Huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An có 23 đơn vị hành chính gồm 21 xã, 1 thị tứ và 1 thị trấn. Với quan điểm là “cầu nối” đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với bà con nông dân, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, Trạm Khuyến nông huyện Tân Kỳ đã chỉ đạo đội ngũ khuyến nông viên cơ sở thành lập các cụm khuyến nông viên theo địa giới hành chính để thuận tiện cho việc triển khai các hoạt động khuyến nông.
Chỉ tính riêng trong năm 2017, Trạm Khuyến nông huyện Tân Kỳ đã mở gần 100 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho trên hơn 5.000 hộ; tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, hội thảo đầu bờ trên đồng ruộng cho trên 100 nhóm hộ; tổ chức xây dựng được 11 mô hình trình diễn đưa những giống mới chất lượng cao như: mô hình ương nuôi cá giống, mô hình chăn nuôi dê núi, mô hình chăn nuôi gà an toàn trên đệm lót sinh học, mô hình chuyên canh cây ăn quả…
Mô hình chăn nuôi gà an toàn trên đệm lót sinh học giúp người dân Tân Kỳ tăng thêm thu nhập. Ảnh NH
Đến nay, trên địa bàn huyện Tân Kỳ đang có 22 cán bộ khuyến nông cấp xã; trên 260 cộng tác viên khuyến nông thôn, bản. Để có được những loại cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương Trạm Khuyến nông đã phát huy tốt vai trò của đội ngũ cán bộ khuyến nông và khuyến nông viên cơ sở. Hàng năm, đội ngũ khuyến nông viên cơ sở huyện Tân Kỳ đã chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động và tham mưu cho xã, thị trấn kế hoạch phát triển kinh tế đồng thời tham gia tư vấn nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Với những việc làm cụ thể đội ngũ khuyến nông viên cở sở của Trạm đã từng bước góp phần nâng cao trình độ canh tác cho nông dân; qua đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong sản xuất nông lâm nghiệp trên địa bàn các địa phương trong huyện.
Phát triển chăn nuôi dê núi từ hơn 3 năm nay, lứa dê nào của gia đình chị Nguyễn Thị Thơm ở xã Tân Xuân (Tân Kỳ) cũng được cán bộ khuyến nông viên cơ sở đến tận nhà để hướng dẫn cách chăm sóc, phòng bệnh và cách vệ sinh chuồng trại cho đàn dê của gia đình. Với cách hướng dẫn gắn gọn, súc tích, dễ hiểu của cán bộ khuyến nông nên gia đình chị Thơm đã áp dụng khá tốt các kiến thức, kinh nghiệm được chuyển giao. Kết quả là đàn dê của gia đình lớn nhanh, sức đề kháng tốt, ít gặp dịch bệnh. Năm 2017, gia đình chị Thơm đã thu được gần 130 triệu đồng từ tiền bán dê thịt và dê giống.
Chị Thơm phấn khởi cho biết: “Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn, vợ chồng tôi đã áp dụng được nhiều kỹ thuật mới vào thực tế chăn nuôi phát triển kinh tế gia đình. Tôi và bà con trong xã luôn mong muốn tiếp tục được cán bộ khuyến nông hướng dẫn chuyển giao những kỹ thuật mới để chúng tôi chăn nuôi ngày càng có hiệu quả hơn”.
Cũng như gia đình chị Thơm, gia đình ông Phạm Văn Long ở thị trấn Lạt cũng thường xuyên được cán bộ khuyến nông viên cơ sở đến tuyên truyền về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Thực hiện mô hình chăn nuôi gà an toàn trên đệm lót sinh học, ông Long cho biết: Nuôi gà theo cách truyền thống điều lo lắng nhất là ô nhiễm môi trường và gà dễ bị dịch bệnh. Sau khi được Trạm Khuyến nông huyện Tân Kỳ tập huấn, gia đình ông đã chuyển sang sử dụng đệm lót sinh học. Một chu kỳ chăn nuôi 4 tháng không phải vệ sinh chuồng nuôi; thỉnh thoảng đảo lớp đệm lên để xử lý bằng men vi sinh; chuồng nuôi khô ráo, sạch sẽ và không có mùi khó chịu như trước. Đặc biệt, gà nuôi trên đệm lót sinh học tăng trưởng khá tốt nên hiệu quả kinh tế thu được tăng gấp hơn 2 lần so với cách nuôi truyền thống. Bình quân hàng năm, sau khi trừ chi phí, mô hình chăn nuôi gà an toàn trên đệm lót sinh học đã mang về cho gia đình ông Long trên 100 triệu đồng.
Được biết, chị Thơm, ông Long chỉ là 2 trong số hàng trăm hộ dân vươn lên sản xuất có hiệu quả trên cơ sở sự hướng dẫn, hỗ trợ của Trạm Khuyến nông huyện Tân Kỳ. Theo đồng chí Hoàng Quốc Việt, Chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ: Trên cơ sở bám sát đặc điểm của địa phương, công tác khuyến nông đã có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông, lâm nghiệp và chăn nuôi của huyện. Nhất là đã cụ thể hóa các chủ trương trong phát triển nông nghiệp như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng các mô hình trình diễn để giới thiệu cây, con giống mới, chuyển giao các khoa học kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi... Nhờ vậy, người dân đã áp dụng có hiệu quả giúp nâng cao giá trị sản xuất và tăng thu nhập cho bà con.
Đồng chí Thái Thị Mỹ Lương, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông huyện Tân Kỳ cho biết: Phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới Trạm sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động hướng dẫn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho người dân; thực hiện các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, thông tin tuyên truyền về cây, con giống mới cho nhân dân; nhân rộng các mô hình khuyến nông trình diễn có hiệu quả. Đồng thời, chỉ đạo cán bộ khuyến nông viên cơ sở tham mưu, đề xuất cho các địa phương sản xuất đúng theo thời vụ…
Bám sát đặc điểm địa phương và nhu cầu thực tiễn của người dân; phát huy tốt vai trò đội ngũ cán bộ, khuyến nông viên cơ sở, Trạm Khuyến nông huyện Tân Kỳ đã và đang có những đóng góp trong sự phát triển sản xuất nông nghiệp; thực sự là “cầu nối” đưa khoa học kỹ thuật về với bà con, góp phần tăng năng suất, chất lượng của cây trồng, vật nuôi và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển./.