Sáng 3/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội bắt đầu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2020; kế hoạch năm 2021; giải trình một số ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) nêu về lĩnh vực giao thông, trong đó có các dự án đường sắt đô thị, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho biết, đây là một loại hình giao thông hiện đại, giúp chống ùn tắc giao thông rất hiệu quả ở các thành phố lớn và trong thời gian vừa qua, kể cả Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội đều làm chủ đầu tư nhiều dự án. Tuy nhiên, Bộ trưởng thừa nhận trong thời gian vừa qua đã bộc lộ nhiều vấn đề, đặc biệt là vấn đề chậm tiến độ.
|
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể tại phiên giải trình. Ảnh: TH. |
Qua những dự án hiện nay, Bộ trưởng cho biết đã rút ra những bài học kinh nghiệm hết sức sâu sắc, liên quan đến: Một là vấn đề quy hoạch để làm sao đáp ứng được yêu cầu phát triển. Hai là trong quá trình chuẩn bị đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư, lựa chọn đối tác, tổ chức đấu thầu, cần lựa chọn được những công nghệ, những nhà thầu tốt, đặc biệt là cần phải giải phóng mặt bằng sạch, cần phải có những giải pháp rõ ràng để từ đó xác định giá trị và tránh tình trạng phải điều chỉnh giá.
“Với những ý kiến của đại biểu Quốc hội cũng như dư luận xã hội, chúng tôi đại diện Bộ GTVT xin tiếp thu, sắp tới sẽ cùng với các thành phố lớn tham mưu Chính phủ tốt hơn để những dự án mà chúng ta khởi công mới sẽ tránh được tình trạng lặp lại như hiện nay”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng khẳng định xây dựng đường sắt đô thị là hướng đột phá để giải quyết ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn và việc này cần phải có sự ủng hộ của Chính phủ, của Quốc hội để bố trí nguồn lực và tổ chức xây dựng nhanh hơn, tốt hơn để đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Liên quan đến vấn đề giao thông tại Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, Chính phủ hết sức quan tâm trong thời gian qua: "Bộ GTVT đã cho triển khai nghiên cứu 7 đường cao tốc ở vùng ĐBSCL. Nghiên cứu thì nhiều nhưng chúng ta tập trung ở những đoạn, những tuyến, khu vực để đầu tư trong 5 năm tới".
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thế, Bộ GTVT đã trình Chính phủ và Chính phủ sẽ trình Quốc hội, hết nhiệm kỳ tới có thể nâng tỷ lệ giao thông cao tốc của đồng bằng sông Cửu Long, như hiện nay là hơn 40km, dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng con số này lên khoảng hơn 300 km, tức là phải đầu tư thêm khoảng hơn 200km, gồm có tuyến cao tốc từ Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ sẽ hoàn thành năm 2022 và cầu Mỹ Thuận 2023. Theo đó sẽ nâng cấp đoạn Cao Lãnh - Vàm Cống và Vàm Cống ra Rạch Sỏi là khoảng 75 km để công bố đường cao tốc. Chúng tôi sẽ làm Quốc lộ 30 từ Cao Lãnh ra An Hữu để kết nối với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Cần Thơ, đặc biệt là đường cao tốc từ thành phố Cần Thơ đến thành phố Cà Mau nằm trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông. Bộ trưởng nhấn mạnh đây là một quyết tâm rất lớn của Chính phủ, không xây dựng đường cao tốc thì vấn đề thu hút đầu tư phát triển sẽ rất nhiều khó khăn.
“Chúng tôi cũng đã xây dựng một kế hoạch rất cụ thể, rất mong là các đại biểu Quốc hội ủng hộ để làm sao chúng ta hình thành nên hệ thống giao thông vận tải ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, để đánh thức tiềm năng, thế mạnh và phát huy được thế mạnh của đồng bằng giúp cho khu vực này có thể phát triển tốt hơn trong thời gian sắp tới”, Bộ trưởng nói./.