Nền kinh tế năm 2015 tuy ổn định nhưng còn nhiều thách thức

Thứ ba, 29/12/2015 10:21
(ĐCSVN) - Năm 2015 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015. Với GDP năm 2015 ước tính tăng 6,68%, đây là cơ sở và động lực cho việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, năm đầu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.

Ảnh minh hoạ (Ảnh: M.P)

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, kinh tế năm 2015 diễn ra trong bối cảnh thị trường toàn cầu có những bất ổn, kinh tế thế giới vẫn đối mặt với nhiều rủi ro lớn với các nhân tố khó lường. Triển vọng kinh tế khu vực Eurozone chưa thật lạc quan. Thương mại toàn cầu sụt giảm do tổng cầu yếu. Kinh tế thế giới chưa lấy lại được đà tăng trưởng và phục hồi chậm. Giá dầu thô giảm mạnh dẫn đến giá cả hàng hóa có xu hướng giảm nhanh, ảnh hưởng đến các nước xuất khẩu. Sự bất ổn của thị trường tài chính toàn cầu với việc giảm giá đồng Nhân dân tệ và tăng trưởng sụt giảm của kinh tế Trung Quốc đã tác động mạnh tới kinh tế thế giới. Ở trong nước, giá cả trên thị trường thế giới biến động, nhất là giá dầu giảm gây áp lực đến cân đối ngân sách Nhà nước, nhưng đồng thời là yếu tố thuận lợi cho việc giảm chi phí đầu vào, phát triển sản xuất và kích thích tiêu dùng.

Trong bối cảnh như vậy, ngay từ đầu năm, các cấp, các ngành đã từng bước tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh nhằm thực hiện mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 là: “Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thực hiện mạnh mẽ các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu tăng trưởng cao hơn năm 2014.”

 Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tốc độ GDP năm 2015 ước tính tăng 6,68% so với năm 2014. Mức tăng trưởng năm nay cao hơn mục tiêu 6,2% đề ra và cao hơn mức tăng của các năm từ 2011-2014 (năm 2011 tăng 6,24%; năm 2012 tăng 5,25%; năm 2013 tăng 5,42%; năm 2014 tăng 5,98%), cho thấy nền kinh tế phục hồi rõ nét. Quy mô nền kinh tế năm nay theo giá hiện hành đạt 4192,9 nghìn tỷ đồng; GDP bình quân đầu người năm 2015 ước tính đạt 45,7 triệu đồng, tương đương 2109 USD, tăng 57 USD so với năm 2014. Xét về góc độ sử dụng GDP năm 2015, tiêu dùng cuối cùng tăng 9,12% so với năm 2014.

Năm 2015 tiếp tục thực hiện đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế trong đó có tái cơ cấu đầu tư đi đôi với việc tiếp tục giảm dần đầu tư công, giảm tỷ trọng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, hoàn thiện thể chế về đầu tư nhằm huy động mạnh mẽ các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển. Việc triển khai, thực hiện có hiệu quả các văn bản pháp quy quan trọng trong hoạt động đầu tư: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Luật Đấu thầu, Nghị định về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP)... đã góp phần tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả đầu tư.

Bên cạnh đó, các ngành và cơ quan chức năng thực hiện đẩy mạnh huy động các nguồn lực và đa dạng hóa hình thức đầu tư, đồng thời tập trung chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc, khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư phát triển theo kế hoạch được giao, đặc biệt là các chương trình dự án sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi. Môi trường pháp lý đầu tư được đổi mới và từng bước hoàn thiện góp phần thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI theo hướng nâng cao chất lượng nguồn vốn, khuyến khích các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, sản xuất các sản phẩm có khả năng cạnh tranh và tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, ưu tiên các dự án phát triển công nghệ phụ trợ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện năm 2015 theo giá hiện hành ước tính đạt 1367,2 nghìn tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2014 và bằng 32,6% GDP. Đầu tư trực tiếp của nước ngoài đạt nhiều kết quả tích cực. Từ đầu năm đến thời điểm 15/12/2015 đã thu hút 2013 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 15,58 tỷ USD, tăng 26,8% về số dự án. Đồng thời có 814 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước được cấp vốn bổ sung với 7,18 tỷ USD. Như vậy, tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 22,76 tỷ USD, tăng 12,5% so với năm 2014. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2015 ước tính đạt 14,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm trước.

Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm tăng trưởng khá. Tính đến thời điểm 18/12/2015, tăng trưởng tín dụng đạt 17,02% so với thời điểm cuối năm 2014, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2011; huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 13,49%; tổng phương tiện thanh toán tăng 13,6%. Thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại tiếp tục được cải thiện, đảm bảo khả năng thanh toán và chi trả của hệ thống, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô. Tỷ giá hối đoái bình quân của đồng Việt Nam so với đô la Mỹ giữ ổn định sau khi biến động mạnh vào giữa tháng 8/2015. Thị trường bảo hiểm năm 2015 có nhiều hoạt động hướng tới nâng cao chất lượng dịch vụ và sản phẩm. Trong năm, các doanh nghiệp bảo hiểm có nhiều cố gắng trong việc cung cấp ra thị trường những gói sản phẩm bảo hiểm mới cùng nhiều quyền lợi hấp dẫn thu hút khách hàng. Các cơ chế, chính sách trong hoạt động bảo hiểm cũng từng bước được hoàn thiện và phù hợp hơn với mọi đối tượng tham gia. Tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt mức tăng khá, ước tính tăng 12,6% so với năm 2014, trong đó doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng 15%; doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ tăng 10%. Ngoài ra, tổng số phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới ước tính đạt 7000 tỷ đồng, tăng 16,2%.

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thấp. CPI tháng 12 năm nay tăng 0,02% so với tháng trước; tăng 0,6% so với cùng kỳ năm 2014, bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,05%. CPI bình quân năm 2015 tăng 0,63% so với bình quân năm 2014. Mức tăng CPI tháng 12/2015 so với cùng kỳ năm 2014 và mức tăng CPI bình quân năm 2015 so với bình quân năm 2014 đều là mức thấp nhất trong 14 năm trở lại đây và thấp hơn nhiều so với mục tiêu CPI tăng 5%. Lạm phát cơ bản tháng 12/2015 tăng 0,11% so với tháng trước và tăng 1,69% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2015 tăng 2,05% so với năm trước…

Nhiều thách thức đặt ra

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, kinh tế nước ta vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi bước qua cánh cửa hội nhập đang mở ra ngày càng sâu rộng. Kinh tế thế giới vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế các nước, trong đó có Việt Nam vốn đang phụ thuộc rất nhiều vào bên ngoài. Giá dầu vẫn có xu hướng giảm và được dự báo giữ ở mức thấp trong trung hạn. Lạm phát tuy được kiềm chế và giữ ổn định ở mức thấp nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại do ảnh hưởng từ biến động khó lường của thị trường thế giới hoặc việc điều chỉnh tăng giá trong nước đối với một số mặt hàng, dịch vụ.

Trong bối cảnh hiện tại, khu vực đầu tư nước ngoài tăng nhanh đang đồng nghĩa với sự phát triển yếu của khu vực trong nước, trong đó khu vực Nhà nước vẫn tồn tại nhiều bất cập, lãng phí và kém hiệu quả; vai trò của khu vực tư nhân chưa đủ mạnh do sự trì trệ và thiếu tính chủ động, năng động và sáng tạo. Việc xử lý nợ xấu những năm qua tuy đạt được kết quả nhất định nhưng còn nhiều vướng mắc...

Tiến trình tái cơ cấu chậm làm cho chất lượng tăng trưởng thấp là nguy cơ gây ra rủi ro cho nền kinh tế trong thời gian tới. Xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng nhưng chưa bảo đảm chất lượng và thiếu tính bền vững dẫn đến cán cân thương mại chậm được cải thiện, không ổn định với tình trạng nhập siêu trở lại, nhất là nhập siêu của khu vực kinh tế trong nước hiện đang ở mức cao. Chất lượng nguồn nhân lực vẫn là điều lo ngại dẫn đến năng suất lao động thấp làm cho hiệu quả và sức cạnh tranh của toàn nền kinh tế bị hạn chế.

Và một số giải pháp

Mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng kinh tế nước ta có thuận lợi cơ bản là có niềm tin của người dân, của cộng đồng doanh nghiệp. Niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế vào Việt Nam đang tăng lên cùng với việc tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như Cộng đồng kinh tế ASEAN đang giúp cho Việt Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước phát triển nhanh, hướng tới tham gia vào chuỗi cung ứng mang tính toàn cầu đối với một số sản phẩm công nghệ cao.

Nhìn chung, triển vọng của kinh tế nước ta trong những năm tới có nhiều yếu tố tích cực nhưng các ngành, các cấp và các địa phương phải nhận thức đúng và đủ những khó khăn, thách thức trên chặng đường phía trước để kịp thời có giải pháp khắc phục vượt qua, đồng thời chủ động tận dụng cơ hội nhằm thực hiện tốt nhất mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, tạo đà phát triển mạnh cho những năm tiếp theo, tập trung vào những công việc trọng tâm sau đây:

Một là, tiếp tục kiểm soát lạm phát để chủ động phòng ngừa và hạn chế những bất ổn của thị trường thế giới tác động tiêu cực đến thị trường trong nước, đồng thời tránh không để xảy ra tình trạng điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng, dịch vụ gây cú sốc lên lạm phát. Thực hiện rà soát, hoàn thiện thể chế, chính sách để chủ động hội nhập và hội nhập có hiệu quả với nền kinh tế thế giới. Kịp thời tuyên truyền, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận thông tin đầy đủ về Hiệp định TPP.

Khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để sẵn sàng tham gia thị trường cạnh tranh toàn cầu trên mọi mặt: Trình độ quản lý, chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật hàng hóa xuất nhập khẩu, thương hiệu sản phẩm... Phát triển mạnh thị trường nội địa với nhiều loại sản phẩm được sản xuất trong nước đi đôi với đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Nhanh chóng phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, gồm cả ngành sản xuất sản phẩm phải nhập khẩu hiện nay và ngành sản xuất sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng cao để giảm áp lực nhập khẩu yếu tố đầu vào, góp phần kiểm soát tình trạng nhập siêu, tiến tới giữ và ổn định cán cân thương mại ở mức hợp lý.

Hai là, các doanh nghiệp trong nước, gồm cả doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ và vừa cần xác định rõ việc Việt Nam tham gia TPP không chỉ đối mặt với thách thức mà còn là cơ hội lớn để giới thiệu, quảng bá và khẳng định sản phẩm của mình ra thị trường thế giới. Trong thời gian tới, xu hướng dòng vốn nước ngoài đổ vào thị trường Việt Nam sẽ tăng mạnh, vì vậy các doanh nghiệp trong nước phải chủ động và tích cực khai thác thông tin và tìm kiếm đối tác để có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất, kinh doanh toàn cầu; đồng thời trang bị kiến thức cần thiết trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và gay gắt hiện nay. Bên cạnh đó, cộng đồng doanh nghiệp cần tập trung nghiên cứu hướng tới hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp để nâng cao trình độ chuyên môn hóa trong quy trình sản xuất sản phẩm cùng ngành nhằm tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động, bảo đảm cạnh tranh bền vững.

Ba là, một trong những yếu tố quan trọng bảo đảm cho sản xuất nông nghiệp đứng vững khi tham gia cạnh tranh với các nước trong giai đoạn hội nhập là xây dựng định hướng cụ thể về thị trường đầu ra trên cơ sở đẩy mạnh mô hình sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa kinh tế hộ gia đình và doanh nghiệp, tạo ra sản phẩm nông sản sạch theo các hợp đồng bao tiêu ổn định và có tính pháp lý cao. Đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn phải theo hướng tập trung có kế hoạch, quy hoạnh cụ thể và đồng bộ mang tính chiến lược về tài chính, đất đai và công nghệ, tránh tình trạng dàn trải, manh mún, bột phát theo phong trào.

Để cải thiện việc tiêu thụ nông sản, bên cạnh việc làm tốt công tác xây dựng chiến lược từ khâu lựa chọn cây, con đến khâu sản xuất thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông tin về thị hiếu thị trường, giá cả sản phẩm cũng như thông tin về các chính sách đến tận người nông dân để sản phẩm được tiêu thụ hiệu quả hơn, tránh tình trạng ứ đọng như hiện nay. Tăng cường xuất khẩu nông sản đã qua chế biến, áp dụng và đổi mới công nghệ trong nuôi trồng, chế biến để tăng năng suất và nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh đối với những mặt hàng nông sản xuất khẩu./.

 Đặng Hiếu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực