Việt Nam và Cộng hòa Séc trao đổi về các chính sách thuế trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước

Thứ tư, 17/11/2021 16:07
(ĐCSVN) - Ngày 16/11, được sự ủy quyền của Lãnh đạo Bộ Tài chính, ông Nguyễn Thành Hưng – Vụ phó Vụ Chính sách thuế và đại diện một số đơn vị trong Bộ Tài chính đã có buổi làm việc với TS. Vitezslav Grepl - Đại sứ Cộng hòa Séc tại Việt Nam và Đoàn công tác của Công ty Cổ phần Ô tô SKODA (Cộng hòa Séc) để trao đổi về môi trường đầu tư kinh doanh và các chính sách thuế của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước.

 

Tại buổi làm việc, ông Vitezslav GREPL - Đại sứ Cộng hòa Séc tại Hà Nội bày tỏ sự vui mừng khi mối quan hệ giữa Việt Nam với Cộng hòa Séc vốn gắn bó lâu dài, ngày càng khăng khít, tốt đẹp, hứa hẹn một tương lai vô cùng rực rỡ. Đại sứ cho biết, trong năm 2020, Quốc hội Séc đã ủng hộ và hỗ trợ tích cực việc EU phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do với Việt Nam (EVFTA) và đồng thời là quốc gia thành viên đầu tiên của EU phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA).

Đại sứ cho rằng, mặc dù chịu ảnh hưởng nề do đại dịch COVID-19, nhưng thương mại song phương Việt - Séc vẫn giữ đà tăng trưởng tốt, cơ cấu mặt hàng được mở rộng, đặc biệt xuất khẩu từ Séc vào Việt Nam có những bước tiến rất đáng khích lệ, chứng tỏ doanh nghiệp hai nước, đặc biệt là doanh nghiệp Séc đã tận dụng tốt Hiệp định EVFTA; đồng thời cũng khẳng định cơ cấu kinh tế hai nước có tính bổ trợ cao và còn nhiều dư địa phát triển.

Trên cơ sở mối quan hệ gắn bó bền chặt của 02 quốc gia, công ty Cổ phần Ô tô SKODA, một công ty lớn của Cộng hòa Séc có dự định đầu tư sản xuất ô tô tại Việt Nam với quy mô lớn. Đại sứ Cộng hòa Séc cho biết, sở dĩ công ty Cổ phần Ô tô SKODA quyết định đầu tư tại Việt Nam với quy mô lớn vì môi trường pháp lý của Việt Nam tương đối vững chắc, nền chính trị tương đối ổn định. Ông kỳ vọng nếu dự án này thành công sẽ đem đến cơ hội việc làm cho hàng ngàn lao động, cơ hội cho người tiêu dùng của Việt Nam được dùng những mặt hàng chất lượng.

Tại buổi làm việc, đại diện công ty Cổ phần Ô tô SKODA, ông Petr Janeba đã trình bày tổng thể về quá trình hình thành công ty, kế hoạch đầu tư tại Việt Nam trong từng giai đoạn, đồng thời bày tỏ mong muốn được thông tin về nội dung các chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam dành cho các nhà đầu tư lắp ráp ô tô tại Việt Nam.

Trao đổi về các chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam, ông Nguyễn Thành Hưng – Vụ phó Vụ Chính sách thuế cho biết, để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển, trong thời gian qua chính sách thuế, phí, lệ phí đối với hoạt động sản xuất, lắp ráp ô tô đã được ban hành khá đồng bộ, phù hợp mục tiêu, định hướng của nhà nước, thông lệ quốc tế và thực trạng sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các cam kết quốc tế của Việt Nam. Cụ thể, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 125/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 122/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, trong đó, đã bổ sung Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô, thực hiện từ ngày 16/11/2017 đến ngày 31/12/2022. Theo đó, doanh nghiệp có Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, lắp ráp xe ô tô do Bộ Công Thương cấp và đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Nghị định được áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu MFN 0% đối với linh kiện, phụ tùng ô tô nhập khẩu thuộc loại trong nước chưa sản xuất được.

Mới đây, để tiếp tục hỗ trợ cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 101/2021/NĐ-CP gia hạn thêm 5 năm cho Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô. Theo đó, Chính phủ đã quyết định kéo dài thời gian thực hiện Chương trình này đến 31/12/2027 để các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô chủ động xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh trong các năm tiếp theo. Qua đó, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước phát triển theo định hướng của Đảng và Nhà nước.

Bên cạnh đó, dự án sản xuất, lắp ráp ô tô, phụ tùng ô tô được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu tạo tài sản cố định của dự án theo quy định tại khoản 11 Điều 16 Luật thuế xuất, thuế nhập khẩu số 107/20216/QH13. Thuế suất thuế nhập khẩu đối với linh kiện, phụ tùng được quy định theo hướng khuyến khích sản xuất trong nước, cơ bản đảm bảo phù hợp với nguyên tắc ban hành biểu thuế, thuế suất. Mức thuế suất trung bình của cả bộ linh kiện của các chủng loại xe được quy định thấp hơn mức thuế của xe nguyên chiếc.

Để khuyến khích việc sử dụng xe ô tô điện, mức thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt đối với loại xe này đã được giảm mạnh và hiện ở mức khá thấp, trong khoảng từ 5% đến 15%.

Đối với dự án đầu tư thì trường hợp cơ sở kinh doanh có số thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào của dự án đầu tư mới đang trong giai đoạn đầu tư từ 300 triệu đồng trở lên sẽ được hoàn thuế GTGT.

Ông Nguyễn Thành Hưng cũng cho biết, hiện Bộ Tài chính đang tiếp tục nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ trình Quốc hội những chính sách thuế hỗ trợ cho ngành sản xuất ô tô điện trong những năm tới như thuế trước bạ, thuế tiêu thụ đặc biệt…

Trước những chia sẻ của ông Nguyễn Thành Hưng – Vụ phó Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), đại sứ Cộng hòa Séc và đại diện Công ty Cổ phần SKODA bày tỏ sự tin tưởng kế hoạch đầu tư sản xuất xe lắp ráp tại Việt Nam của công ty sẽ có những bước tiến khả quan trong thời gian tới.

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực