30 điểm cầu trong nước và quốc tế xúc tiến tiêu thụ vải thiều tỉnh Bắc Giang

Thứ ba, 08/06/2021 22:07
(ĐCSVN) - Bắc Giang được biết đến là vùng trồng cây ăn quả tập trung lớn nhất miền Bắc, tổng diện tích gần 50 nghìn ha. Đặc biệt, được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng có nhiều lợi thế phát triển kinh tế nông nghiệp, với nhiều sản phẩm được thị trường trong và ngoài nước biết đến, tiêu biểu là vải thiều.
 Khai mạc Hội nghị trực tuyến Xúc tiến tiêu thụ vải thiều tỉnh Bắc Giang năm 2021.

Nhằm xúc tiến tiêu thụ vải tại địa phương, ngày 8/6, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bắc Giang, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến Xúc tiến tiêu thụ vải thiều tỉnh Bắc Giang năm 2021.

Ngoài ra còn có 22 điểm cầu tại các tỉnh, thành phố trong cả nước và 8 điểm cầu tại các nước: Nhật Bản, Úc, Singapore, Trung Quốc.

Vải thiều Bắc Giang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia

Báo cáo tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn cho biết, năm 2021, trước bối cảnh chung của đại dịch COVID-19, Bắc Giang đã quản lý chặt chẽ các đối tượng F0 (chỉ có trong các khu công nghiệp) không để lây ra cộng đồng. Là vùng nổi tiếng trồng vải, trái vải thiều Bắc Giang chất lượng cao nhất từ trước đến nay, có hương vị thơm ngon, chất lượng vượt trội: Quả to, vỏ đỏ, hạt nhỏ, cùi dày” là những đặc trưng riêng, làm nên thương hiệu vải thiều nổi tiếng trong và ngoài nước...

Đến nay, quả vải thiều của tỉnh Bắc Giang đang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia (Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Singapore, Lào, Campuchia). Đặc biệt, tháng 3/2021 vải thiều Lục Ngạn – Bắc Giang đã trở thành sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản, đã mở đường cho việc thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý vải thiều tại các quốc gia khác; đồng thời, là "giấy thông hành" để vải thiều Lục Ngạn – Bắc Giang xuất khẩu vào các thị trường lớn, tiềm năng khác.

Tỉnh Bắc Giang đang bước vào những ngày đầu của vụ thu hoạch vải thiều năm 2021 và khẳng định: Chất lượng vải thiều tỉnh Bắc Giang tốt nhất từ trước đến nay, an toàn thực phẩm, không COVID-19. Đến nay, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã chủ động, sẵn sàng chuẩn bị các phương án, kịch bản tiêu thụ vải thiều; tỉnh Bắc Giang tái cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người trồng vải, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều; chỉ đạo cung cấp các dịch vụ hậu cần tốt nhất: công tác phòng chống dịch COVID-19, nguồn vốn, nguồn điện, thùng xốp, đá cây, vệ sinh môi trường, chuẩn bị kho, bãi tập kết phương tiện vận tải, các điểm cân, mua vải thiều tập trung, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và các dịch vụ khác...

Ông Lê Ánh Dương, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, là vùng vải thiều tập trung lớn nhất cả nước, với cách làm sáng tạo, chủ động, hàng năm, vải thiều Bắc Giang đều có mặt ở trên 30 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Năm nay, khi dịch COVID-19 bùng phát, để ứng phó trong bối cảnh này, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng các kịch bản thu hoạch và tiêu thụ vải thiều năm 2021.

Năm 2021, trước những khó khăn của dịch bệnh COVID-19 đối với kinh tế và xã hội, đặc biệt là đợt bùng phát lần thứ 4, tỉnh Bắc Giang đã được sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và chủ động phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố trong nước và nước ngoài để vừa triển khai phòng chống dịch vừa tập trung chỉ đạo sản xuất, tháo gỡ khó khăn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung và sản xuất, tiêu thụ vải thiều nói riêng, nhờ đó tình hình dịch bệnh sớm được khống chế, người dân cảm thấy yên tâm.

Trước thực tế yêu cầu ngày càng khó tính của thị trường, tại Hội nghị, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ tỉnh Bắc Giang kết nối với các doanh nghiệp có kinh nghiệm xuất khẩu nông sản; hỗ trợ tiêu thụ vải thiều trên các sàn thương mại điện tử; chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố phối hợp với tỉnh Bắc Giang tiêu thụ vải thiều; chỉ đạo các cục, vụ, Thương vụ của Việt Nam tại Quảng Tây và Vân Nam, tại Nhật Bản, Úc, Singapore và các nước trên thế giới hỗ trợ tỉnh Bắc Giang kết nối, tiêu thụ vải thiều.

Ngoài ra, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Giang cũng đề nghị Đại sứ quán Trung Quốc, Tham tán Công sứ phụ trách kinh tế - thương mại Trung Quốc tại Việt Nam và Sở Thương mại tỉnh Quảng Tây, Vân Nam cùng chính quyền và các cơ quan chức năng thị xã Bằng Tường, huyện Hà Khẩu - Trung Quốc phát huy truyền thống quan hệ thương mại tốt đẹp với tỉnh Bắc Giang trong những năm qua, tăng cường kết nối giao thương, giới thiệu, tạo điều kiện cho các daonh nghiệp, thương nhân có kinh nghiệm, uy tín sang ký kết, thu mua, tiêu thụ vải thiều tại tỉnh Bắc Giang.

Vải thiều Bắc Giang được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia 

Tỉnh Bắc Giang cam kết sẽ chỉ đạo quyết liệt, hết sức cụ thể từng nhóm vấn đề các đại biểu quan tâm với phương châm là tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho công tác tiêu thụ vải thiều; phát huy tối đa các kênh phân phối truyền thống với các bạn hàng trong và ngoài nước. Đồng thời sẽ triển khai kênh phân phối thương mại điện tử và linh hoạt phương pháp giao nhận hàng để bảo đảm phòng, chống dịch.

An toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và an toàn dịch bệnh

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chúc mừng và đánh giá cao cách làm của tỉnh Bắc Giang trong việc tổ chức Hội nghị trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh với những cách làm năng động, sáng tạo và triển khai các giải pháp hết sức quyết liệt.

Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, thương mại điện tử là phương thức kinh doanh mới, hiện đại, dựa trên nền tảng công nghệ. Nhờ có công nghệ mà các nhà cung cấp sản phẩm, dịch vụ đã được tiếp cận trực tiếp, nhanh chóng nhất với người tiêu dùng, đồng thời giúp cả hai bên tiết giảm tối đa chi phí, thời gian, vật chất và nâng cao độ tin cậy, chính xác rất cao trong quá trình giao thương. Chính vì thế thương mại điện tử đã và đang trở thành phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Phương thức này càng trở nên tiện ích và thể hiện ưu thế vượt trội khi đại dịch COVID-19 đang bùng phát trên phạm vi toàn cầu khiến việc đi lại, gặp gỡ trực tiếp là hết sức khó khăn. Việc Bắc Giang cũng như một số địa phương khác của Việt Nam có những sản phẩm nông sản đặc trưng đã chủ động phối hợp với cơ quan chức năng như Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học Công nghệ và các bộ, ngành khác áp dụng phương thức kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới là một hướng đi đúng, cách tiếp cận và giải quyết vấn đề rất sáng tạo, phù hợp và hiệu quả trong bối cảnh COVID-19 bùng phát cục bộ ở một vài nơi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị lãnh đạo các Bộ, ngành, các cơ quan chức năng của Việt Nam; các tỉnh, thành phố, các tổ chức thương mại; các doanh nhân, thương nhân của Việt Nam; các cơ quan Ngoại giao và Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài; các Đại sứ quán, các cơ quan Ngoại giao, các tổ chức, các cơ quan chức năng, các Tổ chức thương mại, Hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân và thương nhân của các quốc gia, vùng lãnh thổ là đối tác thương mại của Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bắc Giang và các địa phương của Việt Nam, phối hợp chặt chẽ với nhau ở cả cấp kỹ thuật và lãnh đạo để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa và tạo luồng xanh cho trái vải thiều được thông quan thuận lợi qua các cửa khẩu.

Tại Hội nghị cũng đã diễn ra Lễ Công bố và trao văn bằng Chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn tại Nhật Bản, Lễ Khai trương “Gian hàng vải thiều trên Sàn Alibaba.com và các Sàn Thương mại điện tử” và Lễ xuất hành Đoàn xe vải thiều tiêu thụ tại thị trường trong nước và quốc tế (tại điểm cầu tỉnh Bắc Giang)... Những sự kiện quan trọng này góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho vải thiều của tỉnh Bắc Giang được thông quan thuận lợi, đưa vải thiều tiêu thụ trên các trang thương mại điện tử và tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị lớn, chợ đầu mối lớn trong nước.

Tin, ảnh: K.D

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực