Áp lực tăng giá lớn nhưng lạm phát vẫn trong tầm kiểm soát

Thứ ba, 05/07/2022 20:46
(ĐCSVN) - Nửa cuối năm 2022, rủi ro lạm phát trên thế giới tăng cao sẽ có tác động gián tiếp tới nước ta. Tuy nhiên, cũng có những yếu tố giảm áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát như: Các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế hiện nay cũng góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá trong đó với các chính sách về miễn, giảm thuế, lệ phí sẽ góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.
Hình ảnh tại hội thảo.

Ngày 5/7 tại Hà Nội , Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý Giá, Bộ Tài chính tổ chức hội thảo "Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2022”.

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính cho biết: Tổng cục Thống kê đã công bố chỉ số giá tiêu dùng CPI trong 6 tháng đầu năm 2022 đã tăng trung bình 2,44% so với cùng kỳ năm 2021. Với mức lạm phát hiện nay, dư địa kiểm soát lạm phát trung bình dưới 4% trong năm nay còn khá lớn.

TS Ngô Trí Long phân tích, để chủ động ứng phó với những thách thức trước áp lực lạm phát gia tăng, trong thời gian qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp bình ổn giá, hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội. Các chính sách được ban hành kịp thời giúp ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân, giảm áp lực đáng kể lên mặt bằng giá như: giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 01/02/2022; giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022; giảm mức thu 37 khoản phí, lệ phí trong 6 tháng đầu năm 2022; giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu từ ngày 01/4/2022...

Dưới góc độ quản lý, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, Quỹ Tiền tệ quốc tế đã nâng dự báo lạm phát toàn cầu năm 2022 lên mức 5,7% ở các nền kinh tế phát triển và 8,7% ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển. Áp lực lạm phát tăng cao tại các nền kinh tế lớn và là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như CPI Mỹ tháng 5/2022 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021 tiếp tục ở mức cao nhất trong vòng 40 năm qua, CPI của Khu vực đồng Euro tháng 5/2022 tăng 8,1% gấp 4 lần so với lạm phát mục tiêu 2% của Ngân hàng trung ương châu Âu. Tại châu Á, CPI tháng 5/2022 so với cùng kỳ năm trước của một số nước như Hàn Quốc tăng 5,4%, Thái Lan tăng 7,1%, Indonesia tăng 3,55%...

Cục Quản lý Giá cho rằng, ở Việt Nam, CPI tăng chủ yếu do ảnh hưởng từ giá xăng dầu.Về cơ bản, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong nước vẫn dồi dào đã góp phần quan trọng trong kiểm soát mặt bằng giá thời gian qua.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, 6 tháng cuối năm, giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu còn đứng ở mức cao và có khả năng tăng thêm, dẫn đến chi phí sản xuất hàng hóa sẽ tăng theo và gây áp lực làm tăng giá của hầu hết các hàng hóa trên thị trường.

PGS, TS Nguyễn Bá Minh, Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính dự báo 6 tháng cuối năm 2022, thị trường giá cả ở Việt Nam có nhiều nhân tố làm tăng chỉ số tiêu dùng (CPI) như giá nhiều loại nguyên liệu, nhiên vật liệu, đặc biệt là giá xăng dầu, khí đốt, phân bón trên thị trường thế giới còn đứng ở mức cao và có khả năng tăng thêm. Điều này sẽ dẫn đến chi phí sản xuất hàng hóa sẽ tăng theo và gây áp lực làm tăng giá của hầu hết các hàng hóa trên thị trường.

Bên cạnh đó, tình hình thiên tai, dịch bệnh ở nước ta vẫn còn những diễn biến phức tạp, dịch COVID-19, dịch sốt xuất huyết, hạn hán, xâm nhập mặn, nắng nóng hay bão lũ cực đoan… sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động sản xuất nông nghiệp, cung cầu hàng hóa trên thị trường và đời sống sinh hoạt của nhân dân.

Tuy nhiên, PGS, TS Nguyễn Bá Minh cho rằng vẫn có những nguyên nhân kiềm chế tốc độ tăng CPI như sản xuất nông nghiệp Việt Nam thời gian qua phát triển khá tốt  với nhiều tín hiệu khả quan cho thấy cung cầu nông sản (thịt lợn, lúa gạo, rau quả…) những tháng cuối năm sẽ không căng thẳn, giúp cho giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm không bị tăng đột biến.

PGS, TS Nguyễn Bá Minh đưa ra dự báo CPI của Việt Nam bình quân năm 2022 so với năm 2021 sẽ tăng ở mức 3,3% - 3,9%.

Về công tác điều hành giá nửa cuối năm 2022, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, sẽ có nhiều yếu tố tác động có thể gia tăng áp lực lên công tác kiểm soát lạm phát. Rủi ro lạm phát trên thế giới vẫn tăng cao sẽ có tác động gián tiếp tới nước ta. Giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới và nhu cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước khi kinh tế phục hồi như xăng dầu, gas vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ du lịch… Chi phí vận tải, logistics tăng do chuỗi cung ứng đứt gãy chưa hoàn toàn hồi phục; cùng với đó là chi phí nguyên nhiên vật liệu tăng cao...

Ở chiều ngược lại, cũng có những yếu tố giảm áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát như: Các chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế hiện nay cũng góp phần làm giảm áp lực lên mặt bằng giá trong đó với các chính sách về miễn, giảm thuế, lệ phí sẽ góp phần quan trọng trong việc bình ổn giá, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. 

Cục Quản lý giá cho rằng, hiện tại đối với các hàng hóa, dịch vụ do nhà nước định giá trước mắt cần tính toán kỹ phương án, đánh giá tác động đến mặt bằng giá, mục tiêu kiểm soát lạm phát để có phương án điều hành cụ thể.

Các bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố thực hiện quản lý nhà nước các mặt hàng theo thẩm quyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, có các biện pháp bình ổn giá phù hợp; chủ động kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực