Chuyển đổi số trong tiến trình phát triển đô thị bền vững

Thứ năm, 16/06/2022 15:58
(ĐCSVN) - Nghiên cứu và thực tiễn cho thấy, để phát triển và hình thành những đô thị thông minh trước hết phải thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trong các lĩnh vực, trong đó cần chú trọng hàng đầu đến chuyển đổi số trong quản lý đô thị.
TS. Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo. 

Chiều 16/6, trong khuôn khổ Diễn đàn phát triển bền vững đô thị Việt Nam, Hội thảo chuyên đề 2 được tổ chức với chủ đề “Chuyển đổi số và xây dựng hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu trong tiến trình phát triển đô thị bền vững”.

Hội thảo có sự chủ trì của các đồng chí: TS.Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương; PGS.TS. Vũ Ngọc Anh, Vụ trưởng Vụ KHCN, Bộ Xây dựng; Trần Thị Quốc Hiền, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông; ông Thomas Lê, Thành viên Ban điều hành Liên minh hợp tác công – tư phát triển đô thị thông minh; ông Ngô Diên Hy, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT đồng chủ trì.

Hội thảo có sự tham gia của 150 đại biểu trực tiếp tại điểm cầu chính cùng hơn 350 đại biểu trực tuyến là các chuyên gia, các nhà khoa học; lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và địa phương và cộng đồng doanh nghiệp...

Hội thảo nhằm tạo diễn đàn trao đổi giữa các cơ quan hoạch định, thực thi chính sách, các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế để cung cấp thêm luận cứ khoa học và thực tiễn phục vụ cho thể chế hóa và cụ thể hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng về đô thị hóa và phát triển đô thị nêu tại Nghị quyết số 06-NQ/TW, ngày 24/01/2022, của Bộ Chính trị về “quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong cho biết, trong quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị những năm qua, hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội đã được quan tâm đầu tư, tăng quy mô và cải thiện chất lượng phục vụ. Nhiều công trình đường cao tốc, quốc lộ, các tuyến vành đai tại các đô thị lớn, cảng hàng không, cảng biển quan trọng, quy mô lớn được xây dựng và nâng cấp đã góp phần làm tăng khả năng kết nối giữa các vùng, miền trong cả nước và giao thương quốc tế. Giao thông công cộng được quan tâm phát triển, hệ thống giao thông công cộng vận tải khối lượng lớn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đang dần được hình thành. Nhiều nhà máy cấp nước công suất lớn được đầu tư xây dựng. Hầu hết các đô thị đã xây dựng kế hoạch và thực hiện nâng cấp, cải tạo, đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải. Hạ tầng chiếu sáng, cây xanh được cải thiện. Hạ tầng xã hội bao gồm giáo dục và đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ, văn hóa, thể thao du lịch, thương mại và dịch vụ...tại các đô thị được quan tâm đầu tư. Hạ tầng số của Việt Nam cơ bản đạt trình độ tiên tiến trong khu vực ASEAN, internet băng thông rộng phủ 100% các xã.

Tuy nhiên, đánh giá khách quan cho thấy, cho đến nay hệ thống hạ tầng đô thị còn thiếu đồng bộ, liên kết yếu; chưa hình thành được hệ thống hạ tầng khung thống nhất và đồng bộ liên kết giữa các vùng; chưa đa dạng phương thức kết nối vùng và bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, có dấu hiệu quá tải tại các đô thị lớn. Tỉ lệ đất dành cho giao thông ở mức thấp; các tuyến đường sắt đô thị chậm tiến độ, chưa đưa vào sử dụng; hệ thống vận tải công cộng vận hành hiệu quả thấp (Chỉ đạt khoảng 16-20% so với quy định Luật Giao thông đường bộ).

An ninh, an toàn về nguồn nước, chất lượng nước, tính liên tục trong cấp nước chưa được bảo đảm, nhiều nơi người dân đô thị còn thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô hạn, xâm nhập mặn; hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị còn nhiều hạn chế, mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu thoát nước đô thị, tổng lượng nước thải được thu gom và xử lý tại đô thị chỉ đạt khoảng 13%, phần lớn các nhà máy xử lý nước thải đang hoạt động dưới công suất 50% công suất thiết kế và xây dựng; tình trạng ngập úng đô thị thường xuyên xảy ra, kể cả đối với đô thị miền núi. Xử lý chất thải rắn đa số vẫn bằng phương pháp chôn lấp, có nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, gây ô nhiễm môi trường. Hạ tầng chiếu sáng đô thị tại các đô thị trung bình và nhỏ chất lượng chưa cao. Tỷ lệ cây xanh đô thị Việt Nam chỉ bằng 1/5 trung bình thế giới, thấp hơn nhiều so với các nước có đô thị phát triển.

Chưa hình thành được hệ thống hạ tầng khung thống nhất và đồng bộ liên kết giữa các vùng; chưa đa dạng phương thức kết nối vùng; chưa tận dụng tốt địa hình, địa lý để phát triển giao thông như đường thủy, nội địa, đường sắt; liên kết nội đô thị và liên kết vùng đô thị chủ yếu dựa trên hệ thống giao thông đường bộ; giao thông cá nhân chiếm tỉ trọng gần như tuyệt đối trong giao thông đô thị. Hệ thống các công trình hạ tầng xã hội như y tế, giáo dục, văn hóa, công viên cây xanh, sân chơi cho người dân còn thiếu, chỉ tiêu thấp hơn so với quy chuẩn, tiêu chuẩn.

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao hiệu quả quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị bền vững của Việt Nam trong thời gian tới, Nghị quyết 06-NQ/TW đã đề ra mục tiêu “kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại”, đồng thời có riêng 1 nhóm nhiệm vụ về “phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, liên kết, thích ứng với biến đổi khí hậu” với nhiều định hướng giải pháp cụ thể như: Xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình đầu tư phát triển hạ tầng đô thị đến năm 2030. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và kỹ thuật diện rộng, hạ tầng số; Đầu tư tăng cường năng lực hệ thống hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là tại đồng bằng sông Cửu Long; Tăng cường khai thác sử dụng hệ thống không gian ngầm, công trình ngầm đô thị, không gian đa chức năng của đô thị; xây dựng, thúc đẩy đầu tư phát triển hạ tầng số đồng bộ tại các đô thị tương đương với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; Cấu trúc lại hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông; hình thành một số nền tảng số dùng chung cho các đô thị, vùng đô thị; Nâng cấp, cải tạo, xây dựng đồng bộ hệ thống hạ tầng xã hội hiện đại tại đô thị và mạng lưới cung cấp dịch vụ hạ tầng xã hội.

Nghị quyết 06 cũng nhấn mạnh nhiệm vụ “đẩy nhanh chuyển đổi số trong quản lý đô thị, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển đô thị thông minh”. Thực tiễn về chuyển đổi số hiện nay cho thấy, đã có 55/63 địa phương đã ban hành nghị quyết/chỉ thị/văn bản của tỉnh ủy/thành ủy về chuyển đổi số; 59/63 địa phương ban hành chương trình/kế hoạch/đề án về chuyển đổi số giai đoạn 05 năm. Chỉ số cấp tỉnh đánh giá mức độ chuyển đổi số dựa trên 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, đạt mức trung bình là 0,3 trên thang điểm tuyệt đối là 1,0. Trong 3 trụ cột nêu trên, trụ cột chính quyền số có chỉ số trung bình cao hơn so với trụ cột kinh tế số và xã hội số, do kế thừa những kết quả của tiến trình phát triển Chính phủ điện tử. Nghiên cứu và thực tiễn cho thấy, để phát triển và hình thành những đô thị thông minh trước hết phải thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trong các lĩnh vực, trong đó cần chú trọng hàng đầu đến chuyển đổi số trong quản lý đô thị.

Hình ảnh tại Hội thảo. 

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Thành Phong đề nghị các chuyên gia, các nhà khoa học, diễn giả và các đại biểu tham dự tập trung trí tuệ, đóng góp thêm những ý kiến từ thực tiễn và các nghiên cứu khoa học để góp phần vào thành công của Hội thảo.

Đồng chí cũng yêu cầu Ban Tổ chức, các vụ, cục liên quan của Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Xây dựng và các bộ, ngành liên quan tiếp thu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến để báo cáo cấp thẩm quyền xem xét các đề xuất, xử lý các kiến nghị liên quan để phục vụ việc triển khai cụ thể hóa các chủ trương của Đảng nêu trong Nghị quyết 06, góp phần xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy nhanh, hiệu quả tiến trình đô thị hóa và phát triển bên vững đô thị Việt Nam trong thời gian tới.

Trong khuôn khổ Hội thảo, các đại biểu đã nghe 06 Báo cáo chính từ các chuyên gia, nhà khoa học có kinh nghiệm trong và ngoài nước. Sau đó, Hội thảo sẽ trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về việc gắn kết giữa chuyển đổi số với xây dựng đô thị thông minh; về phát triển hạ tầng đô thị xanh, thông minh, đô thị sinh thái; về những lưu ý khi áp dụng các công nghệ số, nền tảng số tại các đô thị; về kinh nghiệm của một số địa phương trong thực hiện chủ trương quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị… Cùng nhau trao đổi, thảo luận về vấn đề thu hút nguồn lực đầu tư cho phát triển đô thị; những vấn đề cần quan tâm khi áp dụng các công nghệ và nền tảng số trong xây dựng các dự án phát triển đô thị bền vững, thông minh và đáng sống… và một số vấn đề liên quan khác.

Nguyễn Chính

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực