Chỉ số công nghiệp của Đồng Nai có thể tăng 9%

Thứ tư, 07/10/2020 16:35
(ĐCSVN) – Theo UBND tỉnh Đồng Nai, định hướng phát triển công nghiệp của địa phương này là hướng đến việc thu hút các dự án có giá trị gia tăng cao. Mục đích là để thêm lợi nhuận cho doanh nghiệp và tăng nguồn thu cho ngân sách của tỉnh. Năm 2020, dự tính chỉ số công nghiệp của Đồng Nai tăng 9%.
Sản xuất hàng xuất khẩu trong khu công nghiệp ở Đồng Nai. (Ảnh: Báo Đồng Nai) 

Sở Công thương Đồng Nai cho hay, chỉ số sản xuất công nghiệp giai đoạn 2016- 2020 duy trì mức tăng trưởng khá và luôn đạt kế hoạch đề ra. Cụ thể, năm 2016 tăng 8,3%; năm 2017 tăng 8,7%; năm 2018 tăng 9,1%; năm 2019 tăng 8,8%. Trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng sản xuất công nghiệp của tỉnh.

Đến nay, tỉnh Đồng Nai đã có 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động thu hút gần 2 nghìn dự án đầu tư trong nước và nước ngoài. Trong đó, hơn 80% hàng hóa sản xuất ra được đưa đi xuất khẩu qua hơn 170 quốc gia, vùng lãnh thổ và gần 20% hàng hóa tiêu thụ trong nước. Nhiều doanh nghiệp của Đồng Nai hiện đang gia công cho các tập đoàn đa quốc gia, lĩnh vực đang gia công lớn là xơ sợi dệt, dệt may, giày dép, linh kiện điện tử, thiết bị máy móc...

Theo kế hoạch đề ra, năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp của Đồng Nai sẽ đạt 709 nghìn tỷ đồng, gấp 1,6 lần so với năm 2015 và tăng bình quân trên 8,5%/năm. Tuy nhiên năm nay ngành công nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 nên khả năng mức tăng trưởng có thể thấp hơn dự kiến.

Những năm gần đây, các doanh nghiệp đã chú ý hơn đến việc xây dựng thương hiệu ở thị trường trong nước, nước ngoài để mở rộng sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Hàng loạt các doanh nghiệp trong khu công nghiệp Đồng Nai đã xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chiếm lĩnh được thị trường trong nước, nước ngoài như: Ajinomoto, Nescafé, đường Biên Hòa, bánh kẹo Bibica...

Đồng chí Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, trong thu hút  đầu tư vào các khu công nghiệp, tỉnh sẽ chú trọng chọn những dự án có giá trị gia tăng cao. Vì vậy, những dự án có tổng vốn đăng ký ít nhưng giá trị gia tăng cao tỉnh sẽ chọn, còn dự án có tổng vốn lớn, song giá trị gia tăng thấp sẽ từ chối.

Liên quan đến phát triển kinh tế, những năm qua, tỉnh Đồng Nai cũng đã chú trọng đẩy mạnh kết nối về hạ tầng, phối hợp giao thương kinh tế với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khác trong khu vực.

Là khu vực sản xuất hàng hóa lớn cho hơn 20 triệu cư dân trong vùng, Đồng Nai cũng là thị trường tiêu thụ hàng hóa chỉ đứng thứ 2 sau TP. Hồ Chí Minh nên cơ hội hợp tác là rất lớn.

Được biết, giai đoạn 2016-2020, Đồng Nai thực hiện chương trình hợp tác thương mại và kết nối cung cầu hàng hóa với TP. Hồ Chí Minh. Đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực nhằm triển khai có hiệu quả các nội dung đã ký kết trong giai đoạn này. Đó là TP. Hồ Chí Minh hỗ trợ Đồng Nai trong thời điểm cần hỗ trợ tiêu thụ chuối, tiêu thụ thịt lợn, phối hợp trong công tác kiểm tra giám sát thị trường. Đồng Nai cũng phối hợp với Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh trong việc xây dựng đề án “Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm giữa thành phố và các tỉnh, thành Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”, giới thiệu các tập đoàn đến Đồng Nai khảo sát đầu tư các dự án trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Việc hàng hóa sản xuất tại địa phương tham gia vào hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ của TP. Hồ Chí Minh không chỉ góp phần phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố, mà còn có tác động tích cực đến hoạt động sản xuất hàng hóa ở các địa phương chuyển dịch theo hướng văn minh, hiện đại./…

K.V

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực