Buôn lậu, hàng giả ngày càng phức tạp, thủ đoạn tinh vi

Thứ ba, 29/11/2022 22:51
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Nhiều đối tượng lợi dụng chính sách ưu đãi và thông thoáng của Chính phủ, nhất là trong giai đoạn phục hồi sau dịch COVID-19 đi sâu và len lỏi vào nội địa với nhiều thủ đoạn mới.
Toạ đàm “Chống buôn lậu và gian lận thương mại: công tác phối hợp và chế tài xử lý” .

Ông Bùi Văn Hoàn - Cục phó Cục Điều tra Chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) đã nhấn mạnh như vậy tại Toạ đàm “Chống buôn lậu và gian lận thương mại: công tác phối hợp và chế tài xử lý” do tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 29/11.

Ông Bùi Văn Hoàn - Cục phó Cục Điều tra Chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) chia sẻ thủ đoạn mới trong buôn lậu và vi phạm sở hữu trí tuệ.

Theo ông Bùi Văn Hoàn, tình trạng nhập gia công, thay thế nhãn mác, làm giả xuất xứ rồi xuất đi nước thứ 3 ảnh hưởng đến thương hiệu Việt và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế đã diễn ra. Đối mặt với tình trạng này, các doanh nghiệp làm ăn chân chính gặp nhiều khó khăn, thậm chí dẫn đến phá sản. Đến nay, Cục Điều tra chống buôn lậu đã bắt và xử lý 14.700 vụ vi phạm, tổng trị giá là hơn 5.100 tỷ, xử phạt và nộp ngân sách nhà nước 334 tỷ đồng, khởi tố 36 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố là 112 vụ.

Đánh giá kết quả thực hiện, từ đầu năm 2022, ông Bùi Văn Hoàn cũng cho biết: thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan, Cục Điều tra chống buôn lậu triển khai nhiệm vụ đấu tranh chống hàng giả, gian lận thương mại trước và sau Tết Nguyên đán. Hiện nay, Cục Điều tra chống buôn lậu đã triển khai kịp thời Công điện 671 của Chính phủ tới Cục Hải quan các địa phương, các phòng ban, trong đó Cục Điều tra chống buôn lậu là nòng cốt để cùng xây dựng kế hoạch, đưa ra những định hướng đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các doanh nghiệp lợi dụng chính sách ưu đãi để trục lợi. Tuy nhiên, để làm triệt để, cần có sự phối hợp, chung tay xử lý của các cơ quan chức năng có liên quan.

Trong giai đoạn tới, Cục Điều tra chống buôn lậu sẽ tiếp tục phối hợp tốt với các cơ quan chức năng thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) thực hiện tốt công tác quản lý xuất nhập khẩu, ngăn chặn hiệu quả tình trạng buôn lậu và vi phạm sở hữu trí tuệ để người dân được tiêu dùng sản phẩm tốt, chất lượng, nhất là trong tháng cuối năm và Tết Nguyên đán sắp tới.

Ở góc độ hiệp hội, ông Nguyễn Đăng Sinh, Chủ tịch Hiệp hội Chống Hàng Giả  (VATAP) cho biết, Hiệp hội cũng nhận được nhiều phản ánh từ các doanh nghiệp có tình trạng hàng giả, hàng lậu tương tự. Bên cạnh đó, cũng có nhiều khó khăn vướng mắc trong phối hợp khi xử lý các vụ việc gồm khó khăn trong xác định kho hàng, chủ sở hữu hoặc công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng, cơ quan quản lý thị trường…

Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên theo đánh giá của các chuyên gia, vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn tiếp tục âm thầm diễn ra, hình thức và phương pháp ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gây khó khăn cho các cơ quan thực thi pháp luật, tạo ra nhiều hệ lụy xấu cho doanh nghiệp, ảnh hưởng không nhỏ đến tính mạng, tài sản và quyền lợi người tiêu dùng, xa hơn nữa là tác động xấu tới toàn xã hội.

Tin, ảnh: Kim Dung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực