Bản lĩnh Việt Nam

Thứ bảy, 02/01/2010 11:26

Việt Nam năm 2009 - trong mắt nhìn quốc tế, là một trong năm nền kinh tế có mức tăng trưởng cao trên thế giới cho dù bão khủng khoảng tài chính vẫn đang gây hại ở nhiều nơi trên thế giới.

Và vào những ngày cuối năm 2009 chuẩn bị bước sang năm 2010, mức tăng trưởng kinh tế năm 2009 của đất nước được công bố là có khả năng đạt 5,2% làm vững lòng mỗi người dân Việt Nam. Tại hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ quốc tế cho Việt Nam họp vào đầu tháng 12, số vốn ODA mà các nhà tài trợ quốc tế cam kết hỗ trợ Việt Nam lên đến mức hơn 8 tỷ USD- mức cao nhất từ trước tới nay. Việt Nam với nhiều tiềm năng và triển vọng đầu tư trở thành một trong ba điểm đến (cùng với Trung Quốc và Ấn Độ) của các nhà đầu tư nước ngoài.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc khi trả lời phỏng vấn phóng viên báo chí, đã tự hào “Chính phủ đã vững tay chèo lái đưa nền kinh tế vượt qua rất nhiều thử thách để đến được bến bờ những mục tiêu này”. Quả thật, trong bối cảnh rất nhiều khó khăn, Chính phủ đã đặt mục tiêu hàng đầu là ổn định nền kinh tế vĩ mô, ngăn chặn suy giảm kinh tế, kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội.

Tại Hội nghị tổng kết nhiệm vụ năm 2009 của ngành tài chính, với kết quả số thu ngân sách quốc gia bằng 100,2% dự toán của năm, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng đánh giá: “Nhiệm vụ trọng tâm của năm 2009 là ngăn chặn đà suy giảm của nền kinh tế - về cơ bản đã đạt được”. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế chung của toàn cầu, khi tăng trưởng của nhiều nền kinh tế ở mức âm, khi hàng loạt doanh nghiệp của các nước phát triển và các nước đang phát triển khác liên tiếp phá sản, thì việc thu ngân sách của chúng ta không những đạt dự tóan mà còn vượt mang ý nghĩa thật lớn.

Đằng sau những con số mục tiêu đạt được và vượt mức này là những nỗ lực, bươn chải của đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân cùng các lực lượng sản xuất kinh doanh khác. Đằng sau thành công của đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân và các lực lượng sản xuất kinh doanh này là những chính sách giải pháp đúng đắn, kịp thời và thiết thực. Thực tế thế giới với bối cảnh khủng hoảng tài chính năm qua càng khẳng định vai trò quyết định của Nhà nước trong điều hành thành công sự phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là điều hành về tài chính ngân hàng.

Ngay từ đầu năm 2009, Ngân hàng Nhà nước giảm dần lãi suất cơ bản từ mức 14%/năm, và giải pháp này đã tác động hiệu quả đến thị trường vốn vốn đã quá nóng trước đó. Tiếp tục sau đó, lãi suất cơ bản giảm dần xuống còn 7%/năm và duy trì mức này một thời gian dài có tác dụng ổn định để phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động. với giải pháp này, các ngân hàng thương mại cũng tiếp tục hạ lãi suất, tạo cơ hội cho doanh nghiệp vay được vốn rẻ hơn để đầu tư sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện một trong những mục tiêu quan trọng nhất của Chính phủ lúc này là chống suy giảm kinh tế.

Hàng loạt chính sách kích cầu khác cũng nối nhau ra đời. Đó là hỗ trợ vốn để kích cầu đầu tư và tiêu dùng, là hỗ trợ doanh nghiệp lãi suất vay vốn ngân hàng cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ nông dân vốn và lãi suất vay vốn mua sắm thiết bị vật tư sản xuất nông nghiệp và cả xây dựng nhà ở nông thôn, là miễn giảm thuế, là hỗ trợ giảm nghèo bền vững …thậm chí là những giải pháp cụ thể nhất như chỉ đạo doanh nghiệp thu mua lúa và nông sản của nông dân, đảm bảo cho nông dân có lãi.

Giải pháp kích cầu, có thể hiểu là việc “Nhà nước chủ động tác động tích cực tới tổng cung và tổng cầu xã hội một cách thống nhất, có tổ chức và có chủ đích, theo hướng khuyến khích đầu tư và mở rộng quy mô tiêu dùng; kích hoạt và tăng động lực phát triển kinh tế trong bối cảnh có sự suy giảm các động lực phát triển kinh tế do các khó khăn về nguồn vốn và thị trường tiêu thụ của doanh nghiệp, nhất là khu vực kinh tế tư nhân...” Trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy giảm kinh tế toàn cầu năm 2009, rất nhiều quốc gia đã sử dụng giải pháp này với quy mô khác nhau, từ vài nghìn tỷ đô la đến vài trăm tỷ hay vài chục tỷ đô la, các gói kích cầu này đã và đang mang lại hiệu quả khác nhau, theo hướng tích cực.

Ở nước ta, các gói kích cầu của Chính phủ đã phát huy tác dụng, đã trực tiếp hỗ trợ các doanh nghiệp vay được vốn ngân hàng với lãi suất thấp hơn, góp phần giảm giá thành sản phẩm, và cùng đó cũng giúp các ngân hàng cải thiện tình hình huy động vốn và cho vay vốn. Các ngân hàng – huyết mạch của nền kinh tế, một mặt, không phải hạ thấp lãi suất huy động, mặt khác không phải nâng lãi suất cho vay nên mở rộng được hoạt động cho vay. Tiếp sau đó, duy trì lãi suất cơ bản 7%/năm cho đến tận tháng 12 mới được điều chỉnh tăng lên 8% cho phù hợp với tình hình thực tế, cùng đó là hiệu quả các giải pháp tổng thể hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân đã mang lại những thay đổi cho nền kinh tế.

Ở một khía cạnh khác, có thể thấy các gói kích cầu tạo được hiệu ứng tâm lý tích cực, củng cố niềm tin của các doanh nghiệp, các ngân hàng và nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào trách nhiệm của Nhà nước trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn, cũng như tin vào triển vọng thị trường và môi trường đầu tư trong nước. Mục tiêu ổn định nền kinh tế vĩ mô, ngăn chặn suy giảm kinh tế, kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội đã và đang hiện thực.

Tại cuộc Hội thảo về thị trường vốn và tài chính Việt Nam do Tập đoàn Euromoney phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức mới đây, các chuyên gia kinh tế của nước ngoài cũng như trong nước đều có chung nhận định rằng các nhóm giải pháp kích cầu mà Chính phủ Việt Nam đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới bị khủng hoảng đã phát huy tác dụng, Chính phủ đã phản ứng một cách nhanh chóng và kịp thời. Tất cả các chính sách được đưa ra đều cho thấy Chính phủ đã đi đúng hướng”.

Tuy nhiên, các gói kích cầu nếu lạm dụng sẽ ảnh hưởng đến chính nền kinh tế. Kích cầu tràn lan sẽ mang lại sự quân bình mờ nhạt, có khả năng dẫn đến thất thóat lãng phí, nợ nần và tạo thêm gánh nặng cho nền kinh tế.. Chính vì vậy, tại kỳ họp Quốc hội cuối năm, Quốc hội đã phê duyệt gói kích thích kinh tế khác với mức hỗ trợ và thời gian hỗ trợ, đồng thời có chọn lọc hơn về đối tượng và điều kiện hỗ trợ. Cùng đó, từ ngày 1/12, lãi suất cơ bản lại được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng lên 8% cho phù hợp với tình hình mới. Như vậy, lãi suất trần của các ngân hàng thương mại (theo quy định của Luật Dân sự là bằng 150% lãi suất cơ bản), sẽ ở mức 12%/năm, thay vì 10,5%/năm trước đó.

Năm 2010, một số chỉ tiêu cơ bản đã được Quốc hội thông qua với tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng trên 6% so với năm 2009; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội bằng khoảng 41% tổng GDP ; Chỉ số giá tiêu dùng tăng không quá 7%, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%; Đây là nhiệm vụ khá khó khăn trong điều kiện kinh tế thế giới mới đang ra khỏi khủng hoảng, mức tăng trưởng kinh tế của nước ta cũng chưa thật sự bền vững. Trong khi đó, chúng ta gia nhập WTO đã tròn 3 năm. Rất nhiều cam kết với WTO và cả các tổ chức quốc tế khác về cắt giảm thuế và thậm chí cả biện pháp phi thuế sẽ phải thực hiện sâu rộng hơn.

Tuy nhiên, với những kinh nghiệm của Chính phủ điều hành nền kinh tế năm 2009 được coi là có quá nhiều khó khăn, với sự sáng tạo trong mỗi hòan cảnh, điều kiện cụ thể, cùng với sự năng động của đội ngũ doanh nghiệp doanh nhân và nhân dân cả nước, mục tiêu này không phải quá xa. Vấn đề là phải dự báo tốt, phân tích rõ và hành động kịp thời. Cuộc vận động của Bộ Chính trị Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đang diễn ra là một minh chứng rõ ràng nhất. Bất cứ lúc nào bản lĩnh Việt Nam cũng luôn được phát huy./.

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực