Chủ động xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từng địa phương

Thứ tư, 15/09/2021 23:37
(ĐCSVN) – Cần thiết phải tạo cơ hội để các địa phương trao đổi trực tiếp với các cơ quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và với nhau. Đồng thời, tăng cường phối hợp thực hiện để cùng nhau triển khai tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi chương trình Nghị quyết và mục tiêu chung mà Đảng cùng Nhà nước đặt ra, từng bước vượt qua dịch bệnh, củng cố và phát triển bền vững đất nước giai đoạn mới.

Triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022

Sáng 15/9, Hội nghị trực tuyến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022 vùng Bắc trung bộ và Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên đã diễn ra. Đây là hội nghị lần thứ hai được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 3 miền Bắc, Trung, Nam bao gồm 6 vùng trong cả nước. Mặc dù các địa phương và Bộ, ngành có nhiều việc cần triển khai trong những tháng cuối năm, đặc biệt là dành nhiều thời gian nỗ lực để phòng chống dịch bệnh, Hội nghị đã thu hút sự tham dự của 19 tỉnh trong vùng. Điều này cũng cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng kế hoạch năm tiếp theo là vô cùng quan trọng.

 Thứ trưởng Bộ Kế  hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại Hội nghị (Ảnh: MPI)

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông khẳng định, việc họp với các địa phương về công tác xây dựng kế hoạch trong 5 năm trở lại đây đã được Bộ cải tiến theo hướng nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch; các địa phương không cần phải về làm việc với Bộ trong xây dựng kế hoạch mà Bộ chủ động làm việc với các địa phương theo vùng. Đây là cách làm tốt để giảm bớt thời gian đi lại của các địa phương, để nghe được nhiều thông tin hơn giữa các địa phương với nhau, cùng nhau nhìn nhận đánh giá các tỉnh trong vùng, các tỉnh có điều kiện tương tự với nhau để xem có những cách làm nào tốt, mô hình nào hay để có thể rút kinh nghiệm, học tập, nhân rộng, đồng thời chỉ ra những hạn chế cần rút kinh nghiệm để khắc phục. “Đây cũng là cách mà các địa phương trao đổi trực tiếp với các cơ quan của Bộ KH&ĐT nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc được các đơn vị chuyên môn của Bộ giải thích, hướng dẫn ngay giúp cho việc tháo gỡ khó khăn được nhanh hơn; đồng thời cũng là dịp mà các địa phương tăng cường công tác phối hợp với nhau, tăng cường thông tin mà có thể học tập lẫn nhau, chia sẻ với nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, đó là mục tiêu quan trọng mà chúng ta xây dựng hàng năm’’- Thứ trưởng Đông nói.

Đánh giá toàn diện thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư của vùng 8 tháng 2021

Hội nghị hôm nay là dịp các địa phương đánh giá toàn diện, phân tích các mặt được, chưa được và làm rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan và các giải pháp đối với tình hình triển khai thực hiện phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư 8 tháng đầu năm và ước thực hiện cả năm 2021. Trong đó, đánh giá rõ việc dự kiến kết quả thực hiện chỉ tiêu GRDP của các địa phương trong năm 2021. Từ đó, kiến nghị các giải pháp đúng, chia sẻ cách làm hay để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và triển khai kế hoạch đầu tư công trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19, đặc biệt là công tác giải ngân trong 9 tháng đầu năm và những tháng cuối năm 2021 trên tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị về công tác giải ngân vừa qua. Tập trung vào việc khả năng thực hiện giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng đầu năm phải đạt tối thiểu 60% kế hoạch đã được giao từ đầu năm. 

Đặc biệt, cũng qua đây, dự kiến xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công năm 2022. Trong đó, cần tập trung về công tác dự báo, đánh giá, phân tích tình hình, bối cảnh “bình thường mới”, nêu bật những vấn đề khó khăn, vướng mắc và những tồn tại, hạn chế để Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, giải đáp hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ.

Bên cạnh đó, cùng trao đổi, thảo luận để làm rõ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội liên quan đến từng lĩnh vực tại địa phương như về quy hoạch, đầu tư công, thu hút đầu tư trong và ngoài nước, khắc phục các tác động của dịch bệnh COVID-19, các vấn đề về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, về lao động, đầu tư kinh doanh, an sinh xã hội, phục hồi sản xuất trong trạng thái bình thường mới. Đặc biệt là tiến độ giải ngân các nguồn vốn (trong đó có đầu tư công và đầu tư tư còn rất chậm).

 Hình ảnh điểm cầu ở trụ sở Bộ tại Hà Nội (Ảnh: MPI)

Song song là nghiên cứu đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng Chương trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 đảm bảo triển khai ngay sau khi dịch bệnh được kiểm soát, trong đó tập trung phục hồi các ngành, lĩnh vực trọng tâm của địa phương và vùng.

Nêu thêm các khó khăn, vướng mắc; đồng thời kiến nghị đề xuất đối với việc triển khai công tác quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 và các quy hoạch có liên quan để đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh và các quy hoạch liên quan theo quy định của Luật Quy hoạch; Bộ Kế hoạch và Đầu tư cam kết cùng với các địa phương xây dựng phương án phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương, góp phần tiến tới thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, với tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết liệt, bám sát thực tiễn, tranh thủ nắm bắt cơ hội, phát huy tiềm năng, lợi thế từng địa phương để phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh, thành phố và Nghị quyết đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Tập trung vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi kinh tế

Điểm sáng đáng mừng trong bối cảnh dịch bệnh còn phức tạp là kinh tế tiếp tục giữ được sự tăng trưởng, bảo đảm thực hiện mục tiêu “kép” vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa phòng, chống dịch COVID-19 có hiệu quả. Hoạt động sản xuất, kinh doanh cả 3 khu vực nông lâm ngư nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều tăng trưởng, thu ngân sách, xuất khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Công tác an sinh xã hội, chăm sóc y tế, người có công, người nghèo, bị ảnh hưởng dịch bệnh được đảm bảo. Đạt kết quả đạt được 8 tháng đầu năm đã phản ánh sự nỗ lực lớn của các địa phương vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2021.

 Hội nghị có sự tham dự của 19 tỉnh, thành phố thuộc vùng (Ảnh: MPI)

Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, do đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, đã tác động tiêu cực đến tình hình sản xuất kinh doanh của hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế và đời sống nhân dân. Sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi khó khăn do dịch bệnh và tiêu thụ sản phẩm, sản xuất công nghiệp một số địa phương gặp khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, tiêu thụ, vận chuyển gặp khó khăn. Một số địa phương có tốc độ tăng trưởng thấp là TP. Đà Nẵng (4,99%), Quảng Ngãi (4,03%) và Khánh Hòa (0,49%). Nguy cơ thiếu hụt lao động có kinh nghiệm, tay nghề cao do các doanh nghiệp dừng hoạt động. Người lao động rơi vào tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm tăng cao, kéo dài. 

Hội nghị xác định rõ, trong năm 2022, cùng với Trung ương, các địa phương trong vùng cần chủ động nghiên cứu, xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trên địa bàn khả thi, hiệu quả; Tiếp tục phát triển thế mạnh về kinh tế biển, công nghiệp nặng, nông nghiệp là nền tảng; công nghiệp năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo và dịch vụ logistics là đột phá; phục hồi ngành du lịch, dịch vụ; tập trung phát triển các trung tâm kinh tế động lực, các hành lang kinh tế. Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Tập trung hoàn thiện và nâng cao chất lượng quy hoạch, tăng cường phát triển liên kết vùng, ngành, cụm ngành, sớm tạo ra các vùng động lực mới, cực tăng trưởng mới.    

Theo đó, tiếp tục duy trì linh hoạt thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch, vừa duy trì sản xuất, phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân. Thực hiện tốt phương châm “vắc-xin + 5K”, trong đó vắc-xin là yếu tố quyết định, tổ chức theo hình thức tiêm chiến dịch trong thời gian ngắn nhất, theo phương châm an toàn - hiệu quả - nhanh chóng; sử dụng hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có và huy động các cơ sở tiêm chủng dịch vụ của nhà nước và tư nhân cùng tham gia. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, cải thiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo các hình thức phù hợp, vừa đảm bảo trong tình hình dịch bệnh, vừa đảm bảo sau khi dịch bệnh được kiểm soát, củng cố quốc phòng, an ninh, đảm bảo trật tự và an toàn xã hội./.

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực