Chưa thể phân phối lợi nhuận cho các cổ đông VIMC năm 2020

Thứ năm, 22/04/2021 21:37
(ĐCSVN) – Theo số liệu tài chính tại báo cáo tài chính Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam được kiểm toán, doanh thu năm 2020 đạt gần 651 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế lỗ hơn 1.100 tỷ đồng nên việc phân phối lợi nhuận cho các cổ đông chưa được thực hiện trong năm 2020.
 Năm 2020, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam chính thức chuyển sang hình thức từ Tổng công ty 100% vốn nhà nước sang Công ty cổ phần hóa trong đó Nhà nước nắm 65% vốn điều lệ,  nhà đầu tư chiến lược nắm 14,8% vốn điều lệ, công nhân viên chức, công đoàn chiếm 2% vốn điều lệ. (Ảnh: VIMC)

Ngày 22/4, tại Hà Nội, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã tổ chức đại hội cổ đông thường niên năm 2021.

Báo cáo trước các cổ đông của VIMC, Tổng giám đốc VIMC Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết: Năm 2020, VIMC chính thức chuyển đổi thành công ty cổ phần và hoàn tất các thủ tục để trở thành công ty đại chúng quy mô lớn. Tính đến nay, hơn 1,2 tỷ cổ phần của đơn vị đã được đưa vào giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Trong năm đầu tiên hoạt động với mô hình mới, VIMC gặp không ít thách thức bởi ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Tuy nhiên, bằng việc triển khai nhiều giải pháp thị trường, kết quả đạt được trong năm 2020 vẫn có những dấu hiệu khả quan. Cụ thể: “Tổng sản lượng của khối cảng biển đạt hơn 110 triệu tấn với lợi nhuận trước thuế toàn khối đạt hơn 1.400 tỷ đồng, tăng 9,8% so với kế hoạch. Khối dịch vụ hàng hải đạt hơn 1.700 tỷ đồng, tăng 12% so với kế hoạch.Riêng khối vận tải biển dù chịu khoản lỗ gần 684 tỷ đồng trong năm 2020 nhưng Tổng công ty vẫn tích cực tìm giải pháp mở rộng thị trường, duy trì hoạt động đều đặn của toàn bộ đội tàu vận tải biển và đội ngũ thuyền viên”.

Liên quan đến việc chia cổ tức, VMIC cho biết, theo số liệu tài chính tại báo cáo tài chính Công ty mẹ đã được kiểm toán, doanh thu năm 2020 đạt gần 651 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế lỗ hơn 1.100 tỷ đồng nên việc phân phối lợi nhuận cho các cổ đông chưa được thực hiện trong năm 2020.

VIMC cho biết nguyên nhân của khoản lỗ là do điều chỉnh bổ sung phân bổ, trích lập các chi phí từ các tồn tại về tài sản công nợ trong giai đoạn doanh nghiệp nhà nước trước đây khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần.

Tại đại hội, căn cứ vào thực tế, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã đặt ra mục tiêu tổng doanh thu năm 2021 đạt khoảng 10.800 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất đạt 944 tỷ đồng.

Cùng với đó, VIMC sẽ triển khai thực hiện các dự án tạo tiền đề phát triển cho giai đoạn 2021-2025 như: Dự án Bến số 4, 5 Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (Hải Phòng); nâng cấp và mở rộng cảng Quy Nhơn; các dự án đầu tư của Cảng Tiên Sa (Đà Nẵng) giai đoạn 2 và nghiên cứu đầu tư cảng Liên Chiểu.

Đồng thời, VIMC tiếp tục tái cơ cấu đội tàu theo hướng phát triển đội tàu vận tải container tải trọng lớn, hiện đại cùng các container đồng bộ; thanh lý các tàu biển thế hệ cũ; đầu tư hệ thống công nghệ thông tin có tính xương sống, kết nối toàn bộ các doanh nghiệp thành viên nhằm chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực kinh doanh của VIMC.

VIMC hiện nắm giữ cổ phần chi phối tại 19 công ty con và có vốn góp tại 15 công ty liên kết. Với việc sở hữu cổ phần chi phối tại 16 doanh nghiệp cảng biển, quản lý khai thác hơn 13.000 m cầu bến (chiếm gần 25% tổng số m cầu bến quốc gia), khả năng thông quan hơn 150 triệu tấn hàng hóa (chiếm hơn 20% cả nước), VIMC đang giữ vị trí hàng đầu của ngành hàng hải Việt Nam. Phấn đấu đến năm 2030, VIMC trở thành doanh nghiệp có thương hiệu trong khu vực; có năng lực cạnh tranh cấp độ quốc tế và tham gia chia sẻ thị trường khu vực. 

 

KC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực