Chủ động chuẩn bị giống cho trồng rừng vụ Xuân Hè

Thứ tư, 07/04/2021 15:21
(ĐCSVN) - Trên cơ sở căn cứ vào tình hình khí tượng thủy văn được dự báo, Tổng cục Lâm nghiệp đề nghị các địa phương chủ động chuẩn bị cây giống đủ số lượng, bảo đảm chất lượng tốt, đồng thời, khảo sát, chuẩn bị hiện trường, thiết kế trồng rừng bảo đảm kỹ thuật khi từ tháng 4-6 là mùa trồng rừng vụ Xuân Hè của hầu hết các tỉnh trong cả nước.
 Ảnh minh họa (Ảnh: QH)

Theo bản tin của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia và cơ sở dữ liệu theo dõi mùa vụ trồng rừng toàn quốc, dự báo, từ nay đến khoảng tháng 5/2021 ít có khả năng xuất hiện bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) trên Biển Đông. Đồng thời, tháng 6/2021, bão và ATNĐ có khả năng bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía Bắc Biển Đông và gia tăng tần suất trong những tháng tiếp theo. Trong các tháng chuyển mùa (từ tháng 4-6/2021) đề phòng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: dông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc.

Đáng chú ý, trong tháng 4/2021, nguy cơ xảy ra khô hạn, thiếu nước cục bộ tại các tỉnh Nghệ An, Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên, sau đó mở rộng ra các tỉnh khác ở Trung Bộ. Tình trạng khô hạn gay gắt hơn tại những nơi ngoài vùng cấp nước của công trình thủy lợi, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và sản xuất.  Với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, từ nay đến cuối tháng 4/2021, khả năng xuất hiện thêm 3-4 đợt xâm nhập mặn tăng cao.

Trên cơ sở đó, với thời điểm từ tháng 4 đến tháng 6 là mùa trồng rừng vụ Xuân Hè của hầu hết các tỉnh trong cả nước, Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đề nghị các địa phương chủ động chuẩn bị cây giống đủ số lượng, bảo đảm chất lượng tốt, kiểm soát nguồn gốc giống cây trồng lâm nghiệp theo quy định. Đồng thời, khảo sát, chuẩn bị hiện trường, thiết kế trồng rừng bảo đảm kỹ thuật.  Xử lý thực bì, cuốc hố, lấp hố, trồng cây, chăm sóc, bón phân,…đúng hướng dẫn kỹ thuật đối với từng loài cây.

Tổng cục Lâm nghiệp cũng lưu ý cần tranh thủ thời vụ và thời tiết thuận lợi, trồng rừng vào những ngày râm mát, có mưa ẩm để đảm bảo cây trồng đạt tỷ lệ cây sống cao; không trồng vào những ngày nắng nóng, hạn hán kéo dài hoặc mưa lũ lớn. Đối với trồng rừng ngập mặn, cần vào thời điểm ít có gió mạnh, sóng biển thấp và thủy triều rút.

Bên cạnh đó, cần chú ý phòng trừ một số loài sâu bệnh hại chủ yếu như: khô lá, đốm lá, sâu cánh cứng hại Hồi; dế, mối ăn cây non, sâu kèn, bệnh phấn trắng trên cây Keo,…

Ngoài ra, Tổng cục Lâm nghiệp yêu cầu các địa phương tiếp tục tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021. Tổ chức triển khai rà soát, xác định quỹ đất, xây dựng kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh phân tán hàng năm và cả giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 1/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực