Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế làm việc với Bộ Công Thương

Thứ tư, 30/12/2015 21:30
(ĐCSVN) - Ngày 30/12, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã tiếp xã giao ông Jonathan Dunn, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới được bổ nhiệm, phụ trách Việt Nam và Lào.

 

Hình ảnh tại buổi tiếp. (Ảnh: BCT)

Tại buổi tiếp, bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng chúc mừng ông Jonathan Dunn đảm nhận trọng trách và cảm ơn sự quan tâm của IMF đến sự phát triển kinh tế của Việt Nam nói chung và đến ngành Công Thương nói riêng. Trao đổi về tình hình kinh tế Việt Nam, Bộ trưởng cho biết năm 2015 là một năm rất có ý nghĩa và nhiều thành tựu đối với quá trình phát triển kinh tế, an sinh xã hội, mở rộng đối ngoại của Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng GDP và công nghiệp đạt cao nhất trong 05 năm qua, lạm phát thấp nhất trong 11 năm gần đây. Mặc dù khó khăn về giá xuất khẩu cho những mặt truyền thống, Việt Nam vẫn cơ bản cân bằng được cán cân thanh toán quốc tế, kiểm soát tốt nhập khẩu liên tục trong 04 năm qua. Về hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đã đàm phán và kết thúc đàm phán Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh Kinh tế Á- Âu (VEEUFTA), Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA).

 

Ông Dunn bày tỏ vinh dự được nhậm chức Trưởng đại diện của IMF lần thứ 5 và trong thời điểm quan trọng, nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế Việt Nam. Ông chúc mừng Việt Nam đã nỗ lực thực hiện chính sách nhất quán và đạt nhiều thành tựu về hội nhập kinh tế quốc tế.  Ngoaf ra, ông cũng chia sẻ về một số quan ngại với những biến động trên thế giới có thể ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Việt Nam. IMF cũng quan tâm đến tình hình tỷ giá, nợ công, đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cải cách và cùng cố hệ thống ngân hàng để cung cấp tài chính cho khu vực sản xuất, đặc biệt là đối tượng các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

 

Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đánh giá cao quan hệ hợp tác của IMF với Việt Nam nói chung và với Bộ Công Thương nói riêng mong muốn IMF tiếp tục chia sẻ kinh nghiệm giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế, chính sách tiền tệ, ngân hàng. Hai bên nhất trí quản lý kinh tế vĩ mô, tái cơ cấu nền kinh tế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ tiếp tục là trọng tâm trong hợp tác của IMF với Bộ Công Thương trong thời kỳ phát triển kinh tế mới, khi một loạt các hiệp định thương mại có hiệu lực và Việt Nam bước vào giai đoạn hội nhập kinh tế quốc tế sâu hơn.

 

K.D

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực