Bất động sản 2021: Nhận diện xung lực mới

Thứ tư, 06/01/2021 15:20
(ĐCSVN) - Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, một số kịch bản thị trường bất động sản được giới phân tích đưa ra. Trong đó, nhận diện xung lực mới cho các phân khúc tiềm năng trong bối cảnh kinh tế suy thoái là chủ đề chính được các chuyên gia hàng đầu phân tích, làm rõ trong buổi tọa đàm "Toàn cảnh bất động sản 2021: Nhận diện xung lực mới" diễn ra ngày 5/1 tại Vĩnh Phúc.

Tọa đàm có sự tham gia của lãnh đạo hiệp hội, doanh nghiệp, nhiều chuyên gia kinh tế, tài chính, bất động sản hàng đầu Việt Nam.

Với hai phiên thảo luận, các chuyên gia đã chỉ ra những thách thức và cơ hội cho thị trường bất động sản trong năm 2021. Bức tranh toàn cảnh thị trường và cơ hội đầu tư trong năm mới sẽ thể hiện qua các nhận định, phân tích của từng diễn giả.

Bất động sản vẫn là kênh đầu tư đầy triển vọng (Ảnh: HNV) 

2020 - Năm biến động của thị trường bất động sản

Năm 2020 chứng kiến nhiều biến động do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Bất động sản cũng không nằm ngoài guồng quay này. Song điểm khác biệt lớn nhất của thị trường địa ốc chính là lấy lại đà phục hồi nhanh chóng ngay từ quý III. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, trong quý III, ghi nhận 36.884 giao dịch địa ốc thành công. Còn theo dữ liệu của nhóm phân tích FiinPro, lượng tiền người mua nhà trả trước cuối quý III/2020 tại nhiều doanh nghiệp tăng cao ở mức kỷ lục 5 năm qua.

Một hiện tượng đáng chú ý là bất chấp ảnh hưởng của dịch bệnh, giá nhà đất vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng. 12 tháng qua, TP HCM, Hà Nội cùng các vệ tinh của hai đô thị này chứng kiến hiện tượng tăng giá nhà đất xuyên mùa dịch.

Dù ảnh hưởng bởi dịch bệnh nhưng địa ốc vẫn là kênh đầu tư được nhiều người lựa chọn. Trong báo cáo "Sẵn sàng cho chu kỳ mới từ 2021" vừa được Công ty Chứng khoán VNDirect phát hành, có đánh giá, xu hướng tăng giá bán sẽ tiếp tục duy trì nhờ nhu cầu nhà ở tăng. Nguyên nhân do thúc đẩy phát triển các cơ sở hạ tầng có tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản và lãi suất vay mua nhà giảm sẽ hỗ trợ quyết định mua nhà...

Giá tăng là điểm sáng của thị trường

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới bất động sản Việt Nam thị trường vừa trải qua một năm đầy biến động khi dịch COVID-19 ảnh hưởng trực tiếp đến thị trường bất động sản. Giai đoạn đầu năm, thị trường tê liệt, nhiều dự án ngừng trệ, sàn giao dịch ngưng hoạt động, hạ tầng du lịch đóng băng. Mặc dù Chính phủ quyết liệt tháo gõ khó khăn cho các doanh nghiệp nhưng những vướng mắc về pháp luật vẫn khiến lực cầu giảm mạnh.

Tuy vậy, nhiều dự án vẫn về đích đúng hạn. Nguồn cung mới đạt gần 60.000 sản phẩm, đạt 87,6% so với năm 2019. Lực cầu giảm nhưng thu hút đầu tư ngoài ngành, tăng 30% lực cầu đầu tư mới cho thị trường. Đầu tư công về phát triển đô thị đã giúp tăng lực cầu đầu tư. Số lượng giao dịch tăng là minh chứng cho điều này.

Quang cảnh buổi toạ đàm (Ảnh: PV) 

Bên cạnh đó, tỷ lệ hấp thụ cao, TP HCM đạt trên 80%, giá bất động sản tăng. Bất động sản du lịch bị ảnh hưởng nhưng tốc độ phát triển nhanh, nhiều dự án vẫn đẩy mạnh triển khai thu hút nhà đầu tư. Lãi suất ngân hàng giảm tạo điều kiện phát triển nguồn vốn đầu tư bất động sản.

Nhìn nhận năm 2020 đầy khó khăn nhưng những dấu hiệu lạc quan cuối năm mở ra nhiều triển vọng cho năm 2021. Theo dự báo của ông Đính, kinh tế Việt Nam có thể giữ nhịp và đạt tốc độ tăng trưởng theo kế hoạch là 6%, dẫn đến nhu cầu mua nhà và đầu tư tăng trở lại.

Năm 2021 là năm đầu tiên chính quyền các địa phương nhận nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới nên sẽ có nhiều chính sách thu hút nhà đầu tư, nhất là lĩnh vực bất động sản. Thị trường sẽ phát triển bền vững hơn; tập trung vào phát triển hạ tầng du lich. Phân khúc bất động sản du lịch không còn tập trung hướng biển mà còn vào các khu vực rừng núi giàu tiềm năng.

Chuyên gia này cũng dự báo, thị trường có thể tăng 10% so với năm 2020. Bên cạnh đó, lãi suất ngân hàng có thể giữ hoặc giảm kích thích đầu tư mạnh hơn. Chính phủ tiếp tục nỗ lực khắc phục, cởi trói cho doanh nghiệp. Vốn FDI đổ vào mạnh hơn. Cuối cùng, quản lý nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và khách hàng rút ra bài học kinh nghiệm trong COVID-19 sẽ rút ra kinh nghiệm để bản lĩnh hơn trong giai đoạn mới.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Tổng thư ký Hiệp hội bất động sản Việt Nam. (Ảnh: PV) 

Theo các chuyên gia tại Tọa đàm, pháp lý vẫn là điểm nghẽn của thị trường bất động sản Việt Nam. Đại hội Đảng lần thứ XI và XII đã xác định một trong ba điểm nghẽn chính của kinh tế Việt Nam chính là cơ chế chính sách. Ở lĩnh vực bất động sản, sự chồng chéo trong các luật như Luật Nhà ở, Luật Đất đai khiến thị trường gặp khó khăn. Từ 10/12/2015, tất cả các dự án đầu tư bị đình đốn nhưng ảnh hưởng đến thị trường bất động sản có đỗ trễ đến 3 năm. Đến năm 2018, thị trường mới chứng kiến sự thiếu giảm nguồn cung, quy mô thị trường bị thu hẹp, giảm sản phẩm đưa ra thị trường... Do đó, điểm nghẽn về thể chế pháp luật là một trọng tâm cần giải quyết bởi các doanh nghiệp đều mong muốn môi trường kinh doanh đạt được sự công bằng, minh bạch, thông thoáng, cạnh tranh lành mạnh. 

Dự báo năm 2021 có điểm đặc biệt là luật đầu tư, luật xây dựng sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. 2021 cũng đồng thời là năm kiểm soát hiệu quả COVID-19, vaccine nghiên cứu thành công, nền kinh tế Việt Nam đang là điểm sáng, năm tới bộ xây dựng sẽ sửa đổi Luật nhà ở, từ đó ban hành nghị định, xây dựng lại chung cư cũ, sửa đổi quy định để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào thị trường bất động sản phân khúc nhà vừa túi tiền, trung cấp, giá cả hơp lý.

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực