Cải cách môi trường đầu tư: Điểm sáng chính sách

Thứ tư, 21/04/2021 00:34
(ĐCSVN) - Cải cách môi trường đầu tư kinh doanh và phát triển doanh nghiệp có thể được xem là một trong những điểm sáng chính sách trong 5 năm qua tại Việt Nam. Môi trường kinh doanh đã trở nên an toàn hơn, bình đẳng hơn giữa các thành phần kinh tế, thủ tục hành chính đã được cải thiện, chi phí không chính thức có chiều hướng giảm…

Đó là nhận định của TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại hội thảo Báo cáo Chương trình cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam: Góc nhìn từ Doanh nghiệp (Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết 02 năm 2020 và Nghị quyết 35 năm 2016 của Chính phủ) do VCCI tổ chức hôm nay (20/4) tại Hà Nội.

 Hình ảnh tại hội thảo (Ảnh: M.P)

Theo TS. Vũ Tiến Lộc, chưa bao giờ mà các từ khoá như “môi trường kinh doanh”, “đơn giản thủ tục hành chính”, “tạo thuận lợi cho doanh nghiệp”… lại được nhắc đi nhắc lại không chỉ ở cấp Chính phủ mà còn ở nhiều các cơ quan khác, nhiều diễn đàn chính sách khác như hiện nay.

Tuy nhiên, ông Lộc cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, những thách thức cần đặt ra đối với việc cải thiện môi trường kinh doanh trong 05 năm tới sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với những gì đã làm được.

Đồng tình với nhận định đó, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), Giám đốc Aus4Reform (Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam) cho rằng, môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều trở ngại với doanh nghiệp như: các điều kiện kinh doanh bất cập ở cấp luật; điều kiện kinh doanh chồng chéo, không cần thiết, không minh bạch hoặc can thiệp sâu vào quyền tự quyết của doanh nghiệp; hoạt động kiểm tra chuyên ngành chuyển biến chậm; cơ chế một cửa chưa thực sự hiệu quả khi doanh nghiệp vẫn phải nộp kèm bản giấy, thiếu kết nối giữa các bộ ngành, hệ thống công nghệ thông tin bị nghẽn.

Trình bày báo cáo tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI nêu rõ, theo các doanh nghiệp, những cải cách trong lĩnh vực thành lập doanh nghiệp và tiếp cận điện năng vẫn được đánh giá cao nhất và xếp cuối cùng là lĩnh vực phá sản.

Tuy nhiên, ông Tuấn nhấn mạnh, tốc độ cải thiện dường như chậm lại so với các năm trước, và xu hướng thay đổi của các lĩnh vực tương đối trái ngược: các lĩnh vực có điểm số thấp (phá sản, bảo vệ nhà đầu tư và xuất nhập khẩu) tăng điểm, trong khi các lĩnh vực có điểm cao (thành lập doanh nghiệp, tiếp cận điện năng) lại giảm điểm.

“Đáng chú ý, cùng liên quan đến tài chính doanh nghiệp, trong khi tiếp cận tín dụng năm 2020 được cảm nhận khó khăn hơn so với năm 2019, thì thủ tục thuế lại trở nên dễ dàng hơn nhiều”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Cụ thể, thủ tục nộp thuế và bảo hiểm xã hội có sự tiến bộ đáng ghi nhận trong năm 2020. Tuy vậy, trung bình vẫn có 22% doanh nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính lĩnh vực thuế như đề nghị miễn, giảm thuế (với 23% doanh nghiệp gặp phải), hoàn thuế (18%), quyết toán thuế (17%)…

Theo báo cáo của VCCI, các doanh nghiệp cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, ngành thuế đã có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn tiền nộp thuế, tiền thuê đất, giảm phí và lệ phí) với các thủ tục được thiết kế đơn giản, dễ thực hiện. Hệ thống công nghệ thông tin của ngành thuế cũng đáp ứng được nhu cầu tăng cao về nhu cầu thực hiện qua hình thức điện tử. Các quy định mới đang được soạn thảo về quản lý thuế với hoạt động thương mại điện tử và cung cấp dịch vụ xuyên biên giới được kỳ vọng cần đảm bảo tính công bằng thuế và tạo sự thuận tiện cho việc áp dụng của các bên liên quan.

Báo cáo của VCCI cũng chỉ ra rằng, loạt Nghị định về cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục điều kiện kinh doanh đã tạo một cú hích quan trọng, tạo ra sự chuyển dịch xu hướng kinh doanh sang cả các ngành nghề cần điều kiện, mà một phần nguyên nhân có thể do việc xin các giấy phép đủ điều kiện kinh doanh đã trở nên dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng, dư địa cải cách trong lĩnh vực này còn rất lớn với sự tồn tại của các điều kiện không minh bạch, định tính, có thể hiểu theo nhiều cách khác nhau.

Báo của của VCCI cũng chỉ ra, mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020 đã không đạt được, khi chỉ có 811.538 doanh nghiệp đang hoạt động tại thời điểm 31/12/2020. Tác động của dịch bệnh COVID-19 là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hệ quả này.

Từ những vướng mắc nêu trên, ông Đậu Anh Tuấn cho rằng cần phải đổi mới quy trình, tăng cường chất lượng xây dựng văn bản pháp luật, giảm chồng chéo, có sự chuyên nghiệp hơn. Các cơ quan cấp phép không nên chủ trì trực tiếp quá trình soạn thảo văn bản, quy phạm pháp luật. Cùng với đó,  cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam thời gian tới phải nâng cấp lên, không chỉ tháo gỡ rào cản nữa mà cần phải tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch. Sự ổn định và dễ dự đoán của chính sách cũng là một nội dung mà nhiều doanh nghiệp quan tâm, đặc biệt là các doanh nghiệp đầu tư lớn vào các ngành sản xuất chế tạo và hạ tầng./.

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực