Cần Giuộc xây dựng thương hiệu sản phẩm rau ứng dụng công nghệ cao

Thứ hai, 05/07/2021 22:32
(ĐCSVN)- Theo UBND huyện Cần Giuộc, địa phương này có thế mạnh trồng các loại cây rau màu, sản phẩm không những được cung cấp cho thị trường tỉnh Long An mà còn được thị trường TP Hồ Chí Minh và các địa phương khác tiêu thụ với sản lượng hàng trăm nghìn tấn mỗi năm.
leftcenterrightdel

Mô hình trồng rau sạch đang phát huy hiệu quả kinh tế ở Cần Giuộc.

(Ảnh: P.V)

Huyện Cần Giuộc là vùng chuyên canh rau lớn nhất của tỉnh Long An, với diện tích sản xuất khoảng trên 1.700 ha, cung cấp khoảng 140.000 tấn rau mỗi năm. Do điều kiện thổ nhưỡng nên rau gia vị trồng tại đây có mùi vị rất đặc trưng, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Để sản phẩm rau của huyện ngày càng phát triển, Cần Giuộc đã tập trung xây dựng thương hiệu rau để đưa vào các thị trường lớn và hướng đến xuất khẩu. Với mong muốn hỗ trợ huyện Cần Giuộc có thêm điều kiện để phát triển sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao, các ngành, doanh nghiệp đã có sự trợ giúp về kỹ thuật, cơ sở vật chất, để nông dân huyện Cần Giuộc sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao.

Theo lãnh đạo huyện Cần Giuộc, rau là loại nông sản được trồng chủ yếu ở các xã vùng thượng của huyện. Hiện Cần Giuộc có trên 3 nghìn ha trồng rau với sản lượng trên 60.000 tấn/năm. Chính vì vậy, việc xây dựng thương hiệu rau Cần Giuộc là điều cần thiết để phát triển bền vững ngành hàng này tại địa phương. Để thực hiện được mục tiêu đó, huyện Cần Giuộc đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của những người tham gia công tác quản lý, hợp tác xã, tổ hợp tác cũng như người sản xuất về tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu rau Cần Giuộc.

Theo các chuyên gia kinh tế, tất cả các đối tượng trong chuỗi giá trị rau Cần Giuộc đều cần phải có một vai trò nhất định trong việc xây dựng thương hiệu rau Cần Giuộc. Đó là việc người dân phải có sự tận tâm để làm ra những sản phẩm đạt chất lượng đúng như họ đã cam kết, đảm bảo nguồn cung ứng ổn định. Bên cạnh đó, cần đảm bảo lợi ích cho những hộ sản xuất rau an toàn để tạo sự phân biệt rõ ràng giữa sản xuất an toàn và sản xuất chưa an toàn.

Theo đại diện của các tổ hợp tác, hợp tác xã trực tiếp làm việc với các đầu mối tiêu thụ, hiện có rất nhiều nhà cung cấp đến từ nhiều địa phương cùng cạnh tranh để đưa sản phẩm vào thị trường TP Hồ Chí Minh. Vì vậy để tiếp cận với người tiêu dùng, nên thống nhất đưa nhãn hiệu Cần Giuộc lên bao bì tất cả các sản phẩm rau của Cần Giuộc. Việc sử dụng mã vạch quốc gia cho sản phẩm rau Cần Giuộc sẽ giúp minh bạch thông tin, tạo được sự tin cậy cho khách hàng.

Cùng với việc tạo chỉ dẫn địa lý cho rau Cần Giuộc là hết sức cần thiết. Bởi đây sẽ là cách bảo hộ thương hiệu cho rau Cần Giuộc, tạo nên sự khác biệt mà các địa phương khác không có được, từ đó, gia tăng giá trị cho đặc sản rau của huyện Cần Giuộc.

Được biết, ngay khi tỉnh Long An chọn cây rau để thực hiện Chương trình đột phá về phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Huyện Cần Giuộc đã được phân bổ 950 ha rau ứng dụng công nghệ cao.

leftcenterrightdel

Khách tham quan mô hình trồng rau ứng dụng công nghệ cao.

(Ảnh: Nhất Thủy)

Ở cấp huyện, Cần Giuộc cũng đã có Nghị quyết về xây dựng và phát triển vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao với mục tiêu phấn đấu toàn huyện có 1.000 ha sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao. Nhằm thực hiện mục tiêu trên, những năm qua các ngành và địa phương ở Cần Giuộc đã tăng cường thông tin tuyên truyền sâu, rộng hơn về lợi ích của việc sản xuất ứng dụng công nghệ cao; phát triển các mô hình sản xuất có hiệu quả như trồng rau trong nhà lưới, nhà màng, ứng dụng tưới tiết kiệm nước…; tăng cường vận động liên kết sản xuất – tiêu thụ với các hợp tác xã, tổ hợp tác…

Hợp tác xã Thương mại Dịch vụ Phước Thịnh (huyện Cần Giuộc) được tỉnh Long An chọn để thực hiện mô hình điểm điển hình theo Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, Hợp tác xã Phước Thịnh đã tiến hành xây dựng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, chuỗi liên kết tiêu thụ thực phẩm an toàn. Hơn 100 thành viên cùng nhiều hộ liên kết theo thời vụ của Hợp tác xã đã sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hướng đến sản xuất hữu cơ. Làm tốt công tác nắm bắt tình hình thị trường, Hợp tác xã Phước Thịnh còn đưa ra định hướng sản xuất cho các xã viên nhằm cân bằng đầu ra, ổn định giá cả.

HIện nay, huyện Cần Giuộc đã có trên hai chục hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực sản xuất rau, có liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Trong đó, nhiều hợp tác xã được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, và cấp sản xuất rau theo chuỗi an toàn. Ngoài ra, các hợp tác xã đều có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm./.

B. Châu (TH)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực