“Cầu nối” tư vấn chính sách, pháp luật đầu tư

Thứ tư, 13/11/2019 16:45
(ĐCSVN) - Với vai trò kết nối doanh nghiệp và các cơ quan chức năng, Hiệp hội Nghiên cứu, tư vấn về chính sách, pháp luật cho hoạt động đầu tư tại Việt Nam sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể tiếp cận xu hướng đầu tư FDI vào Việt Nam, cũng như xu hướng đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài.

Đó là khẳng định của Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu tư vấn, về chính sách, pháp luật cho hoạt động đầu tư tại Việt Nam Trần Tuấn Hải khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghiên cứu tư vấn, về chính sách, pháp luật cho hoạt động đầu tư tại Việt Nam Trần Tuấn Hải
(ảnh: HM)

Phóng viên (PV): Khi thành lập, Hiệp hội tham vọng, trong 5 năm tới sẽ phát triển trở thành đơn vị hàng đầu về nghiên cứu, tư vấn chính sách đầu tư tại Việt Nam, để làm được điều này, Hiệp hội đã triển khai những hoạt động cụ thể như thế nào thưa ông?

Phó Chủ tịch Hiệp hội Trần Tuấn Hải: Đầu tiên, xin cảm ơn sự quan tâm của quý Báo và quý độc giả đối với Hiệp hội Nghiên cứu, tư vấn về chính sách, pháp luật cho hoạt động đầu tư tại Việt Nam và chương trình hoạt động của chúng tôi!

Trước hết, xin được khẳng định là Hiệp hội ra đời xuất phát từ thực tế yêu cầu của xã hội về các hoạt động đầu tư là rất lớn nhưng cũng hết sức phức tạp. Chúng tôi không có tham vọng mà chỉ có mong muốn đáp ứng yêu cầu đó một cách thiết thực, đúng pháp luật và hiệu quả nhất.

Từ khi Đại hội lần thứ nhất (tháng 8/2019) được tổ chức thành công đến nay, Hiệp hội tập trung vào việc hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ pháp lý và công tác tổ chức bộ máy để đảm bảo cho sự vận hành của Hiệp hội. Như đã báo cáo trước Đại hội thành lập của Hiệp hội về phương hướng hoạt động của Hiệp hội, ở giai đoạn đầu tiên, lãnh đạo Hiệp hội tiếp tục hoàn thiện cơ cấu tổ chức với việc thành lập các ban lãnh đạo, bộ phận giúp việc và các ban chuyên môn.

Để làm được việc này, chúng tôi đã liên hệ và mời các chuyên gia có chuyên môn sâu về các lĩnh vực hoạt động theo tôn chỉ của Hiệp hội, củng cố năng lực tài chính để đảm bảo kinh phí hoạt động ổn định và lâu dài cho Hiệp hội. Sau đó chúng tôi đã tiếp tục hoàn thiện các đề án, xây dựng các chương trình hoạt động cả dài hạn và ngắn hạn cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể.

Hiệp hội đã và đang kết nối với các trung tâm, viện nghiên cứu, các trường đại học, các chuyên gia có liên quan đến lĩnh vực cần tư vấn để tiến hành hợp tác thực hiện các hoạt động nghiên cứu với các đề tài khoa học và thực tế việc làm này đang được tiến hành một cách rất tích cực, nghiêm túc.

“Hiệp hội hy vọng sẽ sớm có các kết quả nghiên cứu và nhanh chóng chuyển giao đến các đối tượng tiếp nhận và thụ hưởng. Khi đó, các kết quả nghiên cứu này sẽ được các ban và trung tâm của Hiệp hội áp dụng vào thực tế để trực tiếp phục vụ cho việc tư vấn như tôn chỉ, mục đích của Hiệp hội đã đề ra. Để thực hiện tốt việc này, chúng tôi sẽ tiến hành khảo sát, điều tra xã hội học nhằm xác định nhu cầu tư vấn, về chính sách, pháp luật cho hoạt động đầu tư tại Việt Nam”. Ông Hải khẳng định.

PV: Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp không chỉ gặp khó khăn về chính sách thuế quan, các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, mà còn không nắm bắt kịp thời các cơ chế hỗ trợ của chính phủ đối với các doanh nghiệp, gây ảnh hưởng đến các định hướng hoạt động của doanh nghiệp. Với vai trò là “cầu nối”, Hiệp hội đã tư vấn về chính sách, pháp luật cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước như thế nào thưa ông?

Phó Chủ tịch Hiệp hội Trần Tuấn Hải: Như đã đề cập ở trên, tôn chỉ mục đích của Hiệp hội là nghiên cứu để đưa vào thực tiễn các sản phẩm tư vấn về chính sách, pháp luật đối với các hoạt động đầu tư. Do vậy, Hiệp hội luôn hướng tới các đối tượng có nhu cầu được tư vấn về các vấn đề các doanh nghiệp trong và ngoài nước đang đặt ra và quan tâm. Việc làm của Hiệp hội là vừa trực tiếp tư vấn những vấn đề trong phạm vi đã có kết quả nghiên cứu tốt, vừa kết nối các đối tượng có nhu cầu với các trung tâm tư vấn và các chuyên gia trong mỗi lĩnh vực cụ thể mà Hiệp hội đã hợp tác hiệu quả.

Hiệp hội luôn xác định lợi ích mà các đối tượng được thụ hưởng là phương châm hướng đến phục vụ. Đặc biệt, trong điều kiện xây dựng một chính phủ kiến tạo ngày nay, chúng tôi hiểu rằng, Việt Nam đang có những chính sách ưu đãi cho các hoạt động đầu tư phát triển kinh tế trên nhiều phương diện, trong đó có vấn đề kêu gọi đầu tư nước ngoài.

Cùng với đó, việc nghiên cứu của Hiệp hội còn hướng tới các sản phẩm góp phần xây dựng chính sách, pháp luật nên việc nắm bắt chính sách, pháp luật là việc chúng tôi luôn chủ động và có phần đi trước. Đây là những thuận lợi mà chúng tôi có được để có thể giúp cho các nhà đầu tư nắm bắt kịp thời cơ chế hỗ trợ và các cơ hội từ cơ chế hỗ trợ.

PV: Là nơi tập hợp chuyên gia và các nhà khoa học đầu ngành tại Việt Nam, thời gian tới, Hiệp hội sẽ hỗ trợ doanh nghiệp như thế nào khi họ có nguồn lực muốn mở rộng hoạt động sang một số lĩnh vực khác? Muốn gặp gỡ lãnh đạo Hiệp hội, doanh nghiệp cần thông qua kênh thông thông tin nào thưa ông?

Phó Chủ tịch Hiệp hội Trần Tuấn Hải: Việc mở rộng các hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp là xu thế tất yếu của sự phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, như chúng ta biết, các doanh nghiệp thường gặp khó khăn nhất định, đặc biệt là sự thiếu thông tin tư vấn chính xác nên có không ít những lo ngại cho sự an toàn khi đầu tư. Điều đó sẽ dẫn đến việc họ phải tìm đến các chuyên gia, các nhà khoa học để tìm kiếm sự tư vấn chính xác.

Chính phủ đang thực hiện sửa đổi Luật Đầu tư 2014, Luật Doanh nghiệp 2014 nhằm tạo ra những thay đổi tích cực hơn nữa trong môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp gia nhập thị trường và phát triển kinh doanh.

Thời gian qua Chính phủ đã có nhiều chính sách mới tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp
ra nhập thì trường, phát triển kinh doanh. (ảnh minh họa: HM)

Trong giai đoạn phát triển mới với tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp và sự tác động ngày càng sâu rộng của cách mạng công nghiệp 4.0, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, Việt Nam đang hoàn thiện chiến lược thu hút FDI thế hệ mới giai đoạn đến năm 2030 với nhiều cải thiện về định hướng thu hút đầu tư, ưu đãi đãi tư, giúp các nhà đầu tư định hướng kế hoạch phát triển trong giai đoạn tới.

Các chuyên gia cho rằng, cùng với nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), khi chiến lược thu hút FDI giai đoạn mới được thông qua và đi vào thực hiện, FDI từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, EU, Mỹ… vào Việt Nam sẽ tăng mạnh hơn.

Trên thực tế, các kênh thông tin, tư vấn đã xuất hiện rất nhiều và có nguy cơ gây nhiễu thông tin dẫn đến sự khó khăn cho việc tiếp nhận, lựa chọn và phân tích, đánh giá các thông tin. Hiệp hội nhận thấy mình có trách nhiệm đưa ra ý kiến tư vấn để định hướng đúng đối với việc tiếp nhận, lựa chọn, phân tích và đánh giá các thông tin giúp các nhà đầu tư và doanh nghiệp có thể yên tâm khi đưa ra quyết định của mình. Do vậy, chúng tôi sẽ tập hợp đội ngũ chuyên gia thực sự có chất lượng, có trách nhiệm để tiến hành các công việc này.

Để liên hệ với các lãnh đạo Hiệp hội, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư có  thể thông qua các hình thức tiếp xúc trực tiếp tại văn phòng Hiệp hội có địa chỉ ở 201 Nguyễn Thị Minh Khai, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP Hồ Chí Minh; các văn phòng đại diện hoặc các trung tâm của Hiệp hội mở tại các địa phương trong cả nước. Ngoài ra, việc này có thể thực hiện thông qua Email: hoatdongdautu@gmail.com; trang web: http://iva.com.vn hoặc số hotline của Hiệp hội là 0819006800.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hoàng Mẫn (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực