Bình Phước: Doanh nghiệp tiếp tục thực hiện “3 tại chỗ”

Thứ ba, 21/09/2021 11:50
(ĐCSVN) - Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Bình Phước vừa có văn bản yêu cầu nhà đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp; các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu kinh tế tiếp tục thực hiện phòng, chống dịch trong sản xuất, kinh doanh và khu lưu trú.
 Sản xuất theo phương án "3 tại chỗ" ở Bình Phước. (Ảnh: Báo Bình Phước)

Theo đó, các nhà đầu tư, doanh nghiệp phải thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch tại nơi lưu trú theo các văn bản yêu cầu, hướng dẫn trước đây của Ban, chịu trách nhiệm trước pháp luật về công tác phòng, chống dịch tại doanh nghiệp.

Đồng thời, rà soát và thực hiện các tiêu chí đảm bảo an toàn trong sản xuất theo hướng dẫn tại Công văn 3842/SYT-NV ngày 26-8-2021 của Sở Y tế và Công văn 1232/BQL-ĐTDNLD ngày 29-8-2021 của Ban Quản lý Khu kinh tế.

Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch và phương án xử trí khi có trường hợp mắc COVID-19; ký cam kết thực hiện phòng chống dịch; rà soát, củng cố hoạt động của Tổ an toàn COVID-19 theo đúng hướng dẫn tại Quyết định 2787/QĐ-BYT ngày 5-6-2021 của Bộ Y tế hướng dẫn các phương án phòng, chống dịch khi có trường hợp mắc bệnh COVID-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp.

Được biết, khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã kích hoạt phương án vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất. Việc triển khai “3 tại chỗ” hiện là phương án tốt nhất để doanh nghiệp duy trì sản xuất ở mức tối thiểu, không bị đứt gãy vì dịch bệnh.

Trên địa bàn tỉnh Bình Phước hiện có 161 doanh nghiệp được phê duyệt thực hiện lưu trú với số lượng đăng ký lưu trú 24.992 người, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Để duy trì sản xuất, các doanh nghiệp phải xây dựng phương án lưu trú phù hợp tình hình công ty và bối cảnh dịch bệnh.

Với những doanh nghiệp nhỏ và vừa, số lao động đăng ký lưu trú chỉ trên dưới 100 người. Việc tận dụng cơ sở vật chất hiện có giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, giảm bớt khó khăn trong điều kiện lợi nhuận giảm sút vì dịch bệnh hiện nay.

Ông Phạm Thanh Quang - Giám đốc Công ty TNHH Long Sơn Inter Foods cho biết, sau gần 2 tháng giữ an toàn cho người lao động, duy trì được sản xuất, ban lãnh đạo công ty và người lao động đều phấn khởi và yên tâm tiếp tục thực hiện phương án 3 tại chỗ.

Nhờ sự hỗ trợ của công ty, hầu hết người lao động đều rất yên tâm sản xuất và tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Ở lại công ty, cùng sinh hoạt trong một khu vực, bước đầu công nhân đã quen dần. Các công ty cũng đã xây dựng nội quy, quy chế và buộc người lao động phải thực hiện khi vào lưu trú.

Tuy nhiên việc áp dụng phương án “3 tại chỗ” phải đảm bảo “đầu vào âm tính với COVID-19”. Theo đó, để thực hiện phương án lưu trú, tất cả công nhân đều phải được xét nghiệm sàng lọc trước khi tham gia sản xuất tập trung. Những nhóm nhân viên có mối quan hệ với khả năng lây nhiễm cao như có người nhà trong vùng dịch, nghỉ phép từ quê lên đều được yêu cầu cách ly tại nhà và trả lương đầy đủ.

Xác định phòng dịch là phải xem bất cứ vật dụng cá nhân và mỗi người đều có khả năng chứa mầm bệnh, từ đó doanh nghiệp lập rào chắn an toàn với người từ bên ngoài. Khi công nhân ở lại, các vật dụng cá nhân đều do doanh nghiệp phát. Công nhân tuyệt đối không được tiếp xúc với người bên ngoài. Để được phê duyệt phương án lưu trú, các công ty phải đáp ứng đầy đủ tiêu chí phòng, chống dịch, đồng thời thành lập nhiều tổ tự quản như: tổ y tế, tổ bảo vệ, tổ trực đường dây nóng, sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xấu xảy ra.

Ông Nguyễn Minh Chiến, Trưởng ban quản lý khu kinh tế tỉnh Bình Phước thông tin, Đoàn kiểm tra liên ngành đã đi kiểm tra các khu lưu trú và thường xuyên nhắc nhở các công ty phải có nhân viên y tế ứng trực. Đồng thời các công ty cũng phải kiểm tra, chú ý tình trạng sức khỏe của công nhân và không được chủ quan tại các khu lưu trú. Thời gian qua, tỉnh Bình Phước cũng đã cho phép các doanh nghiệp tự thực hiện xét nghiệm nhanh định kỳ cho công nhân và chịu trách nhiệm về kết quả xét nghiệm. Qua đó, giúp doanh nghiệp chủ động được việc xét nghiệm, bảo đảm kế hoạch sản xuất và nâng cao ý thức trách nhiệm trong đảm bảo an toàn cho công nhân, sớm ổn định sản xuất.

Ngoài các giải pháp hỗ trợ chung cho doanh nghiệp, các cấp, các ngành đã liên tục tháo gỡ vướng mắc khi thực hiện “3 tại chỗ” tại công ty. Đặc biệt, giải pháp thay đổi đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin, ưu tiên cho công nhân lưu trú sớm được tiếp cận vắc xin hay các giải pháp quản lý hoạt động vận tải hàng hóa bảo đảm thông suốt và an toàn phòng, chống dịch COVID-19. Việc tiêm vắc xin cho người lao động chính là giải pháp cần thiết, kịp thời ngay lúc này để người lao động và doanh nghiệp tự tin tổ chức sản xuất trong điều kiện mới./..

B.Châu (T/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực