Bình Phước: Điểm đến về đầu tư dự án nông nghiệp

Thứ ba, 01/12/2020 15:57
(ĐCSVN) - Bình Phước là địa bàn kết nối Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là tỉnh có diện tích rộng, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, ít chịu ảnh hưởng của bão, lụt, phù hợp phát triển nông nghiệp. Do đó, tỉnh này đã và đang thu hút được nhiều dự án đầu tư với quy mô lớn từ các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi.

 Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tuệ Hiền và đại diện Tập đoàn JAPFA ký kết biên bản thỏa thuân đầu tư. (Ảnh: Trần Thể)

Bình Phước hiện có 9 tập đoàn - công ty chăn nuôi lớn và 395 trang trại chăn nuôi đã đi vào hoạt động. Ngoài ra, địa bàn tỉnh hiện có 107 cơ sở chăn nuôi heo được công nhận cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh lở mồm long móng, dịch tả.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh các loại dịch bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, heo tai xanh không xảy ra là điều kiện tốt cho phát triển ngành chăn nuôi. Bên cạnh đó, nguồn cung ứng nguồn thịt sạch, an toàn cho thị trường đang thiếu trầm trọng, do đó nhiều tập đoàn lớn đã tiến hành xúc tiến đầu tư vào Bình Phước.

Đầu tiên phải kể tới Tập đoàn chăn nuôi JAPFA Comfeed Việt Nam, Tập đoàn đầu tư xây dựng trại heo giống tại Thôn Đắk Wí, xã Đắk Nhau, huyện Bù Đăng trên diện tích 60 ha. Dự án gồm có 2 trại nuôi heo nái với quy mô 15.000 con. Tổng vốn đầu tư xây dựng của dự án là 170 tỷ đồng. Theo kế hoạch, đầu năm 2021 dự án sẽ chính thức đưa vào hoạt động chăn nuôi để cung cấp heo giống cho thị trường trong nước và xuất khẩu ra nước ngoài theo quy chuẩn châu Âu. Trại chăn nuôi này được đầu tư theo công nghệ hiện đại nhất hiện nay. Tất cả các quy trình cho ăn uống bằng hệ thống tự động. Hệ thống nước thải được xử lý để tái sử dụng, đảm bảo không thải ra môi trường.

Ngoài ra, Tập đoàn chăn nuôi JAPFA Comfeed Việt Nam đã ký kết biên bản thỏa thuận đầu tư Dự án chăn nuôi với UBND tỉnh Bình Phước, trị giá 230 triệu USD.

Trước đó, tập đoàn cũng khởi công Dự án Trang trại heo thịt ứng dụng công nghệ cao tại xã Long Hà, huyện Phú Riềng, tỉnh Bình Phước với tổng vốn gần 500 tỷ đồng. Dự án xây dựng trên diện tích gần 40ha với quy mô 48.000 con heo thịt. Dự án sẽ cung ứng cho thị trường hơn 130.000 heo thịt, tương đương hơn 14.000 tấn mỗi năm.

Ông Francisco Domingues, Giám đốc ngành heo miền Nam, Tập đoàn chăn nuôi JAPFA Comfeed Việt Nam cho biết: “Trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, an toàn sinh học là một trong những điểm trọng yếu để đảm bảo nguồn cung ra thị trường. Do vậy, Công ty Japfa không chỉ đầu tư vào cơ sở vật chất chuồng trại mà còn đẩy mạnh vào ứng dụng công nghệ, quy trình quản lý khép kín. Điều này không chỉ giúp tiết kiệm chi phí chăn nuôi mà còn giúp thiết lập cơ chế phòng vệ sinh học, đồng thời nâng cao sức đề kháng cho vật nuôi, từ đó phòng chống hiệu quả các bệnh truyền nhiễm và đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho thị trường.”

Trong lĩnh vực chế biến gà, phải kể đến Dự án xuất khẩu gà chế biến theo mô hình khép kín đầu tiên của C.P Việt Nam với tổng kinh phí đầu tư khoảng 200 triệu USD và công suất đạt 50 triệu con/năm. Dự án được triển khai sẽ tạo nên một thế “chân kiềng” nhằm liên kết và hỗ trợ tốt nhất cho nông dân địa phương với doanh nghiệp trong chăn nuôi gà nói riêng và các hoạt động phụ trợ liên quan khác.

Sau gần 2 năm xây dựng, đến nay, dự án đã hoàn thành cơ bản việc xây dựng cơ sở hạ tầng và chuỗi sản xuất thịt gà, dự kiến cuối tháng 12/2020 sẽ xuất khẩu chuyến hàng đầu tiên sang các nước đã đặt hàng với C.P.

Ông Sawang Chanprasert, Phó Tổng giám đốc cấp cao bộ phận kinh doanh giống gia cầm, Công ty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết: “Bình Phước có điều kiện tự nhiên thuận lợi, khí hậu ôn hòa, có các tuyến đường huyết mạch chạy qua, vị trí không xa sân bay và cảng biển. Điều đó giúp việc nhập khẩu nguyên liệu và xuất khẩu hàng hóa rất thuận lợi.

Gần đây, Tập đoàn Hùng Nhơn đã ký kết liên doanh hợp tác cùng Tập đoàn De Heus (Hà Lan), Công ty cổ phần T&T 159 (Hòa Bình) và Công ty TNHH xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre) với tổng mức đầu tư khoảng 1.700 tỷ đồng, tập trung tại Bình Phước gồm: Dự án “Xây dựng khu chăn nuôi gà thịt xuất khẩu chất lượng cao DHN Bình Phước”, Dự án “Xây dựng khu chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao và liên kết phát triển nuôi bò thịt dưới tán rừng HNT&T 159 Bình Phước”, Dự án “Xây dựng khu trồng, tập kết, thu mua, bảo quản và đóng gói trái cây theo tiêu chuẩn xuất khẩu chất lượng cao HNCT Bình Phước” dự kiến hoàn thành theo từng giai đoạn, kéo dài đến hết năm 2025.

Về vấn đề thu hút đầu tư,  đồng chí Trần Tuệ Hiền - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho rằng, mục tiêu hàng đầu là đưa Bình Phước trở thành địa phương phát triển, là “điểm đến hấp dẫn” của các nhà đầu tư, Bình Phước đã đề ra nhiều chính sách cởi mở, thông thoáng với quan điểm xuyên suốt là “đồng hành cùng các nhà đầu tư”.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi, tỉnh Bình Phước sẽ tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, đất đai cho doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh, sắp tới tỉnh sẽ bổ sung quy hoạch vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Đồng thời đề nghị các tập đoàn cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án, hoàn thiện các thủ tục pháp lý, các quy chuẩn về môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi theo quy định của Việt Nam và các tổ chức quốc tế để sản phẩm của công ty dễ dàng tiêu thụ tại thị trường nội địa và quốc tế.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho hay, “Lĩnh vực nông nghiệp ở Bình Phước còn dư địa lớn, Bộ sẽ luôn sát cánh và ủng hộ để Bình Phước trở thành hình mẫu về phát triển nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao./.

Chi Mai

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực