Bạc Liêu huy động trên 12.000 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Thứ năm, 08/10/2020 11:11
(ĐCSVN) - Qua 10 năm (2011- 2020) thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Bạc Liêu đã huy động được trên 12.000 tỷ đồng; trong đó, vốn trung ương, địa phương trên 1.950 tỷ đồng, nguồn vốn nhân dân đóng góp trên 1.350 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn khác.
Xây dựng đường giao thông nông thôn ở Bạc Liêu. (Ảnh: Báo Bạc Liêu) 

Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh Bạc Liêu, khi bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, địa phương này chỉ đạt mức 6,19 tiêu chí/xã so với 19 tiêu chí trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới. Ða số các tiêu chí quan trọng như cơ sở hạ tầng, thu nhập, hộ nghèo… các xã trong tỉnh đều không đạt và có khoảng cách xa so với quy định.

Sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh Bạc Liêu đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Bộ mặt nông thôn trong tỉnh từng bước khởi sắc, kết cấu hạ tầng nông thôn được phát triển đồng bộ, văn hóa, y tế, giáo dục được quan tâm đầu tư. Sản xuất nông nghiệp không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả, nhiều mô hình nuôi tôm công nghệ cao được nhân rộng… Từ đó, góp phần nâng cao thu nhập của người dân ở nông thôn.

Tính đến nay, thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Bạc Liêu đạt 58 triệu đồng/người/năm (tăng 2,15 lần so với năm 2011), tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 1% (giảm 19,2% so với năm 2011), tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,8%; trên 99% hộ sử dụng điện…

Hiện toàn tỉnh Bạc Liêu đã có 49/49 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5/7 huyện cơ bản đã đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 2 đơn vị huyện còn lại đang thực hiện quy trình đề nghị công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Ðặc biệt, tỉnh Bạc Liêu đã có 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, có 67/67 ấp đạt tiêu chuẩn ấp nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh Bạc Liêu phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Bằng các nguồn vốn trên, tỉnh Bạc Liêu đã tập trung xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Nhiều công trình cầu, đường giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, lưới điện, chợ nông thôn, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế… được đầu tư xây mới, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân...

Không chỉ diện mạo nông thôn đổi thay, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, các cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh mấy năm qua đã đặc biệt quan tâm chỉ đạo xóa thế độc canh cây lúa, thực hiện đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi và đã xây dựng thành công nhiều mô hình sản xuất mới cho lợi nhuận từ 100 đến 200 triệu đồng/ha/năm. Ðiển hình như các huyện Phước Long, Hồng Dân, Vĩnh Lợi đã chú trọng xây dựng mô hình "Cánh đồng lớn", gắn với thực hiện các mô hình sản xuất tôm - lúa; mô hình liên kết sản xuất giữa nông dân - doanh nghiệp và ứng dụng công nghệ cao, nhờ vậy đã phát huy hiệu quả, khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo động lực đưa nông nghiệp - nông thôn Bạc Liêu bứt phá đi lên.

Hay như huyện Hồng Dân, cuối tháng 10/2019, đã có 8/8 xã được Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới. Trên cơ sở đó, huyện đã ban hành kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025. Đồng thời chỉ đạo ngành chuyên môn tiến hành kiểm tra, rà soát việc duy trì và nâng cao các tiêu chí đã đạt được của các xã. Phấn đấu đến năm 2025, Hồng Dân trở thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Có thể khẳng định, việc xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Bạc Liêu thời gian qua đã phát triển khá nhanh và rộng khắp, trở thành phong trào sôi nổi, được đông đảo cán bộ, nhân dân tích cực hưởng ứng. Nông thôn Bạc Liêu có sự đổi thay, nhiều xã vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều đồng bào Khmer đã thực sự vượt qua đói nghèo, trở thành những điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới./.

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực