Ba mũi giáp công cho hàng Việt

Thứ hai, 04/01/2010 17:10
Muốn người Việt ưu tiên dùng hàng Việt thì trước tiên hàng Việt phải đảm bảo chất lượng, mẫu mã đa dạng và giá cả phù hợp. Không thể bắt người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng rởm, xấu, giá cao.

Đây là yêu cầu đầu tiên để cuộc vận động của Bộ Chính trị đạt được thành công. Đó là nhận định của TS. Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước (Bộ Công thương) đưa ra trong cuộc trao đổi với phóng viên báo chí.

* PV: Với sự “vào cuộc” như thế, theo ông, bước đầu đã đạt được kỳ vọng của Bộ Chính trị trước yêu cầu đưa nền kinh tế đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, đồng thời giải quyết tốt an sinh xã hội hay chưa?

Những hoạt động như thế rất cần thiết, nhưng đó mới chỉ là bước đầu. Tôi cho rằng, cuộc vận động này phải tiếp tục theo 3 hướng giáp công: Thứ nhất, phải vận động khối doanh nghiệp sản xuất đưa ra thị trường những mặt hàng Việt thực sự có sức cạnh tranh, chất lượng bảo đảm, mẫu mã đẹp, phong phú, đặc biệt giá cả phải hợp lý, phù hợp với thị hiếu, tập quán tiêu dùng của người dân. Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam thì hàng Việt phải ở ngưỡng nào đó chứ không phải ưu tiên dùng hàng rởm, xấu, chất lượng kém. Đó là tiền đề vật chất, là cơ sở kinh tế rất quan trọng của cuộc vận động;

Muốn người Việt ưu tiên dùng hàng Việt thì trước tiên hàng Việt phải đảm bảo chất lượng, mẫu mã đa dạng và giá cả phù hợp

Thứ hai, các nhà phân phối cũng phải đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ. Hàng tốt mà phân phối không tốt thì chưa chắc đã tới được tay người tiêu dùng. Muốn vậy phải có mạng lưới rộng, có thể bám sát thị trường, người tiêu dùng. Tiếp đến, phải có phương thức phân phối phù hợp, đa dạng, năng động, linh hoạt tùy theo đặc điểm tiêu dùng của các địa bàn, các tầng lớp tiêu dùng. Ngoài ra, còn phải có các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng cáo, khuyến mại, thưởng, hạ giá…;

Thứ ba là về phía người tiêu dùng phải chú ý tới 2 khía cạnh: Phải nâng cao ý thức, niềm tin và kể cả tấm lòng của họ đối với hàng Việt; đồng thời phải có một thái độ đối với hàng Việt, tức là phải phản ứng được với hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái, vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Cuộc vận động không chỉ nhằm thúc đẩy, tiêu thụ hàng tồn kho mà về lâu dài là để nâng cao sức cạnh tranh của hàng Việt, nâng cao sức cạnh tranh của nhà phân phối, đồng thời nâng cao vị thế của người tiêu dùng.

* PV: Trước khi có cuộc vận động này, chúng ta đã khởi động chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn”. Tại các phiên chợ, tình trạng “cháy hàng” luôn xảy ra nhưng lại có một thực tế, nhiều người dân đến mua hàng phản ánh là không có hàng Việt Nam chất lượng cao để mua dù họ có tiền. Vậy, ông nhìn nhận gì về những phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn?

Việc tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về bán ở vùng nông thôn, các khu công nghiệp, đô thị mới bước đầu đã mang lại kết quả thiết thực, tích cực. Đến nay, chúng ta đã tổ chức được 14 - 15 đợt bán hàng như vậy, doanh số đạt được rất cao. Như đợt đưa hàng về Bắc Giang chẳng hạn, doanh số bán được còn gấp đôi doanh số của 1 siêu thị trung bình. Điều này phản ánh rõ phân phối hiện là một mảng yếu. Hiện nay, phần lớn các siêu thị đều mở ở các đô thị, thành phố, ra tới ngoại ô là khác rồi chứ chưa nói tới vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Ngay kể cả ở những khu công nghiệp tập trung hàng vạn công nhân, mạng lưới phân phối chưa có gì cả, chủ yếu thông qua các chợ cóc, chợ tạm. Công nhân tan ca phần nhiều mua hàng ở đó. Vì thế, tôi rất ủng hộ việc tổ chức các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn.

Tuy nhiên, những đợt bán hàng đó cần phối hợp tốt với sở công thương của các địa phương để kiểm tra, kiểm soát chất lượng nguồn hàng, hàng phải có nguồn gốc xuất xứ và doanh nghiệp có tên tuổi, chứ không thể để len lỏi vào đấy hàng giả, hàng nhái, thậm chí cả những hàng không đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, dù kết quả đạt được từ hơn 10 đợt bán hàng là rất tích cực, nhưng so với yêu cầu còn hạn chế. Trong chương trình xúc tiến thương mại trong nước, chúng tôi đang tiếp tục đẩy mạnh hoạt động này và xem đó là hoạt động lớn.

*PV:  Hưởng ứng cuộc vận động này, Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Tập đoàn Dệt may và một số các cơ quan khác đã có một phương thức khuyến khích người tiêu dùng rất hay, đó là trích 2.500 đồng/1.000.000 đồng doanh thu nội địa cho Quỹ Hỗ trợ đồng bào vùng biển đảo. Ông đánh giá gì về cách thức lồng ghép nói trên để khuyến khích tiêu dùng hàng Việt?

Tôi cho đó là việc làm đáng hoan nghênh, rất tốt, thậm chí còn có ý nghĩa về mặt chính trị. Nhưng cần làm thế nào đó để việc lồng ghép này kích thích được người tiêu dùng quan tâm tới hàng Việt và sẵn sàng bỏ tiền ra chi tiêu.

*PV:  Ông có nhận được thông tin phản hồi về kết quả lồng ghép này không?

Đơn vị nói là tốt và người tiêu dùng cũng ủng hộ sự lồng ghép đó miễn sao phải minh bạch để họ thấy được quyền lợi, ý nghĩa của những việc mình làm ở trong đó. Người ta mua hàng không chỉ để thỏa mãn nhu cầu cá nhân của họ mà còn đóng góp một phần vào ý nghĩa mà người bán hàng tạo ra. Người tiêu dùng sợ nhất là sự tù mù, nói là ủng hộ bão lụt nhưng không biết có ủng hộ hay không. Tôi cho rằng, phải làm rõ ràng, minh bạch để người tiêu dùng thấy rằng, thực sự đó là nghệ thuật bán hàng nhưng người ta không bị đánh lừa.

*PV: Có ý kiến lo ngại rằng, sự lấn lướt của hàng ngoại với hàng nội sẽ làm giảm đi hiệu quả của cuộc vận động, nhất là khi chúng ta mở cửa thị trường bán lẻ, nhiều mặt hàng chất lượng tốt, giá phải chăng, mẫu mã đẹp của nước ngoài sẽ tràn vào. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?

Phàm là con người ai chẳng thích lạ, mới, đẹp. Công bằng mà nói không phải tất cả các mặt hàng nhưng nhìn chung hàng hóa nước ngoài vẫn hơn chúng ta về mẫu mã, chất lượng mà giá cả lại phù hợp. Tất nhiên, những hàng có thương hiệu thì rất đắt, nhưng nó lại phù hợp với một bộ phận người tiêu dùng. Đây là vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp nước ta phải phấn đấu để nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa.

Hiện nay, cái hấp dẫn nhất đối với người tiêu dùng Việt Nam vẫn là giá cả, sau đó mới đến chất lượng, mẫu mã. Bởi thu nhập của người dân Việt Nam chưa đủ ngưỡng để sẵn sàng chọn hàng tốt, giá cao. Thực tế, hàng giá rẻ của Trung Quốc đã “đánh” vào người tiêu dùng có thu nhập thấp, mà người Việt Nam lại đa phần có thu nhập thấp. Mặc dù biết là hàng không đẹp, không bền, nhưng người ta vẫn chọn. Vì thế, muốn người tiêu dùng mặn mà, ưu tiên, hăng hái dùng hàng Việt thì hàng Việt phải tốt lên, trước hết là giá cả phải phù hợp, rồi mới đến chất lượng bảo đảm, tiếp đến là mẫu mã phong phú, đa dạng.

*PV:  Xin cảm ơn ông./.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực