Cần hướng dẫn thống nhất để cộng đồng doanh nghiệp thích ứng linh hoạt, an toàn

Thứ tư, 13/10/2021 14:47
(ĐCSVN) – “Cộng đồng doanh nghiệp đang rất kỳ vọng chờ đợi hướng dẫn mới của Chính phủ nhằm thực hiện thống nhất trên cả nước, với chủ trương mới đã được Hội nghị Trung ương thống nhất là phòng chống dịch với tư duy mới là thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh”.

Đó là chia sẻ của TS Trần Khắc Tâm, đại biểu Quốc hội khóa XIII, đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng, nhiệm kỳ 2021- 2026, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Phó Chủ tịch Hội đồng các Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, Ủy viên Ban Chấp hành Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam 13/10.

 TS Trần Khắc Tâm hiện là Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Trần Liên Hưng Sóc Trăng.

Phóng viên (PV): Trải qua 4 “cơn bão” dịch COVID-19 liên tiếp, khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó khăn, doanh nghiệp của ông hiện hoạt động thế nào?

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng Trần Khắc Tâm: Xin cho tôi nói về cái chung trước. Tính từ đầu năm đến thời điểm này, cả nước ta có khoảng trên dưới 100.000 doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường, trong đó có nhiều doanh nghiệp phá sản. Con số này và chỉ số tăng trưởng kinh tế (GDP) quý III/2021 âm 6,17% đã cho chúng ta thấy mức độ “tàn khốc” của đại dịch. Việc TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố miền Nam phải thực hiện giãn cách nghiêm ngặt trong suốt thời gian dài đã làm cho hoạt động kinh tế - xã hội đình trệ, chuỗi sản xuất, cung ứng, lưu thông hàng hoá bị đứt gãy, các doanh nghiệp bị tê liệt.

Thực trạng cả trăm ngàn doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường không chỉ tác động lớn đến chính các chủ doanh nghiệp, đến cộng đồng doanh nghiệp, mà khó khăn của doanh nghiệp cũng là khó khăn của hàng triệu lao động khi họ mất việc làm, không có thu nhập, đối diện với cuộc sống vô cùng khó khăn. Chúng ta vừa trải qua 2 tuần lễ chứng kiến dòng người di chuyển khỏi trung tâm kinh tế lớn nhất nước là Miền Đông Nam Bộ về các tỉnh Miền Tây, Tây Nguyên và trở lại Miền Bắc. Đấy là hình ảnh mang lại cho mỗi người Việt Nam chúng ta nhiều cảm xúc nhất, để chúng ta thấy mức độ khó khăn, những bi kịch mà đại dịch COVID-19 gây ra cho đất nước mình. Chưa hết, doanh nghiệp không hoạt động được cũng ảnh hưởng rất lớn đến nguồn thu ngân sách, ảnh hưởng đến đầu tư công và nhiều vấn đề khác nữa.

Với cá nhân tôi thì ảnh hưởng của đại dịch cũng không ngoại lệ, thời gian giãn cách nghiêm ngặt thì người lao động cũng phải tạm thời nghỉ việc, ảnh hưởng đến thu nhập và cuộc sống của họ. Nhưng Trần Liên Hưng là một doanh nghiệp rất nhỏ, chúng tôi không phải là doanh nghiệp sản xuất nên ảnh hưởng cũng không quá lớn, may mắn là chúng tôi chưa lâm vào cảnh phải nợ nần, không phải rút khỏi thị trường nên sau khi nới giãn cách chúng tôi sẽ hoạt động trở lại ngay.

PV: Dù gặp không ít khó khăn, nhưng đội ngũ doanh nhân đã có rất nhiều đóng góp cùng chính quyền trong công tác phòng, chống dịch, doanh nhân tỉnh Sóc Trăng đã thể hiện tinh thần đó như thế nào, thưa ông?

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng Trần Khắc Tâm: Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, bao gồm cả doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp tư nhân, đã đóng góp rất lớn cho công tác phòng chống dịch COVID-19. Nhìn trên bình diện cả nước, chúng ta thấy rằng cộng đồng doanh nghiệp đã đóng góp cả ngàn tỉ đồng để mua vaccine ngừa COVID-19, các trang thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, xây dựng các bệnh viện dã chiến, mua lương thực thực phẩm cứu trợ đồng bào khó khăn… Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn khiến trăm ngàn doanh nghiệp phải rút khỏi thị trường như tôi đã nêu trên, hàng chục ngàn doanh nghiệp khác phải đối mặt với khó khăn, chật vật trong hoạt động, nhưng vẫn cố gắng duy trì đến mức có thể các phúc lợi của người lao động. Đây là sự tiếp nối truyền thống quý báu của dân tộc ta đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận tại Hội nghị Trung ương 4 vừa qua, đó là “lá lành đùm lá rách”, “lá rách ít đùm lá rách nhiều”, “bầu ơi thương lấy bí cùng”… Điều đó cũng nói lên rằng đại đa số doanh nghiệp, doanh nhân của chúng ta đồng hành cùng dân tộc, phụng sự Tổ quốc, chia ngọt sẻ bùi với người lao động, với đồng bào, đặc biệt trong những giai đoạn khó khăn.

Sóc Trăng là một tỉnh nghèo, cộng đồng doanh nghiệp còn ít về số lượng, lại chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, rất nhỏ, thời gian qua đã gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, cùng chung dòng chảy phụng sự Tổ quốc của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, chúng tôi đã cố gắng làm tất cả những gì có thể để tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, góp công, góp sức cùng chính quyền để phòng chống dịch bệnh, thực hiện công tác thiện nguyện đối với xã hội, hỗ trợ cho người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn.

PV: Khi dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát tại nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực phía Nam, nhiều doanh nghiệp đã lên phương án tăng công suất, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp cũng bày tỏ lo lắng “mở ra, đóng vào”, thiếu nguồn lao động, nguồn vốn... doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng có chung những nỗi lo đó?

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng Trần Khắc Tâm: Hiện tại, tình hình dịch bệnh còn diễn biến rất phức tạp trên địa bàn Sóc Trăng, nên vấn đề bạn đặt ra là nỗi cho chung của chúng tôi. Trong đầu tư kinh doanh, khi một công ty, nhà máy phải hoạt động cầm chừng, không hết công suất thì đương nhiên là hiệu quả không cao. Hơn nữa, chi phí sản xuất kinh doanh thời gian qua đã bị đội lên rất nhiều bởi các chi phí phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là các chi phí xét nghiệm, chi phí hỗ trợ công nhân “3 cùng”, chi phí cho lưu thông hàng hoá… Và đúng như bạn nói, doanh nghiệp rất sợ phải “mở ra, đóng vào” bởi như vậy sẽ rất bị động, đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, bị phạt khi không giao hàng đúng hẹn, tăng chi phí…

Chính vì vấn đề đặt ra như trên, nên cộng đồng doanh nghiệp đang rất kỳ vọng chờ đợi hướng dẫn mới của Chính phủ nhằm thực hiện thống nhất trên cả nước, với chủ trương mới đã được Hội nghị Trung ương thống nhất là phòng chống dịch với tư duy mới là thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh. Tư duy zezo COVID-19 đã không còn phù hợp. Chúng ta cũng đang đẩy mạnh tốc độ bao phủ vaccine. Do đó, phải sớm trở về trạng thái bình thường mới và bình thường để duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội liên tục, liền mạch, thống nhất trong cả nước. Chỉ khi thực hiện được điều này thì Việt Nam mới có thể khẩn trương hồi phục kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng.

PV: Để giúp các doanh nghiệp có nhiều cơ hội phục hồi, phát triển trở lại sau dịch bệnh, ngoài nỗ lực của doanh nghiệp, với vai trò Chủ tịch Hiệp Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng, Phó Chủ tịch Hội đồng các Hiệp hội Doanh nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long, ông đã có đề xuất gì với Chính phủ và tỉnh?

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng Trần Khắc Tâm: Trong thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, thông qua VCCI, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hiệp hội ngành hàng…, đã có nhiều đề xuất, kiến nghị với Chính phủ. Đấy đều là những kiến nghị xác đáng, cấp bách. Một số kiến nghị đã được Chính phủ giải quyết và chỉ đạo các địa phương giải quyết, ví dụ như vấn đề ách tắc trong lưu thông hàng hoá, vấn đề hạ lãi suất cho vay, tới đây là vấn đề miễn giảm thuế, phí… Chúng tôi cũng đang trông đợi Chính phủ hướng dẫn cụ thể về các điều kiện thích ứng linh hoạt, an toàn với dịch bệnh theo tinh thần của Trung ương, sau đấy thực tiễn đặt ra những vấn đề gì thì chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hoàng Mẫn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực