các xét nghiệm ADN nếu không cần thiết; sửa đổi Thông tư 53/2017/TT-BYT của Bộ Y tế để việc lưu trữ hồ sơ sinh trẻ được lâu hơn, tới 20 năm hoặc vĩnh viễn, hướng dẫn các bệnh viện, cơ sở y tế cung cấp giấy chứng sinh cho trẻ trong bất cứ trường hợp nào để đảm bảo quyền được đăng ký giấy khai sinh cho trẻ. Các vấn đề khác như cha mẹ trẻ không đóng viện phí được điều chỉnh bởi Luật Dân sự; Sở Tư pháp và các Phòng tư pháp tiến hành rà soát và hỗ trợ làm giấy khai sinh không chỉ cho trẻ em dưới 5 tuổi mà còn cho trẻ em trên 5 tuổi tới 16 tuổi và cả người lớn, để đảm bảo tất cả các trẻ em đều có giấy khai sinh. Việc rà soát nên kết hợp với cán bộ tổ dân phố và cả các cán bộ tổ chức xã hội để có thể tiếp cận được những trường hợp đặc biệt mà chính quyền địa phương có thể không tiếp cận được hoặc dễ bỏ sót; Hỗ trợ hướng dẫn, tìm cách giải quyết các trường hợp trẻ em đường phố bỏ đi không nhớ được nguồn gốc, trường hợp người thân bỏ rơi và không quan tâm để làm giấy khai sinh cho trẻ. Trong các trường hợp này và các trường hợp đặc biệt khác, chính quyền địa phương nên tạo điều kiện để các tổ chức xã hội, các trung tâm bảo trợ có thể đứng ra bảo lãnh làm giấy khai sinh cho trẻ ở các trường hợp đặc biệt; có hỗ trợ và hướng dẫn cụ thể các địa phương để giải quyết các các trường hợp đặc biệt trẻ có yếu tố nước ngoài hoàn toàn cả gia đình không có giấy khai sinh; số hoá quá trình đăng ký giấy khai sinh và các xác minh việc đăng ký giấy khai sinh để đảm bảo người dân dễ tiếp cận, thực hiện và không phải chịu trách nhiệm cho các công việc của các cơ quan quản lý nhà nước. Tăng cường nâng cao năng lực trong việc hỗ trợ pháp lý cho các trường hợp đặc biệt cho các cán bộ hộ tịch, cán bộ Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước, và tăng cường các chính sách khen thưởng, trợ cấp, tạo điều kiện và động lực cho các cán bộ nhà nước giải quyết việc làm giấy khai sinh cho các trường hợp đặc biệt; nên bổ sung ngân sách nhà nước trong việc giải quyết các trường hợp đặc biệt như quỹ hỗ trợ xét nghiệm ADN hoặc xác minh nhân thân cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn; ngoài giấy khai sinh, trẻ và gia đình cũng có nhu cầu cho các giấy tờ tuỳ thân khác, hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân/ thẻ căn cước công dân…

Trước những đề xuất này, bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã đánh giá cao và ghi nhận những nỗ lực của các tổ chức xã hội, các cơ sở bảo trợ xã hội vì đã chung tay và đồng hành cùng các cơ quan quản lý nhà nước trong việc bảo vệ trẻ em nói chung và thúc đẩy quyền được khai sinh cho trẻ em nói riêng. “Trong giai đoạn tiếp theo, chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ các tổ chức xã hội trong các hoạt động với mục tiêu đảm bảo mọi trẻ em đều được chăm sóc và bảo vệ.” – bà Thanh nói.

Các đại biểu thảo luận sôi nổi tại đối thoại và kết luận cần có sự tham gia, chung tay của rất nhiều các bên liên quan đế Trang mới cuộc đời tiếp tục thực hiện được hiệu quả trong thời gian tới. Tất cả cũng thống nhất cao rằng, hành trình tìm kiếm tấm giấy khai sinh cho các em, đảm bảo mọi trẻ em đều được khai sinh là một hành trình dài với rất nhiều khó khăn, vướng mắc, nhưng niềm vui lớn nhất là được biết rằng các em nhỏ đã có một cuộc đời mới, một hành trang mới, để từ đây các em có thể bay cao, bay xa và thực hiện những ước mơ của mình.

HNV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực