Xu hướng tiêu dùng hiện đại làm thay đổi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp trong tình hình mới

Thứ tư, 28/07/2021 17:08
(ĐCSVN) - Dịch COVID-19 với những diễn biến phức tạp, khó kiểm soát đã ảnh hưởng nặng nề đến tất cả các nền kinh tế toàn cầu. Có thể thấy, dịch COVID đã thúc đẩy việc mua sắm của người tiêu dùng có kế hoạch, có chủ đích và chuyển sang tiêu dùng bền vững, hợp lý.
Ảnh minh họa (Nguồn: H.H) 

Xu hướng tiêu dùng hiện đại

Kịch bản kinh tế vĩ mô suy yếu, việc làm không ổn định và thu nhập hộ gia đình giảm sẽ khiến người tiêu dùng buộc phải đánh giá lại các giá trị và ưu tiên của họ cũng như nắm bắt thói quen tiêu dùng mới. Niềm tin của người tiêu dùng giảm đi cùng với tài chính không đầy đủ, dẫn đến việc phải tiết kiệm để chi tiêu cẩn thận hơn, dành riêng một khoản dự trù phát sinh cho những điều không lường trước được.

Có thể thấy, đại dịch đã thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm có kế hoạch, có chủ đích và chuyển sang tiêu dùng bền vững, hợp lý. Theo đó, mặt hàng được lựa chọn hàng đầu: thực phẩm và sản phẩm y tế Người tiêu dùng quan tâm nhiều hơn đến thực phẩm sản phẩm y tế vì những mặt hàng này chính là yếu tố quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe và duy trì sự sống trước thực trạng dịch bệnh đang ngày càng lan rộng với những biến thể nguy hiểm hơn.

Theo báo cáo về chỉ số giá thực phẩm trên thế giới của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hiệp quốc - FAO, chỉ số giá các mặt hàng thực phẩm trong tháng 5/2021 cao hơn 4,8% so với tháng 4/2021 và 39,7% so với cùng kỳ năm ngoái do giá dầu, đường và ngũ cốc cùng với giá thịt và sữa tiếp tục tăng cao.

Các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh như giãn cách, hạn chế tiếp xúc... khiến việc đặt hàng trên thiết bị di động, công nghệ và giao hàng tại nơi người tiêu dùng thuận tiện nhận hàng giúp người tiêu dùng mua sản phẩm họ cần vào thời điểm họ muốn trở nên thuận tiện hơn bao giờ hết. Các hoạt động như làm việc, mua sắm, giải trí… vẫn được thực hiện mà không cần di chuyển đến nhiều vị trí, địa điểm.

 Người tiêu dùng có thể tối đa hóa thời gian, tăng tính linh hoạt, sử dụng các sản phẩm và dịch vụ thông qua truy cập từ nhà. Do đó, “tiện” đã trở thành một trong những tiêu chí tiêu dùng trong xã hội trong bối cảnh “bình thường mới” hiện nay.

Người dân cũng có xu hướng tiêu dùng xanh, tiêu dùng có trách nhiệm Khủng hoảng sức khỏe ảnh hưởng sâu sắc đến nhu cầu và thói quen mua sắm của mọi người. Biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường nặng nề dẫn đến các hậu quả nghiêm trọng như suy thoái đa dạng sinh học, suy thoái tài nguyên nước, ảnh hưởng môi trường sống của các loài thủy hải sản hay sản xuất nông nghiệp... tác động không nhỏ đến nguồn cung thực phẩm hàng ngày của con người.

Thay đổi mô hình kinh doanh để thích ứng với xu hướng tiêu dùng mới

COVID-19 đã ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống cá nhân người tiêu dùng, buộc doanh nghiệp cũng phải sáng tạo, phản ứng nhanh để thích ứng với xu hướng và cách thức tiêu dùng mới của người dân.

Theo đó, thay đổi mô hình kinh doanh, từ sản xuất đến phân phối, vận chuyển, tiêu thụ, là giải pháp tốt nhất giúp doanh nghiệp phát triển trong tình hình mới.

Do tính chất lây nhiễm cao của vi rút COVID-19 và tính tiện lợi từ việc giao-đặt hàng online, các dịch vụ mua bán hàng hóa không tiếp xúc gia tăng mạnh. Theo một khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường của Hoa Kỳ - Forrester, năm 2020, 58% người tiêu dùng chọn chi tiêu trực tuyến, tăng 12% so với mức trước đại dịch.

Tại Báo cáo Khảo sát Triển vọng Kinh doanh thực hiện năm 2021, Công ty tư vấn tài chính Hoa Kỳ - LBMC nhận định, các ngành đều bị ảnh hưởng tiêu cực bởi COVID-19, một số ngành như công nghệ và dịch vụ chuyên nghiệp ít bị ảnh hưởng hơn do đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại.

Xét ở nhiều góc độ, không chỉ ảnh hưởng bởi dịch bệnh, số người tiêu dùng trực tuyến ngày càng tăng còn do thế hệ Z – thế hệ được sinh ra sau khi internet trở nên phổ biến rộng rãi, được tiếp xúc và sử dụng công nghệ từ nhỏ - đang dần trở thành lực lượng dân số chính hiện nay. Vì vậy, ứng dụng công nghệ số trong chi tiêu, mua sắm là xu hướng tất yếu của những người tiêu dùng trẻ hiện đại.

Ứng dụng công nghệ kỹ thuật trong phân phối

Vận chuyển hàng hóa COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng, giảm dịch vụ khách hàng và gây ra sự chậm trễ giao hàng. Đồng thời, người tiêu dùng hiện đại cũng nâng cao kỳ vọng, trở thành tiêu chuẩn trong nhu cầu chi tiêu, tạo ra áp lực mới cho các doanh nghiệp. Do đó, ngay cả những doanh nghiệp cung ứng dịch vụ hậu cần, logistics cũng cần thay đổi mô hình kinh doanh. Các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain và tự động hóa đang được tích hợp vào mạng cung cấp kỹ thuật số, tích hợp dữ liệu và thông tin từ các nguồn khác nhau để thúc đẩy phân phối hàng hóa sản xuất dọc theo chuỗi giá trị.

Công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) đóng một vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng hiện đại. Chẳng hạn, đối với hàng hóa lưu kho, trí thông minh nhân tạo và vị trí có thể giúp các nhà bán lẻ duy trì lợi thế cạnh tranh cho hoạt động phân phối sản phẩm và chuỗi cung ứng của họ. Dữ liệu lớn nhiều mặt từ các vị trí địa lý cụ thể kết hợp với các tương tác trực tuyến có thể hiển thị các mô hình mua hàng dựa trên các thời điểm, sự kiện và điều kiện nhất định trong các phân khúc khách hàng chi tiết.

Do đó, một nhà bán lẻ có thể sử dụng AI để dự đoán sản phẩm nào tiết kiệm chi phí hơn để nhập kho trong một nhà kho nhất định ở vị trí gần các khu vực cụ thể. Hay công nghệ blockchain là một cách phân phối quá trình xác minh cho bất kỳ thứ gì từ giao dịch tài chính đến ghi nhật ký thông tin vận chuyển.

Doanh nghiệp sẽ có thông tin về hành trình của sản phẩm dọc theo chuỗi cung ứng, cung cấp mọi thứ từ địa điểm đến thời điểm hàng đến, và thậm chí tất cả các điều kiện môi trường trong suốt hành trình. Ví dụ, đây có thể là một công cụ mới mang tính cách mạng, nếu một công ty đang vận chuyển những thứ dễ hỏng như cá và phải duy trì ở một nhiệt độ nhất định trong suốt chặng đường. Công ty vận chuyển cá có thể xem liệu nhiệt độ thực tại hay nhiệt độ tại bất kỳ thời điểm nào trong hành trình có vượt quá ngưỡng cho phép không. Nếu điều này ảnh hưởng đến hàng hóa thì khả năng này cho phép họ giảm thiểu các vấn đề về chất lượng thực phẩm.

Theo thời gian, thông tin sổ cái blockchain tổng hợp có thể tiết lộ những điểm yếu trong chuỗi cung ứng và giúp các tổ chức liên tục tối ưu hóa hoạt động. Như vậy, thay đổi mô hình kinh doanh đáp ứng nhu cầu tiêu dùng hiện đại chính là giải pháp duy trì và phát triển hữu hiệu nhất trong tình hình mới trên toàn cầu.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp bắt kịp xu hướng tiêu dùng và kinh doanh hiệu quả, Thủ tướng đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” , ưu tiên các ngành nông nghiệp, tài chính - ngân hàng, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường, sản xuất công nghiệp. Đồng thời, trên cơ sở tổng kết các kết quả đạt được trong giai đoạn trước, rà soát, đánh giá hiện trạng, nhu cầu phát triển thương mại điện tử giai đoạn tới, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ đề xuất xây dựng Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021-2025 và được Chính phủ thông qua tại Quyết định số 645/ QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2020 (Quyết định số 645/QĐ-TTg).

Mục tiêu của Kế hoạch là đưa thương mại điện tử trở thành một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của chu trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và xuất khẩu.

A.N

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực