Áp dụng công nghệ cao chuyển khó khăn thành cơ hội phát triển

Thứ tư, 08/09/2021 16:19
(ĐCSVN) - Ðể khoa học và công nghệ luôn được coi là giải pháp then chốt, thúc đẩy năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả trong phát triển kinh tế địa phương, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số và miền núi, cần thêm các chính sách mang tính đột phá, các chính sách ưu đãi đặc thù cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi để chuyển khó khăn thành cơ hội, tạo ra sự đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường.

Trong thực tế, Chương trình Nông thôn miền núi và ngân sách bố trí hằng năm mới đáp ứng được một phần thực tế, nên các địa phương còn gặp rất nhiều khó khăn.

 Nâng cao hiệu quả sản xuất, năng suất lao động và thu nhập cho nông dân khu vực miền núi (Ảnh: PV)

Theo các chuyên gia và các nhà quản lý, hoạt động ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp, ở khu vực miền núi chưa thật sự tương xứng với tiềm năng. Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ cho thấy, số lượng dự án phê duyệt phụ thuộc vào mục tiêu, nội dung của Chương trình Nông thôn miền núi và tình hình ngân sách, nên chỉ đáp ứng được một số lượng nhất định đề xuất dự án từ địa phương.

Do đó, để Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ nông thôn miền núi giai đoạn 2021-2025 được thực hiện hiệu quả, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Hoàng Giang cho rằng, các Sở Khoa học và Công nghệ cần tăng cường hơn nữa vai trò tham mưu cho Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trong việc đề xuất dự án để bảo đảm lựa chọn trúng các vấn đề cấp thiết tại địa phương, lựa chọn đúng đơn vị có năng lực thực hiện dự án.

Đặc biệt, xây dựng dự án phải chủ động từ khâu sản xuất giống, vùng nguyên liệu, chế biến ra sản phẩm cuối cùng và phải gắn với thị trường tiêu thụ nhằm ổn định sản xuất. Các mô hình phải phát huy tối đa các lĩnh vực là thế mạnh của các địa phương.

Bên cạnh đó, để hoạt động khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển các sản phẩm hàng hóa theo chuỗi liên kết gắn với thị trường, góp phần tạo bước đột phá trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và môi trường vùng dân tộc thiểu số và miền núi, thời gian tới, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành xây dựng, điều chỉnh các chính sách để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 88/2019/QH14 "Tăng cường nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ; xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để phục vụ công tác dự báo, hoạch định, quản lý thực hiện chính sách dân tộc" và Nghị quyết số 12/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp ứng dụng khoa học và công nghệ trong thực hiện các dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.

Ðối với các địa phương, lựa chọn các giải pháp đột phá dựa trên những tiềm năng, lợi thế của mình, đầu tư phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ để chuyển khó khăn thành cơ hội, chú trọng đổi mới phương thức xây dựng mô hình trình diễn; nâng cao năng lực cho người dân, tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã và doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

Hiện, các địa phương đều sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, trong đó khuyến khích liên kết giữa người dân và doanh nghiệp, vừa bao tiêu được sản phẩm đầu ra, tạo ra được vùng nguyên liệu hàng hóa và quan trọng hơn là mối liên kết đó bền vững hơn.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, trong mối liên kết chặt chẽ giữa 4 nhà (nhà quản lý-nhà khoa học-nhà doanh nghiệp-nhà nông) thì doanh nghiệp là chủ thể quan trọng thúc đẩy thành công ứng dụng khoa học và công nghệ, tiếp cận các công nghệ mới, lập kế hoạch sản xuất, mô hình tổ chức kinh doanh, đến đầu tư cơ sở hạ tầng và huy động vốn, đầu mối thu mua, chế biến, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, các địa phương khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của địa phương, trước hết là hướng dẫn người dân từng bước thay đổi nhận thức, tiếp tục thâm canh tăng vụ, nâng cao hệ số sử dụng đất và giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp. Ðây cũng là cách nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa… Ðiều này đòi hỏi sự vào cuộc và gắn kết chặt chẽ giữa chính quyền địa phương và các tổ chức xã hội như hội nông dân, hội phụ nữ, đoàn thanh niên… trên địa bàn để biến khó khăn thành cơ hội.

 

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực