Xúc tiến đầu tư vào Việt Nam tại thành phố Lugano (Thụy Sỹ)

Thứ năm, 23/06/2022 19:06
(ĐCSVN) - Tham tán thương mại Việt Nam tại Thụy Sỹ Nguyễn Đức Thương cho biết, sự phát triển kinh tế của Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới, rất cần thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp nền tảng và công nghệ nguồn từ các nước tiên tiến, trong đó có Thụy Sỹ.
 Hội thảo xúc tiến đầu tư vào Việt Nam (Ảnh: T.V)

Theo Tham tán Nguyễn Đức Thương, Lugano là thành phố lớn nhất của bang Ticino, nằm ở cực nam của Thụy Sỹ, có chung biên giới với Italia. Đây là bang duy nhất của Thụy Sỹ mà tiếng Italia là ngôn ngữ chính thức duy nhất và đại diện cho phần lớn khu vực nói tiếng Italia của nước này. Dân số bang Ticino năm 2021 là khoảng 351.000 người, trong đó riêng vùng đô thị Lugano có khoảng 150.000 người.

Dịch vụ là thế mạnh lớn nhất của bang Ticino, tập trung vào các ngành thương mại, du lịch, tài chính ngân hàng, logistics… Thành phố Lugano là trung tâm tài chính lớn thứ ba của Thụy Sỹ, chỉ sau Zurich và Geneve. Về công nghiệp, các thế mạnh của bang Ticino là luyện vàng, công nghiệp thời trang, công nghệ thông tin… Bang Ticino cũng là một trong những bang đi đầu Thụy Sỹ trong lĩnh vực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, số hóa…

Theo đó, ngày 21/6, tại thành phố Lugano, thủ phủ bang Ticino (Thụy Sỹ), chính quyền thành phố Lugano, Phòng Thương mại và Công nghiệp bang Ticino, Công ty tư vấn Fidinam (Thụy Sỹ), phối hợp với Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Thụy Sỹ tổ chức Hội thảo xúc tiến đầu tư vào Việt Nam. Hội thảo thu hút sự tham gia của trên 50 doanh nghiệp Thụy Sỹ từ thành phố Lugano và bang Ticino.

Tại đây, ông Michele Foletti - thị trưởng thành phố Lugano - bày tỏ vui mừng trước sự phát triển tốt đẹp của quan hệ song phương, đánh giá cao sự phát triển kinh tế năng động của Việt Nam trong thời gian qua. Ông cho biết, chính quyền thành phố Lugano rất tự hào được tổ chức Hội thảo xúc tiến đầu tư vào Việt Nam, coi đây là một cơ hội thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp Thụy Sỹ nói chung và doanh nghiệp bang Ticino nói riêng nhằm thúc đẩy hợp tác kinh doanh với Việt Nam.

Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ Phùng Thế Long cũng có bài phát biểu giới thiệu những thành tựu kinh tế của Việt Nam và quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Thụy Sỹ. Đại sứ nhấn mạnh, kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh, năng động, hội nhập kinh tế mạnh mẽ với thế giới và khu vực. Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng, được đánh giá là điểm đến an toàn và thân thiện. Triển vọng kinh tế Việt Nam thời gian tới được các tổ chức quốc tế đánh giá rất tích cực.

Đại sứ cho biết, quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam - Thụy Sỹ phát triển tốt đẹp trong những năm qua. Theo số liệu của Hải quan Thụy Sỹ, năm 2021, xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt trên 2,4 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Thụy Sỹ đạt 1,88 tỷ USD và nhập khẩu từ Thụy Sỹ đạt 530 triệu USD. Về đầu tư, theo số liệu Bộ KH&ĐT Việt Nam, đến tháng 4/2022, Thụy Sỹ có 183 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký 1,884 tỷ USD, đứng thứ 21/139 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam và đứng thứ 6 trong khu vực châu Âu (sau Hà Lan, Anh, Pháp, Luxembourg và Đức). Đại sứ đánh giá hai nước vẫn còn rất nhiều tiềm năng thúc đẩy hợp tác kinh tế trong thời gian tới.

Theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Thụy Sỹ Nguyễn Đức Thương, sự phát triển kinh tế của Việt Nam đã bước sang một giai đoạn mới, rất cần thu hút đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp nền tảng và công nghệ nguồn từ các nước tiên tiến, trong đó có Thụy Sỹ. Với thế mạnh của mình, doanh nghiệp Thụy Sỹ có thể đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong các ngành công nghiệp có tính chất nền tảng như: Cơ khí (đặc biệt là cơ khí chính xác); Thiết bị y tế; Hóa chất-Dược phẩm; Công nghệ thông tin-Số hóa; Công nghệ sinh học; Năng lượng tái tạo; Công nghiệp thực phẩm... Theo chiều ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam cũng mong muốn tìm kiếm những cơ hội đầu tư sang thị trường Thụy Sỹ.

A.N

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực