WB tích cực hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng

Thứ hai, 24/01/2022 18:32
(ĐCSVN) - Trong những thập niên vừa qua, ngành năng lượng luôn đóng vai trò là động lực cơ bản cho sự phát triển kinh tế bao trùm của Việt Nam. Ngân hàng Thế giới (WB) và các đối tác phát triển đại diện cho Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam đã tích cực hỗ trợ những nỗ lực của Chính phủ để đạt được những thành tựu này.
Bà Carolyn Turk (Ảnh minh hoạ - Nguồn: anhsangvacuocsong.vn) 

Đó là phát biểu của bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam tại Hội nghị Cấp cao Của Nhóm Đối tác Năng lượng Việt Nam năm 2022 diễn ra tại Hà Nội ngày 24/1.

Theo bà Carolyn Turk, để đưa Việt Nam trở thành nền kinh tế có thu nhập cao vào năm 2045, đặc biệt là trong bối cảnh phục hồi xanh sau đại dịch, ngành năng lượng sẽ tiếp tục góp phần quan trọng trong hành trình vượt qua khó khăn và hỗ trợ tăng trưởng cho giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, khó khăn, thử thách lần này sẽ còn phức tạp hơn trước.

Một mặt, Việt Nam cần tiếp tục phát triển lĩnh vực năng lượng nhanh chóng để phục vụ cho nhu cầu phát triển, công suất toàn hệ thống cần tăng gấp đôi trong vòng 10 năm tới. Bên cạnh đó, cũng cần quản lý tốt hơn tác động của biến đổi khí hậu bằng cách cắt giảm đáng kể phát thải carbon từ ngành năng lượng, hiện chiếm tới 65% lượng phát thải của Việt Nam. Để hiện thực hóa tất cả những mục tiêu này, đồng thời huy động đủ nguồn tài chính cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng mà vẫn đảm bảo các nguyên tắc về công bằng và khả năng chi trả, đòi hỏi phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách. Bên cạnh đó, thách thức trong chuyển đổi năng lượng cũng mang lại những cơ hội mới.

Bà Carolyn Turk hoan nghênh các cam kết với tầm nhìn dài hạn mà Chính phủ đã đưa ra trong Hội nghị COP-26 nhằm hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và dừng sản xuất nhiệt điện than trong giai đoạn 2030-2040. Cam kết này đặt ra những mục tiêu rõ ràng cho ngành năng lượng. Việc xây dựng và triển khai lộ trình khả thi để hiện thực hóa những mục tiêu này nên được ưu tiên hàng đầu. Ngành năng lượng có nhiều lợi thế để đi đầu trong việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh của đất nước - thông qua thu hút đầu tư, tạo việc làm và nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Bà Carolyn Turk cũng đã đưa ra một số khuyến nghị để Chính phủ cân nhắc xem xét.

Thứ nhất, các chính sách và quy hoạch ngành, mà quan trọng nhất là Quy hoạch điện VIII, cần coi quá trình chuyển đổi năng lượng sạch như một mục tiêu cốt lõi. Điều này đồng nghĩa với việc lựa chọn cơ cấu năng lượng thích hợp, tập trung vào việc loại bỏ dần nhiệt điện than, đồng thời quản lý tác động của quá trình chuyển đổi này đối với người dân và doanh nghiệp hoạt động trong ngành than, và xem xét vai trò thích hợp của các nguồn nhiên liệu chuyển đổi, ví dụ như khí thiên nhiên.

Thứ hai, các rào cản đối với việc triển khai năng lượng tái tạo cần được loại bỏ. Chúng ta đã chứng kiến thành công vượt bậc của điện mặt trời và điện gió tại Việt Nam theo biểu giá FIT ưu đãi, nhưng cơ chế này cũng tạo ra những thách thức liên quan đến tình trạng phát triển tràn lan, dẫn đến việc phải cắt giảm công suất không mong muốn và bất ổn đối với hệ thống. Đã đến lúc cần đẩy nhanh tiến độ thiết kế và triển khai cơ chế đấu thầu cạnh tranh. Cơ chế đấu giá được tổ chức bài bản và đồng bộ có thể thúc đẩy ngành năng lượng phát triển vượt bậc, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, một nguồn năng lượng sạch trong nước có tiềm năng mang lại lợi ích lớn cho Việt Nam.

Thứ ba, cần khẩn trương mở rộng và hiện đại hóa lưới điện để bắt kịp tốc độ phát triển của các công nghệ năng lượng sạch mới. Ngoài việc đảm bảo công suất truyền tải, lưới điện còn cần nâng cao tính linh hoạt với hệ thống pin và các giải pháp lưu trữ năng lượng. Bên cạnh đó, việc hạn chế tình trạng quá tải, nghẽn lưới cũng là một cơ hội để tăng cường tự động hóa và số hóa.

Thứ tư, các biện pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả và điều tiết nhu cầu từ phía người tiêu dùng sẽ giúp mang lại những thành công trước mắt. Những can thiệp này không chỉ làm giảm nhu cầu mở rộng nguồn cung mà còn có hiệu quả cao về mặt chi phí. Tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo có công suất nhỏ và phát điện phân tán có thể đóng vai trò bổ trợ cho hệ thống điện tập trung.

Thứ năm, Việt Nam sẽ cần một phương pháp tiếp cận có hệ thống để huy động lượng lớn tài chính cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng, theo ước tính của chúng tôi vào khoảng 12-14 tỷ USD mỗi năm. Những đổi mới kịp thời trong môi trường đầu tư phù hợp với từng lĩnh vực sẽ thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân, giúp thu hút phần lớn các khoản đầu tư cần thiết. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần ban hành các quy định tạo điều kiện cho tài chính công, bao gồm phân bổ nguồn vốn ODA và các quỹ khí hậu cho ngành điện để tạo hiệu ứng hỗ trợ và thúc đẩy khu vực tư nhân, chẳng hạn như phát triển lưới điện hay các dự án PPP.

Quá trình chuyển đổi năng lượng sạch sẽ đòi hỏi phương pháp tiếp cận toàn diện cho cả nền kinh tế chứ không chỉ là các giải pháp đơn lẻ. Các lĩnh vực ưu tiên này cũng đã được các nhóm công tác kỹ thuật của VEPG phản ánh trong các khuyến nghị trước đây. Điều quan trọng bây giờ là biến những khuyến nghị này thành các hành động chính sách thực sự hiệu quả. Khi đó, những chuyển đổi của ngành năng lượng có thể trở thành động lực mạnh mẽ để hiện thực hóa các mục tiêu phát triển cũng như tham vọng về khí hậu của Việt Nam.

 

Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực