Ba năm và bài học về “cuộc chơi” chung

Thứ hai, 04/01/2010 17:10
Chỉ còn vài ngày nữa là kỷ niệm 3 năm Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Sau 3 năm, bài học về “cuộc chơi” chung là không hội nhập, thì không thể phát triển.

Hội nhập vì mục đích phát triển

Sau nhiều năm nghiên cứu về công tác hội nhập, TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận xét, bài học lớn nhất mà Việt Nam rút ra được sau 3 năm gia nhập WTO chính là “hội nhập không phải do mục đích tự thân, mà vì mục đích để phát triển”.

“Muốn phát triển, sự tương tác giữa hội nhập và cải cách trong nước là rất quan trọng. Hội nhập là nhằm thúc đẩy cải cách trong nước. Cải cách bắt đầu từ khâu thể chế, pháp lý, tổ chức bộ máy và cách ra quyết định chính sách, thực thi chính sách và minh bạch thông tin. Đây là vấn đề lớn nhất mà chúng ta thấy được sau 3 năm gia nhập WTO”, TS. Thành bình luận và nhận xét, chưa bao giờ Việt Nam hoàn thiện được khối lượng đồ sộ khung pháp lý như giai đoạn vừa qua.

“Cái được nữa là quá trình ban hành chính sách đã được cải thiện trong hai, ba năm qua. Điều này được hiểu theo nghĩa, ban hành chính sách đã tập hợp được tiếng nói của các tầng lớp khác nhau, từ cơ quan thực thi, những người nghiên cứu đến những nhà giám sát, cơ quan truyền thông...”,  TS. Thành bổ sung.

Tại Hội nghị tổng kết công tác hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2008-2009 vừa tổ chức tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công thương, Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế Nguyễn Cẩm Tú cho biết, sau 3 năm gia nhập WTO, Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể.

Các lĩnh vực công tác tuyên truyền hội nhập, xây dựng pháp luật thể chế, xây dựng đồng bộ các yếu tố kinh tế thị trường, đổi mới nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải cách hành chính... trong thời gian qua đã có nhiều bước chuyển.

Nhìn một cách rộng hơn, TS. Thành cho rằng: “Thành tựu lớn nhất mà Việt Nam đạt được trong 3 năm qua, đứng về góc độ tư duy chính sách, chúng ta hiểu rằng, nếu không có hội nhập, thì không có phát triển. Bài học này sẽ giúp chúng ta lựa chọn cách “ứng xử” phù hợp hơn với cải cách trong nước, bởi hội nhập mới là điều kiện cần”.

Những khiếm khuyết cần được lấp đầy

TS. Thành bình luận rằng, quá trình ban hành chính sách đã minh bạch hơn. “Nhưng vấn đề khó tiên liệu và ‘giật cục’ của chính sách thì vẫn còn. Đây chính là điểm yếu của hoạch định chính sách Việt Nam, nhất là trong môi trường bị tác động rất lớn từ bên ngoài”, TS. Thành nói.

Trong bối cảnh hiện nay, việc tạo dựng lòng tin trên thị trường, nhất là thị trường tài chính là rất quan trọng. Nhưng nếu việc tiên liệu chính sách quá khó, thì sẽ làm xói mòn lòng tin. Đây là điểm cần phải được cải thiện.

Một vấn đề liên quan tới ban hành chính sách là việc phối hợp giữa các cơ quan bộ, ngành còn hạn chế, làm giảm hiệu quả đánh giá chính sách xác thực hơn. “Đánh giá tác động của chính sách khi được ban hành vẫn chưa được nhìn nhận một cách thấu đáo. Chẳng hạn, với gói kích thích kinh tế, chúng ta đã lường trước tác động phụ, nhưng việc đánh giá, phản biện cho những tác động này vẫn chưa tốt”, TS. Thành nhận định.

Việc sử dụng các biện pháp hành chính để điều chỉnh chính sách kinh tế, theo TS. Thành, sẽ có tác dụng cấp thời, dễ thực hiện. Song về dài hạn, các biện pháp hành chính sẽ gây méo mó trong phân bổ nguồn lực, mất công bằng trong tiếp cận nguồn lực, làm tăng chi phí điều chỉnh khi chúng ta muốn rút khỏi biện pháp này.

Rà soát tất cả các lĩnh vực dựa trên báo cáo của các bộ, ngành liên quan, Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nhận xét, lĩnh vực nào cũng còn hạn chế cần khắc phục sau 3 năm gia nhập WTO.

“Năng lực cạnh tranh quốc gia, DN, sản phẩm của Việt Nam còn thấp và chậm được cải thiện so với các nước trong khu vực. Một số lĩnh vực cạnh tranh quốc gia còn yếu, như đào tạo nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, năng lực thể chế, trình độ công nghệ. Đây chính là những lực cản đối với cạnh tranh ở tất cả các cấp độ. Sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu còn thấp, chủ yếu dựa vào gia công và sử dụng tài nguyên”, ông Tú liệt kê các vấn đề ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh và nhận xét, Việt Nam mới phát huy tốt lợi thế so sánh vốn có của đất nước trong hội nhập kinh tế quốc tế, mà chưa tận dụng được cơ hội để phát huy lợi thế cạnh tranh nhờ tận dụng quy mô kinh tế và FDI, trên cơ sở khắc phục những yếu kém về thể chế, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực và có một cách thức liên kết song phương, khu vực và toàn cầu thích hợp.

Thủ tục hành chính còn rườm rà, việc phân cấp gắn với tăng cường trách nhiệm và kiểm tra, giám sát còn nhiều vướng mắc do nguồn nhân lực ở các địa phương chưa tương xứng với nhiệm vụ... cũng là điểm cần được khắc phục, nhằm tận dụng tốt cơ hội từ hội nhập. “Cũng còn khoảng cách khá xa giữa thực tế và yêu cầu về tính chuyên nghiệp, minh bạch và khả năng giải trình của bộ máy nhà nước, trong khi hệ thống động lực (lương thưởng...) cho công chức còn nhiều méo mó. Phối hợp giữa các bộ, ngành trong hoạt động đối ngoại còn chưa chặt chẽ, nhất quán và kịp thời”, ông Tú nhận xét.

Tuy nhiên, các thiếu sót là không thể tránh khỏi và bài học rút ra được trong 3 năm qua hết sức quý giá. Đây chính là động lực mới để Việt Nam tiếp tục tham gia “cuộc chơi” hội nhập toàn cầu thời gian tới.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực