Cơ hội cho doanh nghiệp phân phối hàng Việt trên nền tảng thương mại điện tử

Thứ sáu, 25/12/2020 20:31
(ĐCSVN) - “Gian hàng Việt trực tuyến” sẽ nằm ở trang đầu trên các sàn thương mại điện tử như Sendo, Tiki, Vỏ Sò... Các sản phẩm trong gian hàng được lựa chọn là những thương hiệu Việt uy tín, chất lượng sản phẩm được bảo đảm bởi nhà sản xuất, hồ sơ doanh nghiệp do Bộ Công Thương kiểm tra, đánh giá.

Ngày 25/12, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Thương mại Du lịch thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị “Cơ hội cho doanh nghiệp sản xuất Việt triển khai phân phối trên nền tảng thương mại điện tử trong bối cảnh mới”.

Hội nghị nhằm giúp doanh nghiệp nắm bắt sâu hơn nữa nội dung chương trình, cũng như hướng dẫn cho doanh nghiệp sản xuất Việt các cách thức triển khai phương thức phân phối hàng hóa mới một cách hiệu quả nhất.

leftcenterrightdel
“Gian hàng Việt trực tuyến” sẽ nằm ở trang đầu trên các sàn thương mại điện tử  (Ảnh: BTC)

Theo chia sẻ của ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, “Gian hàng Việt trực tuyến” sẽ nằm ở trang đầu trên các sàn thương mại điện tử như Sendo, Tiki, Vỏ Sò... Các sản phẩm trong gian hàng được lựa chọn là những thương hiệu Việt uy tín, chất lượng sản phẩm được bảo đảm bởi nhà sản xuất, hồ sơ doanh nghiệp do Bộ Công Thương kiểm tra, đánh giá.

Đây là nơi tập hợp các thương hiệu uy tín, sản phẩm chất lượng của các doanh nghiệp sản xuất Việt để thúc đẩy phân phối tại thị trường nội địa thông qua thương mại điện tử. “Gian hàng Việt trực tuyến” giúp người tiêu dùng mua sắm hàng Việt qua kênh thương mại điện tử với chất lượng bảo đảm, chi phí thấp, góp phần bảo đảm niềm tin của người tiêu dùng qua thương mại điện tử khi mua sắm trực tuyến.

“Gian hàng Việt trực tuyến” cũng sẽ là nơi các nhà sản xuất Việt mở thêm kênh phân phối mới, hiện đại, hỗ trợ mở rộng đầu ra cho các doanh nghiệp sản xuất Việt tới mọi tỉnh thành phố trên cả nước, từng bước giúp các doanh nghiệp sản xuất Việt, doanh nghiệp địa phương ổn định kinh doanh và phục hồi sản xuất trong giai đoạn bình thường mới.

Các ý kiến tham luận tại hội nghị cũng cho rằng trước ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, xu hướng tiêu dùng trực tuyến đang ngày càng phổ biến và là xu hướng tất yếu của tương lai, “Gian hàng Việt trực tuyến” có thể xem là một biện pháp giúp các doanh nghiệp Việt phục hồi sản xuất và tiếp cận thị trường qua phương thức phân phối hiện đại.

Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, bên cạnh các cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam khi các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) có hiệu lực, thì cũng có không ít thách thức đòi hỏi doanh nghiệp sản xuất Việt phải cùng nhau nỗ lực củng cố vị thế của mình, và phát triển bền vững hơn nữa tại thị trường trong nước.

Trong khuôn khổ của hội nghị, các doanh nghiệp Việt được tiếp cận thêm giải pháp cụ thể và thiết thực khác trong phân phối hàng hoá trên thương mại điện tử thông qua “Gian hàng Việt trực tuyến” như các giải pháp về tài chính điện tử, chuyển đổi số doanh nghiệp của Ngân hàng VPBank; giải pháp quản lý chất lượng, nguồn gốc xuất xứ thông qua công nghệ mã QR code (iCheck)…/.

An Nguyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực