Bắc Kạn: Đã công nhận 107 sản phẩm OCOP

Thứ tư, 23/12/2020 22:47
(ĐCSVN) - Qua thời gian thực hiện chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, đến nay, Bắc Kạn đã thu hút được hơn 90 tổ chức, cá nhân tham gia; công nhận được 107 sản phẩm OCOP (trong đó, 99 sản phẩm đạt 3 sao và 8 sản phẩm đạt 4 sao). So với mục tiêu Chương trình OCOP của tỉnh giai đoạn 2018-2020, số lượng sản phẩm OCOP thực hiện vượt 67 sản phẩm, đạt 267,5% kế hoạch.

 Một số sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Kạn được trưng bày, giới thiệu đến người tiêu dùng

(Ảnh: HNV)

Văn phòng Điều phối Nông thôn mới tỉnh Bắc Kạn cho biết, xác định thực hiện chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) là một giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm có thương hiệu, sức cạnh tranh trên thị trường.

Qua thời gian thực hiện, chương trình đã thu hút được hơn 90 tổ chức, cá nhân tham gia, công nhận  được  107 sản phẩm OCOP (trong đó, 99 sản phẩm đạt 3 sao và 8 sản phẩm đạt 4 sao). So với mục tiêu Chương trình OCOP của tỉnh giai đoạn 2018-2020, số lượng sản phẩm OCOP thực hiện vượt 67 sản phẩm, đạt 267,5% kế hoạch.

Bên cạnh đó, qua thực hiện chương trình đã tạo ra nguồn thu nhập cao hơn cho người dân tham gia. Theo kết quả thống kê các chủ thể tham gia, đã có 73% tổ chức tăng doanh thu từ 1,1 đến 1,5 lần; 10% tổ chức tăng doanh thu từ 1,5-2 lần và 10% tổ chức tăng doanh thu trên 2 lần. Các chủ thể kinh tế tham gia chương trình được tham gia các lớp tập huấn nâng cao trình độ quản trị sản xuất, marketing bán hàng, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, đồng thời, chương trình đã tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập đời sống cho người dân, bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp của nông thôn.

Đáng chú ý, triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay Bắc Kạn đã bước đầu xây dựng được những sản phẩm có tính lợi thế của địa phương, nhiều sản phẩm có mẫu mã, bao bì đẹp, kiểu dáng phù hợp, chất lượng đạt các tiêu chuẩn quy định, đưa ra được thị trường công nhận. Từ đây, đã từng bước thay đổi nhận thức của cộng đồng về sản xuất hàng hóa; thúc đẩy tạo điều kiện để người dân tiếp cận với phương thức sản xuất mới theo chuỗi giá trị và ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, gắn sản xuất với công tác xúc tiến thương mại.

Mặt khác, từ việc thực hiện chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, nhiều đơn vị sản xuất đã mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà xưởng, trang thiết bị; một số chủ thể mở rộng nhà xưởng, sân kho; mua sắm nhiều máy móc có giá trị như dây chuyền tráng miến của Hợp tác xã Tài Hoan, máy sấy Nghệ của Hợp tác xã Tân thành,…Qua đó, góp phần từng bước nâng cao năng lực sản xuất của các đơn vị.

Đó là những kết quả đáng ghi nhận của Bắc Kạn trong triển khai chương trình OCOP. Theo Văn phòng Điều phối nông thôn mới Bắc Kạn, trong giai đoạn 2021-2025, địa phương sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện chương trình, đưa mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP trở thành chỉ tiêu phát triển kinh tế- xã hội giai đoạn 2021-2025. 

Bắc Kạn cũng xác định thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả chương trình chương trình OCOP hàng năm để đảm bảo cộng đồng, người dân hiểu rõ và tích cực tham gia chương trình trên địa bàn tỉnh, đồng thời, nâng cao trách nhiệm cán bộ các cấp trong quá trình thực hiện. Ngoài ra, Bắc Kạn sẽ tập huấn nâng cao năng lực cho các chủ thể thực hiện chương trình OCOP; hỗ trợ tại chỗ và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các chủ thể trong quá trình triển khai phương án kinh doanh, hình thành, phát triển sản phẩm tại địa phương.

Đặc biệt, địa phương xác định việc hỗ trợ nâng cao chất lượng sản phẩm là giải pháp thiết thực để đáp ứng nhu cầu của các thị trường khác nhau. Cụ thể, hỗ trợ các chủ thể thực hiện Chương trình OCOP tham gia sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị ở các lĩnh vực có tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương như: Miến dong, gạo, tinh bột nghệ, cam quýt, dược liệu, mật ong, rau các loại…Qua đó, nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao và góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Đồng thời, trong giai đoạn tới, Bắc Kạn sẽ phát triển sản phẩm đi cùng với công tác đánh giá xếp hạng OCOP để hình thành nhóm sản phẩm tiêu biểu chất lượng cao của tỉnh. Đi cùng với đó, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại với hình thức đa dạng từ các kênh truyền hình (trung ương, địa phương) đến các hội chợ, sự kiện để quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực