Luật gồm 5 chương, 22 điều quy định về đối tượng chịu thuế, người nộp thuế, căn cứ tính thuế, thời điểm tính thuế, biểu thuế; thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, thuế tự vệ áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Để thống nhất với một số luật hiện hành, đồng thời khắc phục vướng mắc trong quá trình thực hiện, Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu đã sửa đổi một số nội dung về phạm vi và đối tượng điều chỉnh, bổ sung thêm và quy định rõ hơn về đối tượng chịu thuế, người nộp thuế... nhằm phù hợp với công tác quản lý thuế hiện nay.
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi). (Ảnh: TH).
Theo quy định của Luật, đối tượng chịu thuế là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam; hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước; hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại chỗ và hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của doanh nghiệp thực hiện quyền xuất khẩu, quyền nhập khẩu, quyền phân phối.
Về thời hạn nộp thuế, luật quy định, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế phải nộp thuế trước khi thông quan hoặc giải phóng hàng hóa theo quy định của Luật Hải quan, trừ trường hợp người nộp thuế được áp dụng chế độ ưu tiên theo quy định của Luật Hải quan được thực hiện nộp thuế cho các tờ khai hải quan đã thông quan hoặc giải phóng hàng hóa trong tháng chậm nhất vào ngày thứ 10 của tháng kế tiếp. Quá thời hạn này mà người nộp thuế chưa nộp thuế thì phải nộp đủ số tiền nợ thuế và tiền chậm nộp theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Luật cũng nêu rõ, đối với Dự án đang được hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có mức ưu đãi cao hơn mức ưu đãi quy định tại Luật này thì tiếp tục thực hiện theo mức ưu đãi đó cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án; trường hợp mức ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu thấp hơn mức ưu đãi hoặc chưa được hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu quy định tại Luật này thì được hưởng mức ưu đãi theo quy định của Luật này cho thời gian hưởng ưu đãi còn lại của dự án. Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu nhưng chưa xuất khẩu sản phẩm; hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất nhưng chưa tái xuất thuộc các tờ khai đăng ký với cơ quan hải quan trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành, chưa nộp thuế thì được áp dụng theo quy định của Luật này.
Để thống nhất với Luật Quản lý thuế, dự thảo luật sửa khái niệm “đối tượng nộp thuế” thành “người nộp thuế”; đồng thời quy định chi tiết về các tổ chức, cá nhân là người nộp thuế, cụ thể đó là: Chủ hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; Tổ chức nhận ủy thác xuất khẩu, nhập khẩu; Cá nhân có hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu khi xuất cảnh, nhập cảnh, gửi hoặc nhận hàng hoá qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam…
Dự thảo Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu còn dành một chương quy định về các loại thuế phòng vệ thương mại (thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp, tự vệ). Đây là điểm mới, có ý nghĩa rất quan trọng trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu, rộng với nền kinh tế khu vực và thế giới.
Đây là một trong nhiều biện pháp bảo vệ sản xuất trong nước, khi bị ảnh hưởng bởi hoạt động bán phá giá, trợ cấp của các nhà xuất khẩu nước ngoài vào thị trường Việt Nam.
Trình bày Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết: Có ý kiến đề nghị, cân nhắc việc áp dụng thuế phòng vệ như là hình thức xây dựng hàng rào thuế quan nhằm ngăn cản hàng nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước, vì có thể gây biến động thị trường và ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Có ý kiến đề nghị giao thẩm quyền quyết định mức thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và thuế tự vệ cho Chính phủ thay vì giao cho Bộ Công thương. UBTVQH xin giải trình như sau:
Việc áp dụng các loại thuế phòng vệ thương mại không nhằm mục đích ngăn cản hàng hóa nhập khẩu mà nhằm xử lý đối với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các nhà xuất khẩu nước ngoài gây ảnh hưởng đến thị trường trong nước. Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, theo thông lệ quốc tế, các nước trên thế giới đều áp dụng các loại thuế phòng vệ thương mại và giao cơ quan quản lý Nhà nước về thương mại và cạnh tranh (tương tự như Bộ Công thương) có trách nhiệm trong việc điều tra và quyết định mức thuế phòng vệ thương mại để bảo đảm kịp thời ban hành các biện pháp nhằm ngăn chặn các tác động tiêu cực do hành vi cạnh tranh không lành mạnh của các nhà xuất khẩu nước ngoài, góp phần ổn định thị trường và bảo vệ sản xuất kinh doanh trong nước.
Do vậy, UBTVQH xin Quốc hội cho phép giữ quy định giao thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại cho Bộ Công thương như Dự thảo luật. Tuy nhiên, trong thời gian qua, khi áp dụng thuế chống bán phá giá, có một số trường hợp lợi dụng việc áp dụng các loại thuế này để đầu cơ và có các hành vi không lành mạnh làm biến động thị trường, tăng giá hàng hóa. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Chính phủ căn cứ vào tình hình thực tế, chỉ đạo các bộ ngành liên quan như Bộ Công thương, Bộ Tài chính tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kịp thời có các biện pháp đồng bộ, công khai, minh bạch để xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng để làm tăng giá cả hàng hóa khi áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, ảnh hưởng đến người tiêu dùng./.