Chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và gắn kết xã hội

Thứ tư, 25/11/2020 19:42
(ĐCSVN) – Năm 2020, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 nổ ra bất ngờ và diễn biến phức tạp, tàn phá nền kinh tế thế giới và tác động mạnh mẽ đến đời sống và hoạt động kinh tế của Việt Nam, Chính phủ đang chịu nhiều áp lực, đặc biệt là áp lực về vấn đề thu, chi ngân sách trong khi vẫn phải đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát và an toàn nợ công.
 Hình ảnh tại Diễn đàn (Ảnh:M.P0

Ngày 25/11 tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), với tư cách tổ chức điều phối Liên minh Công bằng Thuế (VATJ), đã tổ chức Diễn đàn Chính sách Tài khóa và Phát triển Việt Nam 2020 với chủ đề “Chính sách tài khóa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và gắn kết xã hội”

Diễn đàn là sự kiện được tổ chức hàng năm do Liên minh Công bằng Thuế Việt Nam (VATJ) chủ trì, quy tụ các nhà khoa học, nhà quản lý, hoạch định chính sách, doanh nghiệp và giới truyền thông cùng thảo luận về các vấn đề chính sách liên quan đến hoạt động tài khóa.

Diễn đàn tập trung thảo luận những vấn đề và lựa chọn chính sách trong lĩnh vực tài khóa nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô trong hoàn cảnh đặc biệt hiện nay. Các chuyên gia cũng nên thực trạng thu, chi ngân sách trong điều kiện dịch COVID-19 và một số khuyến và ảnh hưởng của vay nợ Chính phủ đối với tăng trưởng kinh tế tư nhân tại Việt Nam. Bên cạnh đó, những bất cập trong chính sách miễn giảm thuế VAT tại các nước cũng được các chuyên gia diễn giải như một kênh tham khảo.

Theo nghiên cứu của ThS. Phạm Văn Long, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược (VESS), thuế chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thu ngân sách nhà nước với con số trung bình là 78% trong giai đoạn 2006-2019. Tốc độ tăng trưởng của thu ngân sách nhà nước cũng đang có xu hướng chậm lại trong ba năm trở lại đây. Tổng thu ngân sách trên GDP đã giảm trong một thập kỷ trở lại đây. Năm 2016, con số này là 25,7%.

Chia sẻ về thực trạng chi ngân sách trong điều kiện dịch COVID-19, chuyên gia nghiên cứu độc lập Lê Hoài Nam cho biết, với tác động của dịch COVID-19 đến thu chi ngân sách, Việt Nam và trên thế giới cần đưa ra một chính sách tài khóa hợp lý, xem xét dựa trên mục tiêu của Việt Nam. Việc Việt Nam lựa chọn mục tiêu chung với mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế là hướng đi đúng đắn, tuy nhiên làm được hay không phụ thuộc vào việc chúng ta lựa chọn chính sách có phù hợp hay không.

Đại dịch COVID-19 đang có tác động sâu rộng đến toàn thế giới và trong đó có Việt Nam. Việc ổn định sản xuất trong thời gian qua, tạo lợi thế cho hàng hóa Việt Nam chiếm lĩnh thị trường trong nước, mở rộng thị trường, lĩnh vực và ngành nghề xuất khẩu hàng hóa ra các nước, củng cố nội lực của nền kinh tế, tăng tính chủ động trong cung ứng nguyên vật liệu, kiểm soát chất lượng đầu vào, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm đầu ra để tiến tới tái cơ cấu nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia khuyến nghị, cần có phương án cắt giảm chi tiêu hiệu quả và tìm nguồn thu bền vững hơn trong bối cảnh thuế trực thu đang chiếm tỷ trọng ngày càng thấp. Cần có những thay đổi trong tỷ lệ, số lượng thu nhập hoạc đối tượng phải nộp thuế liên quan đến từng khung để tính thuế suất thuế thu nhập cá nhân, thay vì chỉ đề cập đến thu nhập tối thiểu không phải nộp thuế hay nâng mức giảm trừ gia cảnh. Rà soát lại chính sách ưu đãi thuế với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp FDI. Cần tính toán và công khai thông tin về chi qua thuế thông qua hình thức ưu đãi thuế cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa trong việc cơ cấu lại các khoản chi ngân sách để giảm nợ công, giảm thâm hụt ngân sách. Chi ngân sách cho y tế, giáo dục cần được tăng thêm nhưng cần được công khai trong các báo cáo ngân sách. Đặc biệt, cần công khai, minh bạch các khoản thu của các quỹ ngoài ngân sách cho người dân được biết. Đồng thời, chính phủ cần tiếp tục cải thiện tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thu và chi ngân sách ở mọi cấp chính quyền. Lấy việc công khai làm tiêu chí đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức và cá nhân phụ trách.

Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà khoa học đã có buổi tham luận về những cơ hội, thách thức và cả những giải pháp nhằm vạch ra những định hướng để góp phần tăng nguồn thu và giảm nguồn chi ngân sách. Đặc biệt, các chuyên gia nhấn mạnh, cần gắn kinh tế số, công khai minh bạch trong thu chi ngân sách nhằm hướng đến sự phát triển bền vững của nguồn ngân sách nhà nước trong tương lai./.

M.P

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực