Biến khó khăn thách thức thành cơ hội để phát triển

Thứ hai, 23/11/2020 23:13
(ĐCSVN) – Đó là ý kiến Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khẳng định khi chủ trì họp báo về Hội nghị tham vấn về “Dự thảo Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Họp báo diễn ra chiều ngày 23/11 tại trụ sở Bộ Kế hoạch và đầu tư, thu hút đông đảo báo chí Trung ương và Hà Nội tham dự.

 Vùng ĐBSCL được đánh giá là một trong những vùng có vị trí chiến lược quan trọng.
(Ảnh: MPI)

Nhận rõ thách thức cùng với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực chỉ đạo thực hiện công tác ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, tăng trưởng xanh, thân thiện với môi trường. Trong đó, tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể như: huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; hoàn thiện thể chế, ban hành chiến lược, kế hoạch hành động; tăng cường các nguồn lực đầu tư; lồng ghép các yêu cầu ứng phó biến đổi khí hậu vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; sử dụng bền vững tài nguyên nước…

Đối với ĐBSCL, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120 về Phát triển bền vững ĐBSCL ứng phó với biến đổi khí hậu. Nghị quyết 120 ban hành năm 2017 được xây dựng theo hướng tiếp cận tổng thể, tích hợp và định hướng lâu dài. Trong đó, xây dựng một quy hoạch tổng thể vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2030 và tăng cường liên kết vùng để phát triển kinh tế xã hội, chuyển đổi nông nghiệp bền vững và ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh thiên tai được coi là những nhiệm vụ quan trọng, Quy hoạch và liên kết, điều phối vùng hiệu quả là nền tảng có tính quyết định đối với sự phát triển hài hòa và bền vững của vùng, vùng giúp giải quyết các xung đột trong phát triển, tránh được sự chồng chéo và thiếu hụt trong quy hoạch và thực hiện, đảm bảo hài hòa các lợi ích cả ngắn hạn và lâu dài, cục bộ và toàn diện, trong bối cảnh phát triển và biến đổi khí hậu nhiều bất ổn.

Để có cơ sở hoàn thiện dự thảo quy hoạch trước khi trình Thủ tướng Chính phủ  xem xét, tổ chức thẩm định và phê duyệt trong tháng 12/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tổ chức Hội nghị Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vào ngày 26/11/2020 tại Cần Thơ do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì, với sự tham dự của lãnh đạo một số Bộ, ngành trung ương, lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy, UBND và đại diện các sở, ban ngành của các các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL. Nội dung chính của Hội nghị là giới thiệu về nội dung chính của dự thảo Quy hoạch vùng ĐBSCL và thảo luận về các vấn đề lớn, có tính chiến lược định hình sự phát triển của vùng ĐBSCL cho giai đoạn phát triển dài hạn với tầm nhìn đến năm 2050.

Quy hoạch vùng ĐBSCL là bản quy hoạch vùng đầu tiên được tổ chức lập theo cách tiếp cận tích hợp đa ngành của Luật Quy hoạch. Chính vì vậy, quá trình tham vấn ý kiến, đặc biệt là ý kiến của các địa phương trong vùng ĐBSCL là hết sức cần thiết và có ý nghĩa để bản quy hoạch phản ánh đúng nhu cầu, nguyện vọng của người dân trong vùng, thực sự giúp tháo gỡ những vấn đề nút thắt phát triển, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình lập và triển thực hiện quy hoạch.

Quang cảnh họp báo. (Ảnh: HNV) 

Bên cạnh đó, hiện nay 13/13 tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL đã có nhiệm vụ lập quy hoạch tỉnh được phê duyệt. Vì vậy, việc lấy ý kiến về Quy hoạch vùng cũng nhằm đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, thống nhất giữa các quy hoạch trong bối cảnh các quy hoạch đang được triển khai lập đồng thời.

Tính đến thời điểm này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tổ chức 17 cuộc hội thảo, 12 cuộc họp chính thức với Bộ, ngành, địa phương trong vùng ĐBSCL và nhiều hội thảo, tọa đàm với các chuyên gia trong nước, quốc tế. 

Thông tin tại họp báo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhìn nhận, trong việc quy hoạch vùng, không chỉ đánh giá, phân tích các khó khăn một cách chi tiết, cụ thể mà còn quyết định biến các thách thức thành cơ hội, định hướng cho vùng phát triển bền vững, tập trung và đầu tư đông bộ, trong đó chú ý giải quyết tốt các mối liên kết vùng.

“Với đề án quy hoạch lần này, thông tin chủ đạo và có điểm mới là lấy việc quản lý tài nguyện nước làm nền tảng, nhận thức được các sức ép với tài nguyên nước của vùng là đó là sức ép từ đầu nguồn, từ xâm nhập mặn, từ ô nhiễm và nguy cơ nước biển dâng. Do đó, trong quy hoạch vùng, chúng tôi đã quy hoạch và lựa chọn phân vùng nước: nước ngọt (N), nước lợ (L) và nước mặn (M), đồng thời gợi ý tới phương án chuyển đổi 3 vụ lúa sang 2 vụ để 1 vụ cho đất nghỉ và tìm hướng giải quyết sinh kế khi đất nghỉ ngơi, có tính đến thói quen, tập quán của người dân. Đồng thời phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả cao, ưu tiên công nghiệp chế biến, dịch vụ nông nghiệp. Bên cạnh đó, tập trung phát triển hạ tầng” – Thứ trưởng Phương nhấn mạnh.

 Thứ trưởng Trần Quốc Phương. (Ảnh: HNV)

Cũng theo Thứ trưởng Phương, trong việc tổ chức Hội nghị về quy hoạch vùng vào 26/11 tới đây, Bộ Kế  hoạch và Đầu tư kỳ vọng sẽ đạt được sự đồng thuận cao của các địa phương trong vùng để trên cơ sở đó tiếp tục tổ chức thêm một hội nghị lấy ý kiến của các bộ ngành lần nữa. “Hy vọng đây sẽ là hình ảnh mẫu để tiếp tục xây dựng quy hoạch vùng khác của cả nước” – Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.

Giải đáp thắc mắc của báo chí tại cuộc họp, làm thế nào để tránh tình trạng quy hoạch treo, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng khẳng định, đó là sự tổng hợp của nhiều yếu tố thống nhất bao gồm: mục tiêu đúng, nguồn lực đúng, giải pháp đúng và xác định được nhiệm vụ đúng cho các bên cũng như là sự thống nhất trong các địa phương trực thuộc vùng trong việc đáp ứng các nội dung của quy hoạch tập trung.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng ven biển thuộc hạ lưu sông Mê-Kông, là một trong những đồng bằng trù phú, bao gồm 13 tỉnh, thành phố, với dân số toàn vùng khoảng 17,3 triệu người (chiếm khoảng 20% dân số cả nước) và diện tích là 40,5 ngàn km2(chiếm 12% diện tích cả nước). Đây là vùng có điều kiện tự nhiên gắn với hệ thống sông, ngòi – kênh, rạch, đất, nước, môi trường, hệ sinh thái, cảnh quan và các yếu tố kinh tế - xã hội như phong tục, tập quán, sinh kế, truyền thống canh tác, mùa vụ, tạo thành một mối tổng hòa và liên kết rất chặt chẽ với nhau. Với tiềm năng, lợi thế,cùng với những quyết sách phù hợp của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong thời gian qua, ĐBSCL đã từng bước hình thành các khu vực sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp và du lịchtập trung, với quy mô ngày một lớn dần;đã trở thành trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam  không những góp phần làm thay đổi, cải thiện đời sống của nhân dân,mà còn bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Bên cạnh đó, một loạt các cơ sở hạ tầng vùng ĐBSCLtừng bước hoàn thiện ngày một đồng bộ và nâng cao khả năng kết nối; các đô thị dần được mở rộng làm thay đổi chất lượng cuộc sống của người dân (Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư)./. 

 

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực