Chuyển đổi số trong kinh doanh thông minh

Thứ hai, 11/01/2021 10:58
(ĐCSVN) - Tiếp nối chuỗi các sự kiện của Triển lãm Quốc tế Đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021, Tọa đàm “Chiến lược chuyển đổi số trong kinh doanh thông minh” đã chia sẻ về các xu hướng và hành vi của người tiêu dùng trong kỷ nguyên số cho các doanh nghiệp, startup có những cải tiến trong sản xuất sản phẩm và có những chiến lược mới, những mô hình kinh doanh thông minh.

Người tiêu dùng thông minh trong Kỷ nguyên 4.0

Chia sẻ tại Tọa đàm, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT Nguyễn Văn Khoa cho biết, sau 4 năm chuyển đổi số, FPT đã hoàn tất việc xây dựng cơ cở dữ liệu về khách hàng, kinh doanh, đối tác, người sản xuất. Khi tiến hành chuyển đổi số, quá trình chuyển đổi số của FPT sẽ diễn ra liên tục. Nhờ áp dụng đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số mà FPT đã nâng cao được năng suất lao động lên gấp 3 lần so với trước đây. Việc làm chủ công nghệ số, làm chủ được các mô hình kinh doanh mới, giúp cải tiến quy trình làm việc trong nội bộ, tạo ra một môi trường điều hành tốt, giúp khách hàng tiết kiệm được chi phí và tăng hiệu quả sản xuất của người lao động.

Quang cảnh Tọa đàm.(Ảnh: MPI) 

Đồng quan điểm trên, Giám đốc Phát triển thị trường Intel Việt Nam Đặng Đức cho biết, Intel có một thời gian dài để chuyển đổi số và đã được lựa chọn làm nền tảng lõi của cho các hệ thống công nghệ thông tin cũng như cung cấp dịch vụ. Intel nhìn nhận nhu cầu của thị trường tăng cao lên rất nhiều từ năm 2017, đến nay toàn bộ tiến trình sản xuất của Intel phải tăng sản lượng lên gấp đôi.

Trong khi đó, Tổng giám đốc Công ty Bosch Việt Nam Guru Mallikarjuna đánh giá, quá trình chuyển đổi số là rất cần thiết cho tất cả các doanh nghiệp không kể ngành nghề, quy mô, hình thái kinh doanh. Bosch định nghĩa chuyển đổi số là quá trình tích hợp các công nghệ số một cách toàn diện vào hoạt động kinh doanh nhằm thay đổi để làm mới, sáng tạo và định hình lại các hoạt động kinh doanh của mình để phù hợp nhất với quá trình phát triển của thị trường. Bước đầu tiên của quá trình chuyển đổi số là cần xác định một tầm nhìn chung, một tầm nhìn có thể chia sẻ đủ sâu và mạnh để thúc đẩy quá trình hành động chuyển đổi số. Để làm được điều này, các doanh nghiệp nên lấy con người và khách hàng làm trung tâm, ngoài ra cần hỗ trợ các thành viên, các nhân viên của mình hiểu được sự thay đổi này là cần thiết và tạo ra các giá trị lớn hơn giúp họ sẵn sàng thay đổi tạo ra những giá trị mới trong tương lai.

Tổng giám đốc Công ty Panel Phương Nam Giáp Văn Thanh cũng cho rằng, chiến lược chuyển đổi số rất rộng. Đó là tính tất yếu hiện nay của mọi doanh nghiệp, việc chuyển đổi số sẽ tạo nên những giá trị mới. Chuyển đổi số trong sản xuất đầu tiên là cần phải bắt đầu từ công nghệ và bắt đầu từ cấp lãnh đạo, hợp tác với các nhà cung cấp, các đối tác đã có sự chuyển đổi số và sản xuất theo mô hình số hóa sẽ giúp doanh nghiệp phát triển nhanh hơn.

Chuyển đổi số tác động mạnh mẽ tới kinh tế -xã hội. (Ảnh: HNV) 

Tổng giám đốc CMC Nguyễn Kim Cương chia sẻ, năm 2021, CMC đã tập trung vào cải thiện năng lực nội tại của toàn bộ tập đoàn, các công ty thành viên để đảm bảo có thể sử dụng tốt nhất công nghệ đang có. Đồng thời, CMC cũng mạnh dạn cắt bỏ những mảng kinh doanh không hiệu quả, xây dựng và hình thành hệ sinh thái các giải pháp công nghệ để đưa các giải pháp đến được khách hàng một cách nhanh nhất.

Ngoài ra, trong khuôn khổ Tọa đàm, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ về những ứng dụng của chuyển đổi số trong kinh doanh, những đổi mới sáng tạo trong vận hành, trong sản xuất để giúp cho các doanh nghiệp có thể cộng hưởng với sự phát triển đổi mới sáng tạo của quốc gia.

Tọa đàm đã thống nhất, cùng nhau chia sẻ những giải pháp về chuyển đổi số, những đổi mới sáng tạo đã đạt được thành công để hướng tới sự phát triển đổi mới sáng tạo chung của quốc gia./.

 

Lê Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực